Vọng Nguyệt từng vang danh khắp vùng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhắc đến nghề ươm tơ, dệt lụa ở đây bắt đầu từ khi nào thì hầu như không ai còn nhớ, chỉ nhớ về những câu chuyện truyền đời từ ngày xa xưa, khi Vọng Nguyệt còn là mảnh đất được triều đình giao cho nhiệm vụ ươm tơ dệt vải. Nhiều dòng họ lớn trong làng như: Nguyễn Hữu, Chu, Ngô Quý, Ngô Xuân đã đoàn kết cùng nhau tạo nên danh tiếng làng tơ tằm Vọng Nguyệt vang xa khắp nơi.
Làng tơ tằm Vọng Nguyệt có lịch sử hơn 1000 năm. (Ảnh: internet)
Hơn 1000 năm qua làng cổ Vọng Nguyệt không chỉ nổi danh là một làng Việt cổ ghi dấu ấn với những di sản văn hóa đánh dấu mốc son thăng trầm của ông cha từ bao đời nay, làng Vọng Nguyệt còn khắc sâu vào ký ức nhiều người về một làng nghề tơ tằm có lịch sử hàng nghìn năm tuổi suốt dọc Bắc kì, là nơi cung cấp tơ tằm chất lượng để dâng lên vua chúa triều đình giới quý tộc thời xưa.
Sản phẩm tơ Vọng Nguyệt nổi tiếng bền đẹp. (Ảnh: internet)
Người nơi khác thường nói rằng Vọng Nguyệt được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vị trí đẹp, với những cánh đồng đỏ phù sa cho nương dâu bốn mùa tươi tốt. Còn người Vọng Nguyệt như có duyên với nghề nông tang, khi nuôi tằm thì cho nhiều kén, mỗi nong kén lại kéo được rất nhiều tơ. Cùng với sự cần mẫn, khéo léo và yêu nghề người Vọng Nguyệt đã không phụ lòng triều đình khi tạo ra những sợi tơ tằm óng ả, suôn mềm, bền, dai và chắc chắn dệt nên những tấm hoàng bào, quốc phục và gấm vóc, lụa là sang trọng quyền quý được chốn cung đình ưa chuộng.
Các công đoạn sản xuất tơ. (Ảnh: internet)
Có một thời Vọng Nguyệt là một trong những ngôi làng sầm uất và huyên náo bậc nhất bên dòng sông Cầu bởi việc giao thương, bán mua tơ tằm luôn tấp nập người ra kẻ vào. Tơ tằm Vọng Nguyệt được ưa chuộng chốn cung đình, vang danh chốn Kinh thành nên các thương lái khắp nơi đổ về đặt hàng, người dân sản xuất không kịp cho tiêu thụ. Nhờ đó mà đời sống ngôi làng nhỏ bên bờ con sông Cầu đã phồn thịnh và no đủ trong vài thế kỷ. Tuy chiến tranh đã làm cho làng nghề bị mai một khá nhiều, hòa bình lập lại, bằng niềm yêu nghề của những nghệ nhân già và nhiệt huyết giữ nghề của người trẻ, làng nghề lại một lần nữa được thổi lửa. Từ đó nhà nhà, người người tập trung trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén, tập trung sản xuất trong bầu không khí vui như trẩy hội.
Những sợi tơ được đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. (Ảnh: internet)
Ngày nay, làng nghề Vọng Nguyệt cũng khó tránh khỏi những lao đao, nhưng dẫu khó khăn thiếu thốn trăm bề, người Vọng Nguyệt vẫn cố bám trụ với nghề cổ xưa như cách họ trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử về làng. Theo phong tục của làng, cứ 4 năm 1 lần, từ ngày 11 đến 13 tháng hai âm lịch, dù dân làng Vọng Nguyệt đi làm ăn xa xứ, hay con cháu Vọng Nguyệt đi học khắp bốn phương cũng dành chút thời gian về tụ họp ở hội làng truyền thống. Về hội làng chính là dịp để họ nhìn lại tấm lòng thành của mình dành cho quê hương chôn rau cắt rốn.
Trong các lễ hội làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh không thể thiếu những làn điệu quan họ ngọt ngào, tha thiết. Ngoài các liền anh liền chị hát quan họ tình tứ trên một khúc sông nhỏ, các hoạt động văn nghệ khác vẫn được diễn ra như hát chèo trên chiếc thuyền gỗ, lên đồng, cải lương… Hội làng Vọng Nguyệt là bức tranh đẹp thể hiện nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây, luôn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khách thập phương, khiến ai đã từng đến dự hội một lần sẽ còn muốn quay lại vào năm sau.