Bưu điện thành phố Hà Nội là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị kinh doanh dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí của Bưu điện thành phố Hà Nội sau khi thực hiện phương án chia tách bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Bưu điện Hà Nội được thực dân Pháp thành lập từ năm 1884, ngay sau khi triều Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, chấp nhận chế độ bảo hộ. Vị trí của Bưu điện Hà Nội là nền chùa Báo Ân cũ. Năm 1943, Sở Bưu điện Hà Nội xây dựng thêm một tòa nhà mới nằm ở góc phố Đinh Lễ. Tòa nhà này do kiến trúc sư Henri Cerutti thiết kế. Trải qua nhiều biến động lịch sử, dù chiến tranh hay hoà bình, mưa hay nắng, bao thế hệ người Hà Nội đã ra bưu điện bờ Hồ để gọi điện và nhận, gửi thư báo. Đây còn được xem như cột mốc để tính cây số từ Hà Nội toả đi các tỉnh, thành. Toà nhà đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật về thủ đô.
Bưu điện Hà Nội với tên gọi mới
(WOWTIMES) Lịch sử hình thành của Bưu điện Hà Nội.
Năm 1883, Pháp lập bưu cục tại Hà-nội. Trong khoảng 30 năm từ 1886 đến 1916, qua nhiều đợt xây dựng, thực dân Pháp đã xây dựng trung tâm Bưu điện (khu vực 75. Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội ngày nay) với toà nhà 3 tầng.
Năm 1886, phát hành con tem đầu tiên dùng cho Nam kỳ và đến năm 1889 phát hành con tem dùng chung cho 3 nước Đông Dương.
Cuối năm 1889, xây dựng tổng đài điện thoại Hà Nội (loại nhân công tiếp dây, lúc đầu có 800 số, khi Pháp rút khỏi Hà Nội ngày 10/10/1954 có 1500 số với 600 máy hoạt động).
Tháng 7/1927, xây dựng kho và Cơ xưởng bưu điện trung ương tại số nhà 61-63 đường Trần Phú bây giờ.
Tháng 1/1929, mở thêm tuyến hàng không bưu chính giữa Hà Nội với Paris, sau đó mở thêm các tuyến Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Viêng Chăn, Hà Nội - Phnom Pênh.
Năm 1926- 1927, địa điểm liên lạc của giao thông tại Hà Nội được đặt ở chùa Hương Tuyết, Bạch Mai, ngoài ra còn đặt ở nhiều địa điểm khác trong nội và ngoại thành.
Ngày 19/8/1945, sau khi chiếm lĩnh được Bưu điện trung tâm ở Hà Nội, quân ta đã tổ chức ngay hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cách mạng, xây dựng chính quyền nhân dân. Bưu điện trung tâm Hà Nội gọi là Nhà Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Tại đây, hồi 7 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 1 năm 1946, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân, viên chức Bưu điện.
Ngày 19-20/12/1946 đã diễn ra trận chiến đấu quyết tử giữa Tự vệ Bưu điện cùng Vệ Quốc đoàn chống lại nhiều đợt tấn công của quân đội thực dân Pháp hòng chiếm lĩnh nhà Bưu điện. Hai chiến sĩ tự vệ Bưu điện đã hy sinh anh dũng là Nguyễn Văn Hùng và Công Khắc Nhẫn.
Ngày 10/10/1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đồng chí Vũ Văn Quý cán bộ Nha Bưu điện- Vô tuyến điện Việt Nam được Uỷ ban Quân chính thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp quản ngành Bưu điện và Vô tuyến điện đã ký biên bản bàn giao trong Lễ tiếp quản ngành Bưu điện và Vô tuyến điện tại số 4 phố Phạm Ngũ Lão-Hà Nội. Bưu điện Hà Nội lúc đó có tên gọi là Sở Bưu điện và Vô tuyến điện Hà Nội, cơ sở vật chất do Pháp để lại gồm có: nhà Bưu điện trung tâm Bờ Hồ và 3 bưu cục: Bạch Mai, Ngã Tư sở và ga Hàng Cỏ.
Ngày 11/10/1954, phòng Giao dịch Bờ Hồ đã mở cửa phục vụ nhân dân.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Bắc – Nam, việc trao đổi thư tín giữa hai miền là mối quan tâm hàng đầu đối với ngành Bưu điện. Được sự chỉ đạo của Tổng cục Bưu điện, Bưu điện Hà Nội đã phối hợp thành lập Bưu cục BC-135 để chuyên trách việc tiếp nhận, khai thác bưu thiếp, sau này là thư từ, bưu phẩm, vật phẩm của đồng bào, chiến sĩ hai miền Bắc-Nam trao đổi.
Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai miền Nam, Bắc. Công tác thông tin Bưu điện cũng đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Hà Nội trở thành trung tâm thông tin đầu mối của cả nước, để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đến với đồng bào thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam mới giải phóng, những trang báo Nhân dân đã được hệ thống thông tin của Bưu điện Hà Nội truyền trực tiếp để in ấn và phát hành trong ngày tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1978, nhà Bưu điện 5 tầng thuộc khu vực 75-Đinh Tiên Hoàng với sự giúp đỡ xây dựng và trang bị thiết bị thông tin của Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Từ 1980 đến 1990 ngành Bưu điện đầu tư và được sự giúp đỡ của Liên Xô ( Liên bang Nga ngày nay ) nhiều tuyến hướng Viba Bắc Nam, nhiều tuyến cáp đồng trục Hà Nội-Bắc, Nam; Hà Nội- Hải Phòng; Hà Nội- Quảng Ninh.... Đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen được xây dựng và hoàn thành đã tăng cường đáng kể các đường thông tin từ Hà Nội đi các tỉnh trong Nước và đi Quốc tế.
Năm 2004, Bưu điện Hà Nội vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2008, năm đánh dấu bước ngoặt thay đổi lớn của ngành Bưu chính Viễn thông nói chung và lĩnh vực Bưu chính nói riêng.Từ ngày 01/01/2008 Bưu chính chính thức chia tách khỏi Viễn thông, Bưu Điện thành phố Hà Nội mới là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.
Tháng 4/2008, Bưu Điện thành phố Hà Nội tiếp nhận toàn bộ lao động từ Công ty VPS theo Quyết định số 100/QĐ-TCLĐ-HĐQT ngày 06/12/2007 của Hội đồng quản trị Tập đoàn VNPT, cùng lúc Bưu Điện thành phố Hà Nội tiếp nhận một bộ phận chuyển tiền từ Công ty VPSC theo Quyết định số 656/QĐ-TCLĐ ngày 24/3/2008.
Tháng 10/2008, Bưu Điện thành phố Hà Nội tiếp nhận toàn bộ nguồn lực từ Bưu Điện tỉnh Hà Tây cũ, 4 xã của huyện Lương Sơn – Hòa Bình và Bưu Điện huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc với số lượng đơn vị tiếp nhận thêm là 15 đơn vị, nâng tổng số lao động lên 2.430 người.
Những mốc sự kiện đáng nhớ đó chính là bước chuyển đổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Bưu chính Thủ đô. Những thành tựu đạt được trong những năm đầu chia tách, sáp nhập đã cho thấy tập thể cán bộ và công nhân viên Bưu Điện thành phố Hà Nội đã thực sự kế thừa và phát huy tốt những thành quả to lớn của Bưu Điện Thủ đô.