Bệnh viện Bạch Mai nằm ở số 78 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, là một trong những bệnh viện lớn nhất của Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong nước được nhận danh hiệu đặc biệt. Hiện tại bệnh viện Bạch Mai có 56 đơn vị, với quy mô 3200 giường bệnh và hơn 4000 cán bộ nhân viên y tế, tất cả trưởng khoa, giám đốc các trung tâm đều có trình độ sau đại học. Hàng năm BV tiếp nhận khám chữa bệnh và điều trị cho gần 2 triệu bệnh nhân ngoại trú và 165.000 bệnh nhân nội trú. Với sự nỗ lực và cố gắng của mình trong suốt chặng đường phát triển, bệnh viện Bạch Mai đã tạo được uy tín và thương hiệu riêng, là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của nhân dân cả nước.
Bệnh viện Bạch Mai trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
Đảm nhiệm chức năng là tuyến kỹ thuật cao nhất, Bệnh viện Bạch Mai có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Với mô hình kết hợp Viện-Trường, hơn 200 cán bộ Trường đại học Y Hà Nội vừa tham gia giảng dạy, đồng thời làm chuyên môn, quản lý tại các đơn vị trực thuộc Bệnh viện. Mô hình đào tạo liên tục cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã và đang được áp dụng rộng khắp tới hầu hết các tỉnh thành phía Bắc và cả nước. Gần 60.000 lượt cán bộ y tế các trình độ được Bệnh viện Bạch Mai đào tạo liên tục trong hơn 10 năm qua đang trực tiếp áp dụng những kiến thức, kỹ năng thu được vào thực tế công việc tại các cơ sở y tế ở nhiều vùng miền của đất nước, nhất là những vùng núi xa xôi còn nhiều khó khăn đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực cho người bệnh, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…
Hệ thống phân phối mẫu tự động tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
(WOWTIMES) NHỮNG CỘT MỐC VÀ THÀNH TỰU TRONG HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 1911: Bệnh viện Bạch Mai được thành lập, ban đầu là Nhà thương Cống Vọng nhỏ bé chuyên để thu nhận và điều trị bệnh nhân truyền nhiễm.
Nhà thương Cống Vọng xưa. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
Năm 1935: Bệnh viện mang tên René Robin được xây dựng quy mô hơn, là cơ sở thực hành chính của trường Đại học Y khoa Đông Dương.
Năm 1945: Bệnh viện được mang tên Bệnh viện Bạch Mai.
Giai đoạn 1945 - 1954: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bệnh viện là pháo đài của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Thủ đô, hoạt động chuyên môn diễn ra tronq điều kiện khó khăn về mọi mặt.
Giai đoạn 1954 - 1964: Bệnh viện tiến hàng cải tạo cơ sở vật chất sau chiến tranh tàn phá, tăng số lượng cán bộ và mở rộng quy mô hoạt động chuyên môn. Bệnh viện vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm hai lần: 12/1954 và 3/1960.
Giai đoạn 1965 - 1975: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ Bệnh viện đã tình nguyện vào Nam chiến đấu. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lân đến thăm và động viên CBCC Bệnh viện. Năm 1972: Bốn lần máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt Bệnh viện, 28 cán bộ y tế của Bệnh viện đã anh dũng hy sinh trong khi đang cứu chữa bệnh nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bệnh viện Bạch Mai ngày 21/03/1960. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
Năm 1975: Đất nước thống nhất, Bệnh viện Bạch Mai bước vào kỷ nguyên mới, đảm nhiệm trọng trách khám chữa bệnh tuyến cuối của ngành y tế.
Năm 2006: Bệnh viện được Bộ y tế công nhận là Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2011: Bệnh viện đã có quy mô 1400 giường bệnh với: 02 Viện, 07 Trung tâm, 22 Khoa Lâm sàng, 06 Khoa Cận lâm sàng, 10 Phòng/Ban chức năng, Trường Trung học Y tế, Tạp chí Y học lâm sàng, Đơn vị Dịch vụ; Mục tiêu: xây dựng Bệnh viện Bạch Mai trở thành Trung tâm Y học hàng đầu của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Năm 2016: Bệnh viện có quy mô 1900 giường bệnh với 55 đơn vị trực thuộc: 03 Viện, 08 Trung tâm, 12 Phòng/Ban chức năng, 23 Khoa Lâm sàng, 06 Khoa Cận lâm sàng, Trường Cao đẳng Y tế, Tạp chí Y học lâm sàng, Đơn vị Dịch vụ; Khánh thành Trung Tâm Hội nghị Quốc tế Bạch Mai có 01 Hội trường 700 chỗ với nhiều trang thiết bị hiện đại và hệ thống hội trường mini đồng bộ; Khánh thành tòa nhà Trung tâm Tim mạch trẻ em và Trung tâm Ung bướu quy mô 800 giường; Khởi công Trung tâm Khám bệnh tại khu Trạm lao cũ và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam) cùng nhiều công trình khác.
Ngoài hoạt động khám và chữa bệnh cho người dân, bênh viện Bạch Mai luôn tích cực trong công tác hoạt động xã hội, tổ chức các chương trình tình nguyện. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC
Huân chương kháng chiến hạng Nhất (1973)
Huân chương Lao động hạng Nhất (1982)
Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2000)
Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001, 2011)
Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2002)
Huân chương Lao động hạng Ba (2002)
Huân chương Lao động hạng Nhì (2004, 2018)
Huân chương Hồ Chí Minh (2006)
Huân chương Lao động hạng Ba (2008)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương lao động hạng nhì lần thứ 2 cho Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
Phát triển khoa học công nghệ chuyên sâu được xem là yếu tố quyết định để phát triển bệnh viện. Đến nay nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới đã được triển khai, áp dụng như: kỹ thuật bít tiểu nhĩ trái qua ống thông, thay van động mạch chủ qua da, sửa van 2 lá qua ống thông, điều trị tế bào gốc ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cấp, phẫu thuật cắt thùy phổi nội soi một đường rạch…Bệnh viện luôn chú trong phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cùng với việc đầu tư phát triển các kỹ thuật y học chuyên sâu gắn với đầu từ trang thiết bị hiện đại, bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều kỹ thuật cao được triển khai thường quy tại BV đã cứu sống được nhiều ca bệnh nguy kịch đem lại niềm vui khôn xiết cho người bệnh và gia đình cũng như các y bác sĩ.
(Ảnh: bachmai.gov.vn)
Ngoài hoạt động khám và chữa bệnh cho người dân, bênh viện Bạch Mai luôn tích cực trong công tác hoạt động xã hội, tổ chức các chương trình tình nguyện, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cũng như tổ chức hỗ trợ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh nhỏ. Trong suốt hơn 2 năm dịch Covid- 19 xuất hiện ở nước ta, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế cùng bệnh viện đã đồng lòng và có những đóng góp vô cùng to lớn trong công tác đẩy lùi dịch bệnh của đất nước.
_______________________________
Trong năm 2022 - 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp cùng Tổ chứcNiên lịch và Thành tựu Việt Nam (WowTimes), đơn vị trực thuộc TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam triển khai Hành trình tìm kiếm và vinh danh Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần I, Năm 2023). Hành trình được triển khai nhằm tìm kiếm, xác lập Niên lịch các đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển từ 100 năm trở lên, đồng thời ghi nhận Thành tựu mà các đơn vị đã cống hiến và đạt được xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Trong danh sách công bố Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam - Lần 1 năm 2023, gồm 30 đơn vị trong lĩnh vực giáo dục; 27 đơn vị trong lĩnh vực Y tế; 23 đơn vị Hành chính sự nghiệp; 20 Doanh nghiệp và Thương hiệu trên 100 tuổi.
Danh sách các đơn vị trong TOP 100 ĐƠN VỊ TRÊN TRĂM TUỔI CÒN HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM (Lần 1, Năm 2023) sẽ được VIETKINGS tiếp tục công bố trong thời gian tới nhằm giới thiệu rõ hơn về lịch sử hình thành, những thành tựu và đóng góp của các đơn vị trong hơn một thế kỷ, trở thành động lực và nguồn cảm hứng phát triển cho các cá nhân – tổ chức trong hôm nay và mai sau. Các đơn vị nằm trong TOP 100 ĐƠN VỊ TRÊN TRĂM TUỔI CÒN HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM (Lần 1, Năm 2023) có thể liên hệ VietKings để đón nhận bằng Niên lịch và Thành tựu tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam gần nhất trong năm 2023.
Thông tin chi tiết xin liên hệ
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM – VIETKINGS
Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh
Phụ trách hành trình: Ms Quyên - 08 333 14 555
Email:
Website: https://kyluc.vn