[WOWTIMES - Niên lịch & Thành tựu Việt Nam 2022] Bệnh viên Quân y 103: Hành trình 72 năm cống hiến hết mình của các chiến sĩ áo trắng

13-12-2022

(kyluc.vn) Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam tiến hành thực hiện các ca ghép thận, gan, tim thành công. Trải qua 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những người lính khoác trên mình chiếc áo blouse trắng ở Bệnh viện Quân y 103 luôn không ngừng nỗ lực, từng bước khẳng định “thương hiệu 103” bằng những kết quả đáng tự hào.

 

Bệnh viện Quân y 103 là bệnh viện thực hành trực thuộc Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam, thành lập vào ngày 20/12/1950. Bệnh viện được xếp hạng là bệnh viện đa khoa hạng I, trụ sở tại số 261, đường Phùng Hưng - Hà Đông - Hà Nội, có một số chuyên khoa của bệnh viện là tuyến cuối của Quân đội. Hiện nay, bệnh viện thực hiện 3 nhiệm vụ chính là điều trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Bệnh viện Quân Y 103 - 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: benhvien103.vn)

 

Từ một cơ sở ban đầu với những lán trại bằng tranh tre, nứa, lá ở rừng chiến khu Việt Bắc, với một chiếc nồi hấp, hai bộ dụng cụ tiểu phẫu thuật…, đến nay Bệnh viện đã có nhiều trang thiết bị hiện đại: chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, xạ trị điều trị ung thư, siêu âm màu bốn chiều, các máy xét nghiệm thế hệ mới…, trình độ chuyên môn các khối Nội, Ngoại chuyên khoa và Cận lâm sàng phát triển đều, trong đó đã chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật mũi nhọn, các xét nghiệm bậc cao và chuyên sâu đã tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

 

Hoạt động khám và điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. (Ảnh: benhvien103.vn)

 

Bệnh viện hiện là cơ sở huấn luyện của Học viện quân y. Những năm gần đây, với đội ngũ gần 300 giảng viên, Bệnh viện đã đảm nhiệm gần 70% khối lượng đào tạo hằng năm của Học viện cho các bậc đại học đến cao học và nghiên cứu sinh với lưu lượng từ 100 – 120 lớp cho 3000 đến 4000 học viên. Đối tượng, loại hình đào tạo đa dạng (Bác sỹ dài hạn quân y, Bác sỹ dài hạn dân y, Cử nhân điều dưỡng; Bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, Nghiên cứu sinh; chuyên khoa sơ bộ các chuyên ngành…), ngoài huấn luyện cho các đối tượng học viên tại Bệnh viện, Bệnh viện còn mở rộng phạm vi đào tạo ra nhiều Bệnh viện, các cơ sở y tế trong cả nước.

 

Bệnh viện hiện là cơ sở huấn luyện, thực hành của Học viện quân y. (Ảnh: benhvien103.vn)

 

Thực hiện phương châm “đi tắt đón đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; lấy phát triển khoa học làm động lực nâng cao chất lượng đào tạo và điều trị, đồng thời có giải pháp đồng bộ trong tập hợp lực lượng; phát huy nhiệt tình, trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học” cùng với Học viện, Bệnh viện đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đạt được những bước phát triển vượt bậc. Trong đó có những đề tài thực hiện trong nhiều năm và có ý nghĩa xã hội cao như ghép tim, ghép tuỵ thận từ người cho chết não, các đề tài ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều trị, các đề tài nghiên cứu về thu dung điều trị nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam.

 

Hội nghị khoa học “Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị” của Bệnh viện Quân y 103. (Ảnh: benhvien103.vn)

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 20/12/1950, Đội điều trị 3 - tiền thân của Bệnh viện 103 được thành lập tại thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng (nay là xã Trung Giáp), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10/1957, theo Quyết định của Tổng cục Hậu cần, Đội điều trị 3 được chuyển thành Quân y viện 103.

Tháng 12/1958, Bộ quốc phòng có quyết định chuyển Quân y viện 103 thuộc quyền quản lý của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) về trực thuộc Trường sỹ quan Quân y và trở thành bệnh viện thực hành của Trường.

Ngày 21/5/1989, Bộ Tổng tham mưu có Quyết định số 183/QĐ-TM công nhận Viện Quân y 103 là Bệnh viện hạng I của Quân đội.

Năm 1995, Viện Quân y 103 được đổi tên thành Bệnh viện 103.

Ngày 23/1/2014, Bộ Quốc Phòng có Quyết định Số 214/QĐ-BQP quyết định đổi tên Bệnh viện 103 thành Bệnh viện Quân y 103.

 

Bệnh viện chính thức mang tên Bệnh viện Quân y 103 vào năm 2014. (Ảnh: benhvien103.vn)

 

THÀNH TỰU TRONG LĨNH VỰC GHÉP TẠNG CỦA BỆNH VIỆN QUÂN Y 103

Ngày 4/6/1992, trường hợp ghép thận đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103 cho bệnh nhân thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, chủ nhiệm thông tin Quân đoàn 3, bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Người cho thận là em trai ruột 28 tuổi của bệnh nhân.

 

Buổi họp chuẩn bị cho ca ghép thận đầu tiên tại Học viện Quân y vào năm 1992. Giáo sư Lê Thế Trung đeo cà vạt màu đen, đang đứng. (Ảnh: Học viện Quân y)

 

Ngày 20/7/1993, trường hợp ghép thận đầu tiên do các thầy thuốc Việt Nam tự lực tiến hành thành công tại Bệnh viện 103. Bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm 33 tuổi ở Tuy Hòa, Phú Yên. Sau 19 năm ghép thận, hiện nay anh Nghiêm sức khỏe và chức năng thận ghép vẫn ổn định và đã sinh thêm 1 cháu bé khỏe mạnh.

 

Giáo sư Lê Thế Trung (thứ hai từ phải sang) và các bệnh nhân ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103. (Ảnh: internet)

 

Ngày 31/1/2004, trường hợp ghép gan đầu tiên của Việt Nam được thực hiện thành công tại Học viện Quân y cho cháu Nguyễn Thị Diệp 10 tuổi bị bệnh teo đường mật bẩm sinh đã có biến chứng xơ gan và chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, người cho gan là bố đẻ cháu – anh Nguyễn Quốc Phòng 31 tuổi. Ca mổ được tiến hành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, đứng đầu là GS M. Makuuchi.

Ngày 17/6/2010, trường hợp ghép tim đầu tiên của Việt Nam đã được tiến hành thành công tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi bị bệnh cơ tim thể giãn có suy tim độ IV. Người cho tim là bệnh nhân chết não 29 tuổi. Bệnh nhân Nam được ghép tim đúng vị trí theo phương pháp nối 2 tâm nhĩ. Ca mổ được thực hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia Đài Loan. Đến nay, sau gần 2 năm ghép tim, sức khỏe và chức năng tim ghép của bệnh nhân vẫn tốt.

 

Bệnh nhân Bùi Văn Nam được tiến hành ghép tim ngày 17/6/2010 tại Bệnh viện Quân y 103. (Ảnh: internet)

 

Vào năm 2011, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã chính thức công nhận Bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân Y (Hà Nội) là Bệnh viện thực hiện các ca ghép thận, gan, tim đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2016, Học viện Quân y và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là hai đơn vị lập Kỷ lục Việt Nam với Sự kiện có nhiều người cùng tình nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người để phục vụ y học sau khi chết, chết não.

Năm 2017, Học viện Quân y – Bộ Quốc phòng được vinh danh các Kỷ lục tập thể:
- Ca ghép tụy - thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam 
- Ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam

Cùng các Kỷ lục cá nhân dành cho các Bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 thực hiện. 

- Ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam - GS.TS.BS Đỗ Quyết và GS.BS Takahiro Oto
- Ca ghép tụy - thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam - PGS.TS.BS Hoàng Mạnh An
- Ca ghép tim đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam - GS.TS.BS Nguyễn Tiến Bình và GS.BS Jeng Wei
- Ca ghép thận đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam - GS.TSKH Lê Thế Trung và GS Chue-Shue Lee
- Ca ghép gan đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam - GS.TS Phạm Gia Khánh và GS Masatoshi Makuuchi

 

BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH CỦA BỆNH VIỆN QUÂN Y 103

Từ ngày thành lập đến nay, Bệnh viện đã có: 18 giáo sư, 130 phó giáo sư, 7 tiến sĩ khoa học, 216 tiến sĩ, hàng trăm bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II và thạc sĩ cùng với nhiều cán bộ chuyên môn, chính trị, quân sự, hậu cần có trình độ đại học và trên đại học…, 12 Thầy thuốc Nhân dân, 151 Thầy thuốc Ưu tú, 6 Nhà giáo Nhân dân, 9 Nhà giáo Ưu tú, 26 đồng chí đã từng học tập và công tác tại Bệnh viện được thăng quân hàm cấp tướng; 7 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

 

Bệnh viện Quân y 103 đã 3 lần được trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: internet)

 

Bệnh viện vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Bộ, Ngành của Trung ương và các địa phương đã tặng thưởng cho đơn vị nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh (2015); Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1989, 2009, 2014); Huân chương Quân công (1980, 1985, 2005); Huân chương Chiến công (1969, 1974, 1983, 1995, 2000); Huân chương Độc lập (2012); Huân chương Lao động (2011, 2014, 2020); Huân Chương Ixala của Nhà nước Cộng hoà DCND Lào (năm 2011)

Là Bệnh viện duy nhất trong cả nước được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới” cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen khác.

 

Bệnh viện Quân y 103 đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh năm 2015. (Ảnh: dangcongsan.vn)

 

Bệnh viện được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. (Ảnh: qdnd.vn)

 

Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, từ Đội Điều trị 3 đến Bệnh viện Quân y 103, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Bệnh viện cùng Học viện Quân y đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn cán bộ, nhân viên y tế chất lượng cao cũng như thực hiện hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao được áp dụng trong khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Bệnh viện Quân Y 103 (20/12/1950 – 20/12/2022), kính chúc đơn vị tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thời gian sắp tới.

 

 

Quyên Nguyễn - Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2