FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2023 - TÔN VINH TINH HOA NGHỀ VIỆT
Festival Nghề truyền thống Huế 2023 diễn ra từ ngày 28/4/2023 đến hết ngày 05/5/2023, trong đó Lễ Khai mạc tổ chức vào tối 28/4 và Bế mạc vào tối 05/5/2023. Không gian chính của Festival trải dài xuyên suốt hai bên bờ sông Hương và nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố Huế. Ngoài các chương trình chính thường có trong các kỳ tổ chức trước đây, Festival Nghề truyền thống Huế năm nay còn có các chương trình, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, như: Lễ hội ẩm thực chủ đề "Tinh hoa nghề Bún", Lễ hội Quảng diễn đường phố, Lễ hội Tri ân dòng Hương - Thuyền hoa đăng trên sông (sông Hương Ngày hội); Đặc biệt, kỳ Festival này là dịp tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống đến gần hơn với du lịch với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Festival là sự kiện lớn để Thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống; Tăng cường quảng bá, kích cầu du lịch; nâng tầm hình ảnh và vị thế của địa phương. (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)
Du khách tìm hiểu các sản phẩm tại Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)
BA TÁC PHẨM THỦ CÔNG ĐỘC ĐÁO ĐĂNG KÝ KỶ LỤC TẠI FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2023
1. Tác phẩm “Tác phẩm Thập Bát La Hán và Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ Mít nguyên khối" của nghệ nhân Phùng Hữu Thái
Tượng Thập bát La hán và Tây Phương Tam Thánh là tác phẩm điêu khắc được chế tác từ một gốc mít nhà với đường kính thân là 150cm, hoành đế 360cm, cao 380cm. Được biết, cây mít điêu khắc tượng được mua từ nhà dân ở Nghệ An với tuổi đời trên 300 tuổi. Đây là ý tưởng đã được nghệ nhân Phùng Hữu Thái - Chủ cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ Thái Vinh ấp ủ thực hiện trong 10 năm qua. Đến năm 2023, tác phẩm đã được hoàn thành và được trưng bày tại Festival nghề truyền thống Huế năm nay.
Nghệ nhân Phùng Hữu Thái bên tác phẩm của mình. Tác phẩm được trưng bày tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu
Được biết Nghệ nhân Phùng Hữu Thái đã từng nhận được nhiều giải thưởng cao tại TP.Huế cũng như nhiều giải thưởng cấp quốc gia. Năm 2008, nghệ nhân được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên - Huế vì đã có những thành tích xuất sắc trong việc duy trì, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, a được Tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh diệu Nghệ nhân Ưu tú. Hiện anh là chủ của cơ sở thủ công với hơn 100 học trò được truyền dạy, nghệ nhân luôn tâm niệm phải không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề và cố gắng truyền dạy để lưu giữ nghề chạm khắc gỗ truyền thống của xứ Huế.
2. Mô hình "Nón lá sen" của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo
Đây là tác phẩm nón lá được họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo làm từ gần 800 lá sen được xử lý tỉ mỉ. Nón lá có kích thước đường kính 5m, cao 3m với nguyên liệu khung sắt bên trong vô cùng chắc chắn.
Nón lá Sen Huế được trưng bày tại Công viên Phan Bội Châu trong suốt thời gian diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2023
Nón lá Sen kích thước lớn đã góp phần quảng bá và giới thiệu hình ảnh nón lá Sen Huế đến với công chúng, từ đó phát triển làng nghề chằm nón Huế, thúc đẩy và phát huy sản phẩm làng nghề, tạo điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Festival Huế 2023
Nón lá có kích thước đường kính 5m, cao 3m với nguyên liệu khung sắt bên trong vô cùng chắc chắn.
Ngoài ra, một số sản phẩm được làm bằng lá sen, hoa sen,.. của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo cũng được trưng bày tại gian hàng Festival Nghề truyền thống Huế 2023 và thu hút sự quan tâm của du khách
Theo họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo, anh bén duyên với chất liệu sen từ năm 2016. Từ ý tưởng đưa chất liệu từ sen vào trong các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, anh Thảo đã nghĩ đến việc làm nón lá sen. Sau 1 năm nghiên cứu việc xử lý lá sen và kết hợp với những nghệ nhân làng nghề chằm nón Đốc Sơ (TP. Huế), những chiếc nón lá sen đầu tiên đã ra đời và đến tay du khách. Với mong muốn làm gì đó để tạo lại sức sống cho nghề truyền thống này, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thảo luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo, ấn tượng mang thương hiệu của xứ Huế mộng mơ.
3. "Cổng rường tam quan kiểu triều đình Huế" của nghệ nhân Lê Đắc Nguyên Xuân
Cổng rường tam quan theo kiểu triều đình Huế được đặt trưng bày tại Công viên Tứ Tượng trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023
Nghệ nhân Lê Đắc Nguyên Xuân cùng tác phẩm của mình
Toàn cảnh buổi Lễ Bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2023
Tham dự buổi lễ, về phía đại diện Ban lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam(Vietkings) có sự hiện diện của Luật gia Nguyễn Mạnh Quý - Phó Viện trưởng Viện sở hữu trí tuệ, Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Bà Võ Lưu Lan Uyên - Phó Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Đại diện Ban lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tại sự kiện (Ảnh VietKings)
Tại buổi lễ còn có sự hiện diện của lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ VN Tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các Sở, Ban ngành và Đoàn thể cấp tỉnh và thành phố. Đến tham dự lễ bế mạc còn có các vị khách quốc tế, các vị chức sắc tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức. Ngoài ra, sự kiện còn có hơn 330 nghệ nhân, thợ thủ công đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề tiêu biểu trong cả nước; 06 thành phố, 02 tổ chức quốc tế với 37 nghệ nhân đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản; các cơ quan bảo trợ thông tin, các nhà báo, các nhà nghiên cứu, đã cùng đồng hành với Festival Nghề truyền thống Huế 2023.
Ông Trương Đình Hạnh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2023 phát biểu Bế mạc - Ảnh VietKings
Bà Võ Lưu Lan Uyên - Phó tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập kỷ lục tại sự kiện - ảnh VietKings
Luật gia Nguyễn Mạnh Quý (ngoài cùng bên phải) - Phó Viện trưởng Viện sở hữu trí tuệ, Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings và bà Võ Lưu Lan Uyên (ngoài cùng bên trái) trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến các nghệ nhân (giữa) - Ảnh VietKings
Với 03 kỷ lục này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam mong muốn có thể góp phần vinh danh các tác phẩm thủ công làng nghề của Huế nói riêng và các giá trị lâu đời của các làng nghề Việt Nam nói chung. Ngoài ra, các kỷ lục mới sẽ hỗ trợ phát huy thương hiệu và vị thế của các làng nghề của thành phố Huế, thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương, “giữ chân” du khách với mảnh đất Cố đô, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại sự kiện, Ban tổ chức cũng đã vinh danh hàng trăm nghệ nhân, những bàn tay vàng, những người thợ thủ công khéo léo đã góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị “Tinh hoa nghề Việt".
Các đơn vị, các nghệ nhân tiêu biểu của các làng nghề trong cả nước và Quốc tế được vinh danh tại Bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2023
Đồng thời, BTC Festival nghề truyền thống Huế đã xây dựng kế hoạch tổ chức “Bình chọn sản phẩm tiêu biểu Festival nghề truyền thống Huế 2023”. Mục đích của bình chọn là tôn vinh các sản phẩm của các làng nghề truyền thống, nghệ nhân cơ sở sản xuất nghề, thúc đẩy nghề, làng nghề phát triển trong thời gian sắp tới, từ đó góp phần đưa các sản phẩm làng nghề đến gần với du khách hơn trong tương lai.
Sự kiện kết thúc lúc 21g30 cùng ngày.
Uyên Võ - Cúc Phan