Ông tổ nghề Thêu của làng Quất Động là tiến sĩ Lê Công Hành sống ở thế kỷ XIV. Một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông học được nghề thêu và mang những hiểu biết, kiến thức đã học được về truyền lại cho dân làng. Trải qua thời gian, người dân trong làng đã sáng tạo ra nhiều mẫu mới, đưa nhiều chủ đề vào tranh thêu với các nội dung thể hiện nếp sinh hoạt trong đời sống của người Việt. Trình độ thêu tay ở Quất Động cũng từ đó đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện.
Toàn cảnh làng thêu Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Trải qua hàng trăm năm, sự cần cù, tỉ mỉ và chăm chỉ của người Việt đã khiến cho nghề thêu không chỉ phát triển mạnh ở nơi khai sinh ra nó mà còn tỏa đi khắp dải đất hình chữ S, nhưng nhiều nhất tập trung ở phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Có thể nhắc đến những vùng quê phát triển mạnh nghề thêu như các làng: Quất Động, Thắng Lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phú Xuyên, Cổ Đông, Đông Cứu, Bình Lăng (Hà Nội); Văn Lâm (Ninh Bình), Minh Lãng (Thái Bình), Thanh Hà (Hà Nam), Kim Long, Thuận Lộc (Huế), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
Người dân miệt mài giữ nghề truyền thống của làng. (Ảnh: internet)
Để làm ra một bức tranh thêu, đầu tiên phải vẽ phác thảo bằng bút chì trên vải. Đó có thể là những loài hoa, cây đẹp (tùng, cúc, trúc mai, lan đào, mẫu đơn…), danh lam, thắng cảnh (chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, vịnh Hạ Long…), hoặc là những hoạt động sản xuất của nhà nông (làm đồng, cấy, cày, đánh cá, dệt vải…) cũng có khi là chân dung. Nghề thêu Quất Động dùng các kỹ thuật thêu gồm thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến… Trong các kỹ thuật đó thì thêu độn nổi và kim tuyến công phu nhất, đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét; hình thức phải cân đối, sáng tươi, gần gũi với cuộc sống.
Một số tác phẩm của làng thêu ren Quất Động. (Ảnh: internet)
Tùy vào nội dung bức tranh mà người làm nghề sử dụng nhiều hay ít màu chỉ. Công việc của nghề thêu không đòi hỏi nhiều về sức lực nhưng cần có nhiều kỹ thuật, đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo với sự trau chuốt trong từng mũi kim và sự cảm nhận tinh tế về màu sắc, một tâm hồn nhạy cảm, rung động trước cái đẹp và chuyển tải cái đẹp đó vào từng chi tiết để tạo ra một tác phẩm sống động, tinh tế, hài hòa. Tùy vào độ khó và kích thước mà một sản phẩm có thời gian hoàn thiện từ vài ngày đến vài tháng.
Nghề thêu ren truyền thống đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo. (Ảnh: internet)
Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc và giản dị và cả tình người chân thành nồng ấm của người Việt Nam… Các tác phẩm nổi bật của ngành thêu là tranh thêu phong cảnh như: Cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như: Chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế, hay những bức tranh mang đậm tích xưa như: Đám cưới chuột, Vinh quy, Hứng dừa, Cá chép trông trăng…, những bức tranh được “dệt” lên từ những đường kim, mũi chỉ đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật.
Nghề truyền thống được người dân trong làng dốc lòng truyền đạt cho con cháu. (Ảnh: internet)
Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng thợ có từ 200- 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hy vọng tốt đẹp ở tương lai.
Làng nghề lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. (Ảnh: internet)
Cuộc sống ngày càng phát triển, giống như nhiều nghề khác, nghề thêu cũng được hiện đại hóa bởi những máy thêu công nghiệp. Thế nhưng, người làm nghề thêu tay Quất Động vẫn duy trì cách làm truyền thống của cha ông. Những sản phẩm tranh thêu tay Quất Động vẫn có tiếng nói riêng trên thị trường. Nó không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo, bởi tình cảm, tâm huyết mà mỗi nghệ nhân đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ, bởi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tình yêu, niềm trân trọng, tự hào về nghề.