Năm 1958, Việt Nam Cộng hòa đã thành lập Nguyên tử lực cuộc và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân được thành lập mang tên: Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 hecta bên đường Nguyên Tử Lực, phía đông bắc trung tâm Đà Lạt. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4/1961 và được hoàn thành vào tháng 12/1962. Đây là một công trình do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là loại lò phản ứng nghiên cứu TRIGA - MARK II do hãng General Atomic thuộc công ty General Dynamics của Hoa Kỳ chế tạo, có công suất danh định là 250 kW. Lò sử dụng nhiên liệu Uranium-235 được kích hoạt bằng nguồn neutron chậm để tạo phản ứng phân hạch dây chuyền và chất phóng xạ.
Sau một thời gian lắp đặt và thử nghiệm, lò hạt nhân DLR - I (Dalat Reactor - I) là lò hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á đã đạt trạng thái "tới hạn" vào lúc 12 giờ 40 phút ngày ngày 26 tháng 2 năm 1963 và chính thức đi vào hoạt động theo công suất danh định từ ngày ngày 3 tháng 3 năm 1963.
Mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế… cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản về vật lý lò phản ứng và an toàn bức xạ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, người Mỹ đã phải dừng vận hành lò vào năm 1968. Đến rạng sáng ngày 31/3/1975, các chuyên gia Mỹ đã rút hết các thanh nhiên liệu cháy dở trong lò phản ứng có phóng xạ để đưa sang Philipines. Sáng hôm đó, khi quân giải phóng vào đến Đà Lạt, lò phản ứng đã không còn lõi.
Sau ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được thành lập trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử. Từ năm 1979, trong khuôn khổ hợp tác Xô-Việt, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được Liên Xô giúp đỡ thiết kế khôi phục và mở rộng công suất lên gấp đôi cũng trên cơ sở sử dụng các thanh nhiên liệu U-235 nhưng có độ giàu cao (HEU) 36%. Dự án khôi phục và nâng công suất lò phản ứng được tiến hành trong hai năm 1982-1983, và đến 20/3/1984 lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt “vỏ Mỹ, ruột Nga” độc nhất vô nhị trên thế giới đã chính thức đưa vào hoạt động với công suất danh định 500 kW.
Theo thỏa thuận với Nga và Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia Chương trình chuyển đổi nhiên liệu của lò Đà Lạt từ loại nhiên liệu có độ giàu cao (HEU) – 36% xuống loại nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU) – 19,75%. Theo đó, từ năm 2007 đến tháng 5 năm 2013, lò Đà Lạt đã từng bước giao trả và vận chuyển về Nga các thanh nhiên liệu có độ giàu cao.
Từ đầu năm 2020, COVID-19 ập đến, các chuyến bay quốc tế bị cấm hoạt động cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt nguồn nhập khẩu các loại đồng vị phóng xạ do không có phương tiện vận chuyển. Ở Việt Nam, hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh ung thư hiểm nghèo đã có thể không còn cơ hội sống nếu không có lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam"
Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng.
Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương.
Mọi thông tin xin gửi về:
Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.
Email:
Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555
Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings