Trò chuyện cùng Bác sĩ thẩm mỹ Lê Hành - Người kiến tạo sắc đẹp toàn bích

22-05-2019

“Sửa chữa một khiếm khuyết trên khuôn mặt có thể hàn gắn được những thương tổn trong tâm hồn" (PGS,TS,BS Lê Hành). Câu nói này như một câu châm ngôn của vị Bác sĩ chuyên làm công việc mang lại cái đẹp toàn bích trên gương mặt cho mọi người, nhất là đối với phụ nữ.

 
Chân dung PGS, TS, Bác sĩ, Kỷ lục gia Lê Hành.
 

PGS,TS,BS Lê Hành là người có nhiều năm trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình (PTTMTH). Ông nguyên là Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh – người chủ chốt trong việc Sáng lập ra 2 Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình TP Hồ Chí Minh và Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Việt Nam.

Hiện ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình (Hội PTTMTH) TP.Hồ Chí Minh (HSPAS) kiêm Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Việt Nam (VSPAS), Thành viên Hội đồng Tư vấn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings. 

Ban biên soạn sách “Chuyện Nhà sáng nghiệp Việt Nam & Thế giới” đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với bác sĩ Lê Hành xung quanh những vấn đề mà đại đa số phụ nữ Việt Nam và thế giới đang quan tâm. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện:

 

Thưa bác sĩ, xin ông vui lòng cho biết đôi nét về quá trình hoạt động của Bác sĩ với ngành Y, và nhất là đối với ngành Phẫu thuật thẩm mỹ?

PGS-TS-BS Lê Hành: Tình yêu cái đẹp đã định hướng những rèn luyện và những mục tiêu hoạt động trong ngành y của tôi từ khi còn là sinh viên trường Đại học Y khoa Sài Gòn.  Tôi tìm được niềm vui trong nghề của mình với cảm nhận rõ ràng là việc tôn tạo được ngoại hình của một người đã đem lại hạnh phúc thật sự cho họ, vì trong nhiều trường hợp “sửa chữa một khiếm khuyết trên khuôn mặt có thể hàn gắn được những thương tổn trong tâm hồn”. Đã bước chân vào ngành y thì mục tiêu tối thượng là chữa lành bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, mang lại hạnh phúc cho con người. Phải trở thành một lương y!

Tạo hình thẩm mỹ là một chuyên ngành trong đó có sự phối hợp nhuần nhuyễn và khăng khít giữa khoa hoc và nghệ thuật, giữa kiến thức y khoa và mỹ học. Công việc tôn tạo ngoại hình con người cho gần với cái đẹp lý tưởng có những khó khăn riêng. Mỹ học có những yêu cầu khắc khe về hình khối, tỉ lệ, đường nét mà bác sĩ thẩm mỹ phải đạt được trong công việc của mình. Nhưng không như điêu khắc trên một tảng đá mà kết quả luôn ổn định, tác phẩm của phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện trên thân thể con người luôn có những đáp ứng khác nhau với trị liệu. Thành quả thì được thẩm định một cách chủ quan với những định kiến riêng tư của bênh nhân đồng thời được tham gia đánh giá thêm bởi một cộng đồng chung quanh mà không phải ai cũng có thiện ý. Vì vậy bác sĩ phải có một cảm nhận sâu sắc về thẩm mỹ, nắm vững kỹ thuật y khoa để biến được ý tưởng thành hiện thực và quan trọng nhất, phải thấu hiểu ý muốn của bênh nhân để đồng thuận về một mục tiêu khả thi và cùng sánh vai đi đến thành công. 

Bác sĩ Lê Hành đang tư vấn cho khách hàng.
 

 

Công việc chính của Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình TPHCM và Việt Nam cũng như công việc cụ thể của Bác sĩ hiện nay?

PGS-TS-BS Lê Hành: Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM hiện nay có tất cả 234 thành viên. Chức năng, nhiệm vụ của Hội bao gồm:

  • Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội, đảm bảo thi hành đúng các quy chế, luật pháp nhà nước đối với việc hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ tại TP.HCM. 
  • Tổ chức thực hiện và khuyến khích hội viên tham gia các hoạt động khoa học về phẫu thuật thẩm mỹ.
  • Thực hỉên các chương trình giảng dạy, các Hội nghị khoa học trong nuớc và quốc tế nhằm không ngừng nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ
  • Thiết lập các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, hội nhập với các Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ trên thế giới để cập nhật thông tin, trao đổi kiến thức, phát triển khả năng chuyên môn.
  • Góp phần giữ gìn và phát huy đạo đức nghề nghiệp góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cũng như uy tín của ngành phẫu thuật thẩm mỹ trong xã hội. 
  • Hỗ trợ việc quản lý của ngành Y Tế qua việc tham gia ý kiến vào các chủ trương chính sách về công cuộc chăm sóc sức khoẻ nhân dân thành phố 
  • Cử cán bộ tham gia vào các Hội đồng Tư vấn của Sở Y tế TP.HCM trong xét cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ khi có đề nghị của Sở Y tế TP.HCM. 

 

Bác sĩ Lê Hành hiện là Chủ Tịch Hội Phẫu Thuật Thẩm Mỹ Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Thẩm mỹ viện Bác sĩ Lê Hành.
 

Mỗi năm Hội tổ chức 1 - 2 Hội nghị quốc tế, từ 10 – 15 Hội thảo chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ có mời các chuyên gia quốc tế báo cáo để nâng cao sự hiểu biết về chuyên môn cho các bác sĩ. 

Hội PTTMTH còn mở rộng quan hệ, giao lưu Quốc tế. Hội PTTM đã được mời đi tham gia báo cáo khoa học và trình diễn phẫu thuật tại các Hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức ở các nuớc: Hàn Quốc, Thailand, Philippine, Nhật Mỹ, Pháp… Đồng thời trực tiếp mời được nhiều chuyên gia giỏi trong ngành đến Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, báo cáo khoa học và trình diễn các phẫu thuật khó để hội viên học tập.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp giảng dạy tại các trường Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM.

Còn Hội PTTMTH Việt Nam mới được thành lập năm 2018 và chức năng, nhiệm vụ cũng như Hội PTTMTH TPHCM nhưng rộng rãi hơn, bao gồm cả 63 tỉnh, thành khắp cả nước.

Phó Giáo Sư. Tiến Sĩ Lê Hành, chủ tọa hội thảo, phát biểu khai mạc tại Hội Thảo Khoa Học:”Cập Nhật Công Nghệ Mới Trong Y Học Thẩm Mỹ” năm 2017.
 

 

Là người có nhiều năm trong ngành Phẩu thuật thẩm mỹ, ông có thể cho biết việc làm đẹp phụ nữ ở nước ta hiện nay so với những năm trước đây. Điều đó có khác gì việc làm đẹp ở nước ngoài, nếu đưa ra so sánh thì thế nào?

PGS.TS-BS Lê Hành: So với trước đây, phẫu thuật thẩm mỹ trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có những bước tiến khá vững vàng, nhiều kỹ thuật mới, nhiều công nghệ mới được khám phá, nhiều đường mổ và cách mổ tiến bộ hơn, ít để lại sẹo và làm giảm thời gian hồi phục, bệnh nhân có thể quay trở lại công việc sớm hơn so với trước đây. Thí dụ để nâng mũi, có nhiều cách tùy theo tình trạng bẩm sinh của bệnh nhân, có thể nâng mũi bằng chích filler, cấy mỡ, nâng mũi bằng thanh độn vật liệu nhân tạo, chỉnh hình mũi tái cấu trúc phối hợp vật liệu nhân tạo và tự thân (sụn vách ngăn, sụn tai, sụn sườn) hay tự thân hoàn toàn.

Ở Việt Nam, không chỉ các cơ sở y tế tư nhân mới phát triển PTTM, mà nhiều Bệnh viện (BV) nhà nước cũng đang rất quan tâm đến lĩnh vực này. Một số BV công, thậm chí cả BV cấp quận cũng mở khoa PTTM để phục vụ nhu cầu làm đẹp chính đáng ngày càng nhiều của người dân. Một số bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ cũng được khai trương hoạt động. Gần đây có 2 bộ môn Tạo hình thẩm mỹ đã được thành lập tại 2 Trường Y của TP Hồ Chí Minh. Chương trình giảng dạy về tạo hình thẩm mỹ trong 3 năm đã được bắt đầu tại Trường y Phạm Ngọc Thạch. Ngoài khách hàng trong nước, chúng tôi đã thu hút được rất nhiều khách hàng từ nước ngoài về. Theo tôi, ngành PTTM là một loại hình y tế đang phát triển về mặt học thuật cũng như thị trường. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng cho những nước đang phát triển như nước ta.

Phó Giáo Sư. Tiến Sĩ Lê Hành cùng Giáo Sư Andrea Alessandrini, tại Hội Thảo Khoa Học:”Cập Nhật Công Nghệ Mới Trong Y Học Thẩm Mỹ” năm 2017.
 

Ngành phẩu thuật thẩm mỹ tạo hình ở nước ta nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã đáp ứng được niềm tin yêu của đại đa số phụ nữ Việt Nam chưa?

PGS.TS-BS Lê Hành:  So với trước đây, ngành PTTMTH tại TP HCM hoạt động sôi nổi và đã có những bước tiến khá vững vàng:

  • Hơn 100 Phòng khám, Thẩm mỹ viện tư nhân được cấp phép
  • Nhiều Bệnh viện (BV) Nhà nước (thậm chí có cả BV Cấp quận) cũng mở khoa PTTMTH 
  • Gần 10 BV Chuyên khoa Thẩm mỹ đã được khai trương hoạt động. 

Hiện nay có 3 Trung tâm Đào tạo PTTHTM tại nước ta đó là: Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM; Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y khoa Hà Nội. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang có chương trình thực hành đào tạo 3 năm (1 năm Định hướng và 2 năm Chuyên khoa I).

Bác sĩ thẩm mỹ Lê Hành được biết đến như một cánh chim đầu đàn của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM.
 

Một thách thức lớn cho ngành Thẩm mỹ Việt Nam là sự tham gia của các bác sĩ nước ngoài,có giấy phép hành nghề của Bộ Y tế trong hoạt đông thẩm mỹ tại Việt Nam. Trong cơ chế thị trường thì việc bị lấn át bởi một thương hiệu mạnh là điều tất nhiên và điều này cũng thể hiện trong ngành thẩm mỹ tại Việt Nam. Vấn đề là muốn tồn tại thì chúng ta phải mạnh lên. Phải xây dựng thương hiệu Thẩm mỹ Việt Nam. Người Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines và Việt Nam ta… đều học kỹ thuật cơ bản phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình ở các nước Tây Âu, Mỹ.

Ngay kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc cho người Á đông hiện tại được áp dụng rộng rãi ở Hàn Quốc và ở các nước khác (S line, I line …) cũng xuất phát từ Mỹ (Byrn (1998), Toriumi (1999). Bằng một chiến lược tổng lực khôn khéo và với quyết tâm của cả một dân tộc, người Hàn đã xây dựng được thương hiệu vững chắc cho mình. Chúng ta phải học tập điều này. Người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng ta có đủ điều kiện để thu thập tinh hoa của các nước trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ để xây dựng một ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ Việt Nam.

Ở lĩnh vực thẩm mỹ, Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Người Việt Nam ra nước ngoài để làm đẹp không phải chỉ toàn người giàu mà cả người trung bình, người nghèo. Chúng tôi thật sự khắc khoải vì chúng ta thất thoát số ngoại tệ quá lớn trong khi không phải cứ đi nước ngoài là có lợi. Có những bệnh nhân khi ra nước ngoài phẫu thuật thẩm mỹ có biến chứng thì không có tiền trở lại đó điều trị, chúng tôi lại phải gánh chịu những hậu quả này.

Con số các phẫu thuật, thủ thuật càng nhiều thì tai biến càng cao. Ngay tại Hàn Quốc, theo Hankyoreh và KCA: năm 2009 có 71 vụ đến năm 2013 có 110 vụ, trong đó có những ca tử vong. Ở Thái Lan, Mỹ hay nhiều nước khác cũng có những kết quả đáng buồn tương tự. Riêng ở Việt Nam, so ra thì tỷ lệ tai biến nặng là thấp, đó là một điều may mắn.

Cho biết tỉ lệ nam giới khi đến với các Thẩm mỹ viện để phẩu thuật “làm đẹp”?

PGS.TS-BS Lê Hành: Con số khách hàng nam giới ngày càng tăng trong trào lưu chung. Tỉ lệ khoảng từ 15-20% tổng số các thủ- phẫu thuật.

 

Có hay không những Thẩm mỹ viện làm việc không đúng chức năng gây hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc cho khách hàng, và làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng trên thưa ông?

PGS.TS-BS Lê Hành: Chúng ta nên phân biệt những Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có giấy phép và những thẩm mỹ viện chăm sóc da không có chức năng mổ xẻ. Đa số các bác sĩ được cấp phép đều thực hiện tốt các phẫu thuật thông thường. Để làm được những kỹ thuật cao thì bác sĩ cần được đào tạo sâu hơn. Hiện nay ngoài được đào tạo chuyên ngành ở trường đại học, các bác sĩ còn có thể nâng cao tay nghề bằng các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài và ngay trong nước, Hội PTTM cũng thường xuyên tổ chức nhiều workshop có chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, dịch vụ liên quan thẩm mỹ bùng nổ tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Con số các thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, các phòng khám tăng lên hàng chục lần. 

Tại TP.HCM, năm 2007 chỉ khoảng 55 phòng khám có giấy phép và hiện nay đã hơn 100. Về các loại hình thẩm mỹ, các phẫu thuật có chảy máu chỉ được thực hiện trong các Phòng khám PTTM, những phòng khám này về nguyên tắc được quản lý và kiểm soát bởi Sở Y tế. Còn các Thẩm mỹ viện chuyên săn sóc da thì không được làm các biện pháp chảy máu kể cả xăm.

Bác sĩ Lê Hành cùng các đồng nghiệp tại Phòng khám Phẩu thuật thẩm mỹ mang tên ông.
 

Một hiện tượng đáng lo ngại là các Thẩm mỹ viện chăm sóc da và các Spa cũng quảng cáo “Tư vấn thẩm mỹ” và đằng sau đó là “giải phẫu thẩm mỹ” luôn!. Như vậy, họ đã vi phạm quy chế hành nghề. Những nơi này không đủ điều kiện vô trùng, các phương tiện cấp cứu an toàn của một phòng mổ để có thể phẫu thuật. Vậy cần nên chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ các hoạt động của họ, đó là thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý hầu đem lại sự an toàn cho người dân.

Trong thời gian qua các quảng cáo liên quan đến thẩm mỹ nói chung tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: tạp chí, báo tờ, báo điện tử, các đài phát thanh, đài truyền hình cho đến các trang website mạng. Cơ quan quản lý cũng biết vai trò của quảng cáo cũng như những hệ quả đi theo của những quảng cáo sai, khoa trương không đúng sự thật nên đã ban hành những quy định khá chặt chẽ trong việc này. Ví dụ các nội dung quảng cáo trước khi đăng phải được duyệt bởi Sở Y tế, tuy nhiên trên thực tế vẫn không kiểm soát hết được. 

PTTM là một ngành y nhưng lại có tính thị trường rất lớn, lại là ngành kinh doanh thực sự đối với nhiều người, nhiều cơ sở, do đó vì lợi nhuận họ có thể vi phạm những điều lệ của quảng cáo.

Chúng tôi khuyên khách hàng chỉ nên đến với các bác sĩ có giấy phép hành nghề, các khoa của bệnh viện và các bệnh viện thẩm mỹ để thực hiện. Ở những nước tiên tiến, cần nhiều năm và cần nhiều thử nghiệm khoa học để đánh giá hiệu quả của một phương pháp hoặc một loại thuốc trước khi cho lưu hành trong dân chúng. 

 

Hãy cho biết sự khởi xướng thành công của Bác sĩ trong việc thành lập Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ TPHCM ?

PGS.TS-BS Lê Hành: Trước năm 1975, ngành Phẫu thuật thẩm mỹ tại Sài Gòn (Miền Nam - Việt Nam) mạnh hơn các nước trong khu vực, nhưng mãi tới năm 1990, khi nhu cầu về thẩm mỹ của người dân tăng thì ngành thẫm mỹ mới phục hồi lại, số lượng bác sĩ hành nghề tăng hơn nhưng họ vẫn hoạt động riêng lẻ. Cho đến đầu năm 2000 thì sự lớn mạnh của ngành thẩm mỹ đã thúc đẩy việc thành lập cho được một Hội chuyên ngành thẩm mỹ. Được sự hỗ trợ tích cực của Bác sĩ – Viện sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TP, Hồ Chí Minh, các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ của thành phố đã ngồi lại với nhau, chung sức, chung lòng để Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ TPHCM ra đời năm 2007. Ban Chấp hành đầu tiên gồm 15 người, và tôi được bầu làm Chủ tịch Hội.

Qua 3 nhiệm kỳ liên tục, tôi được tín nhiệm giũ chức vụ Chủ tịch Hội, đây thực sự là một vinh dự lớn lao nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm không thể lơ là của tôi.

Là Hội chuyên ngành đầu tiên của cả nước, Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TPHCM trở thành mái nhà chung, tề tựu các bác sĩ thẩm mỹ tạo hình cả ba miền Bắc, Trung, Nam, là bệ phóng cho các hoạt động khoa học và đào tạo, chỗ dựa của các nhà quản lý và là chỗ đứng của ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ tạo hình Việt Nam trong việc hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Công tác xã hội, từ thiện của Hội Phẩu thuật Thẩm mỹ Tạo hình TPHCM có thường xuyên thực hiện, và thực hiện dưới hình thức nào, thưa Bác sĩ?

PGS.TS-BS Lê Hành: Hoạt động xã hội, từ thiện là một trong những công việc có chủ trương thực hiện thường xuyên của Hội. Chúng tôi khám bênh, phát thuốc, tặng quà cho đồng bào nghèo. Hội cũng xây tặng nhiều nhà tình thương, đại đoàn kết. Gần đây, chúng tôi chủ trương xây cầu và làm đuờng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm cải thiện sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Ngoài ra, Hội thường xuyên kết hợp với các đài phát thanh, truyền hình VTV, HTV, Vĩnh Long, Bình Dương, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Nai…bằng các buổi tọa đàm, tư vấn về vấn đề sức khỏe, thẩm mỹ cho cộng đồng.

Đoàn Công Tác Xã Hội - Từ Thiện do Hội Phẫu Thuật Tạo Hình Thẩm Mỹ Việt Nam tại huyện Tân Thạnh, Long An vào tháng 3/2019.
 

Còn việc thành lập Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Việt Nam? Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời.

PGS.TS-BS Lê Hành: Năm 2015, khi tham dự Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ tạo hình Quốc tế (ISAPS) ở Thái Lan, tôi đã đề nghị được gia nhập Hội ISAPS. Ban Chấp hành Hội ISAPS nhận thấy ngành thẩm mỹ Việt Nam đang trong tình trạng phát triển mạnh mẽ nên chấp nhận thành viên Việt Nam vào Hội ISAPS với điều kiện: Việt Nam phải có Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ tạo hình cấp Quốc gia trong vòng 3 năm. Yêu cầu này là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển của Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Việt Nam (VSAPS). Hội Phẩu thuật Thẩm mỹ Tạo hình TPHCM đã đại diện cho Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế với ISAPS đầu tiên năm 2017 tại TP Hồ Chí Minh. Các báo cáo viên nổi tiếng của ISAPS đã thuyết phục được mọi người. Trong điều kiện chín muồi đó, các bác sĩ Việt Nam đã một lòng ngồi lại với nhau, vượt qua tất cả những khó khăn, rào cản vốn có để thành lập Hội Quốc gia.

Điều gì phải đến đã đến, tháng 3 năm 2018, Hội Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam được thành lập với Ban Chấp hành gồm 31 người. Tôi – Bác sĩ Lê Hành đã được mọi người trong Ban Chấp hành tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đầu tiên. Như vậy kể từ đây, tôi kiêm nhiệm cả hai chức vụ Chủ tịch của 2 Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam. Tôi cũng xin nói thêm, trước đây ngành PTTMTH Việt Nam đi ra thế giới chủ yếu trên danh nghĩa Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình TPHCM. Nhưng kể từ năm 2018, chúng ta đã có thể hợp tác, giao lưu quốc tế với tư cách Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng để ngành phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình Việt Nam tiến xa hơn.

PGS.TS.BS Lê Hành là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS).
 

 

Một câu hỏi vui ngoài lề, xin Bác sĩ nói thêm về nghiệp ca hát của mình trong nhiều năm qua?

-Ồ…, việc ca hát để tô thêm sắc màu cho cuộc sống thì tôi đã theo đuổi từ thời còn là học sinh phổ thông, lên sinh viên và khi ra trường trở thành bác sĩ… tôi vẫn hát. Mỗi khi có dịp là tôi lại lên sân khấu trình diễn những ca khúc mà tôi và mọi người ưa thích. Tôi đã có 6 lần Đạt Huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn Văn nghệ quần chúng tại TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Sự kiện này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings Xác lập kỷ lục “Bác sĩ – Ca sĩ đạt nhiều Huy chương Vàng nhất” đầu năm 2019.

Hiện nay, mỗi lần Đài Phát thanh –Truyền hình các tỉnh mời tôi tham gia thuyết trình về đề tài “Chăm sóc sắc đẹp phụ nữ”. Trong những buổi tọa đàm, đến giờ giải lao thì các cô, các chị thường yêu cầu tôi hát (vì họ biết tôi biết hát), là tôi lại cầm đàn guitar say sưa hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy… để tạo thêm động lực sống và làm vui lòng mọi người…

Bác sĩ Lê Hành trong một lần biểu diễn tài ca hát.
 

Cảm tưởng của Bác sĩ khi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam mời tham gia vào Hội đồng Tư vấn và được bình chọn là một trong 10 Nhà Sáng nghiệp Việt Nam trong năm 2019?

PGS.TS-BS Lê Hành:  Vai trò của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam rất quan trọng, nhằm ghi nhận, xác định thành quả lao động, sự cố gắng rèn luyện của mọi người, những giá trị, tinh hoa tuyệt đối của thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam để tôn vinh, quảng bá đến cộng đồng trong và ngoài nước. Tất cả những ghi nhận này sẽ là những dấu mốc làm nền tảng cho sự phát triển về sau. Tôi nhất trí tham gia vào Hội đồng Tư vấn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam để góp phần vào việc tìm kiếm những tinh hoa của ấy.

Còn việc bản thân tôi được TW Hội Kỷ lục gia VN - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Liên minh Kỷ lục Thế giới bình chọn là Nhà Sáng nghiệp về bộ môn Phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2019, tôi rất lấy làm  vinh dự và hãnh diện với sự bình chọn này.

Chân thành cảm ơn Bác sĩ, Kỷ lục gia - Nhà sáng nghiệp Thẩm mỹ Lê Hành! Chúc ông luôn sức khỏe và thành công!

 

Về PGS.TS.BS, KLG - NSN Lê Hành

  • 1971 – 1978: Bác sĩ – Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.
  • 1983: Chuyên Khoa Tai Mũi Họng – Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.
  • 1992: Văn bằng Đào tạo Chuyên khoa Sâu về Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu Cổ (A.F.S.A. Attestation de Formation Specialisée Approfondie), Đại Học Y khoa Aix-Marseille, Pháp.
  • 1996: Tiến sĩ Y học về Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu Cổ, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.
  • 1996: Phó Giáo sư, Bộ môn Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu Cổ, Vi Phẫu thuật, Đại học Y khoa Texas, Galveston (UTMB), USA.
  • Hoạt động tư nhân từ năm 1983 đến nay: Giám đốc Trung tâm Tai - Mũi - Họng & Phẫu thuật Thẩm mỹ Lê Hành (83 Trần Thiện Chánh, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).
  • 2011: Phó Giáo Sư, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong.
  • 2007: Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình TPHCM.
  • 2018: Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình Việt Nam. 

 


Theo Trương Như Bá - NHASANGNGHIEP.VN (thực hiện)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2