Tòa nhà Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 2 Công trường Công xã Paris (quận 1), kế bên Nhà thờ Đức Bà và là một trong những công trình tiêu biểu của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử và ghi dấu ấn trong quá trình phát triển Sài Gòn trước đây theo hình thái đô thị hiện đại châu Âu. Cùng với các công trình khác như: Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh, bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành..., Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một gương mặt tiêu biểu của kiến trúc đô thị
Công trình Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đó là một công trình đặc biệt về công năng và hình ảnh đô thị, gắn liền với sự phát triển của đô thị này. Công trình mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Màu sắc nguyên thủy của tòa nhà là màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ và phù điêu màu trắng cùng các ô cửa lá sách màu xanh lá. Màu sắc và kiến trúc của công trình hòa hợp với cảnh quan xung quanh, tạo thành một điểm nhấn trong không gian đô thị.
Bưu điện TP. Hồ Chí Minh (HCMC Post) trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost), thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Là doanh nghiệp chủ lực trong việc cung cấp các dịch vụ Bưu chính- chuyển phát trên địa bàn Thành phố. Với lợi thế về mạng lưới rộng khắp; cơ sở hạ tầng hiện đại; đội xe chuyên dụng quy mô lớn; đội ngũ bưu tá dày dạn kinh nghiệm, am hiểu địa bàn, Bưu điện TP.HCM cam kết cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ vượt trội và phong cách phục vụ chuyên nghiệp nhất.
Trong suốt quá trình phát triển, Bưu điện Việt Nam đã nhiều lần đổi mới, tái cơ cấu, đảm nhận trọng trách mới, vượt trên thử thách để lớn mạnh hơn. Nếu những thử thách trong quá khứ là để phục vụ kịp thời nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, thì những thách thức sắp tới sẽ là ứng dụng công nghệ và kết nối các thành tố kinh tế - xã hội mang tính toàn cầu. Nhận thức được sứ mệnh phục vụ cộng đồng, Bưu điện Việt Nam luôn đặt khách hàng làm trọng tâm, luôn trăn trở, làm việc vì lợi ích của khách hàng.
(WOWTIMES) Lịch sử hình thành của Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi đánh thành Gia Định, chiếm được vùng đất Sài Gòn, Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Ngày 11/11/1860, "Sở dây thép" Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập. Ông Phạm Văn Trung là người Việt Nam đầu tiên làm giám đốc Bưu điện An Nam tại Sài Gòn.
Ngày 13/1/1863, Sở dây thép Sài Gòn được chính thức khánh thành và phát hành “con cò" (người Sài Gòn xưa hay gọi con tem là con cò) đẩu tiên, đây là con tem đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. "Con cò" Ðông Dương in hình con Phượng Hoàng, biểu tượng của Vua Na-pô-lê-ông Ðệ Tam, có giá từ 0,1 đến 4 phờ-răng.
Năm 1864, những lá thư đầu tiên có dán "con cò" đã được gửi từ Sài Gòn ra thế giới.
Năm 1875, người Pháp mở bưu cục ở Sài Gòn.
Năm 1886- 1891, Công trình Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đó là một công trình đặc biệt về công năng và hình ảnh đô thị, gắn liền với sự phát triển của đô thị này.
Năm 1975: Tiếp quản mạng lưới bưu cục do chế độ cũ để lại, có 23 bưu cục thuộc 3 vùng quản lý: Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định
Năm 1985: Phát triển được 68 bưu cục
Năm 1986: Thay đổi mô hình tổ chức Bưu chính gồm: 3 Bưu điện Trung tâm và 6 Bưu điện huyện.
Năm 1991: Tổng số bưu cục trên toàn mạng là 79 bưu cục
Năm 1994: Thử nghiệm thành công mô hình Đại lý Bưu điện
Năm 1995: Hợp tác cung cấp dịch vụ cho DHL, Fedex
Năm 1998: Triển khai mô hình Điểm Bưu điện Văn hóa xã
Năm 2000: Đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tổng số bưu cục trên toàn mạng là 183 bưu cục, 22 điểm Bưu điện văn hóa xã, 240 đại lý bưu điện.
Năm 2002: Đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động.
Năm 2003: Thành lập công ty Chuyển phát nhanh Tổng số bưu cục trên toàn mạng là 196 bưu cục, 1.500 đại lý Bưu điện, 36 điểm Bưu điện văn hóa xã.
Năm 2008: Chia tách Bưu chính – Viễn thông, gồm 2 đơn vị: Bưu điện TP.HCM và Viễn thông TP.HCM (VNPT TP.HCM), Bưu điện TP.HCM chịu trách nhiệm quản lý hoạt động SXKD các dịch vụ Bưu chính – Chuyển phát trên địa bàn TP.HCM.
Năm 2009: Ra mắt dịch vụ quà tặng trực tuyến Postgift và dịch vụ quảng cáo Scard Thành lập Trung tâm Hỗ trợ khách hàng
Năm 2010: Ra mắt dịch vụ Giao hàng thu tiền, Direct Mail
Lịch sử hình thành và phát triển đã tạo nên nét đẹp truyền thống của con người Bưu điện: Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình. Mười chữ vàng ấy đã ăn sâu trong tâm trí, nếp nghĩ - cách làm của các thế hệ người lao động. Bưu điện Việt Nam tiếp tục trân trọng và phát huy những phẩm chất ấy trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giá trị 10 chữ vàng tiếp tục sống mãi.