Truyền thuyết kể lại, từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về cho làng Trà Đông. Bởi vậy, ở làng có câu ca “Đất họ Lê - nghề họ Vũ”. Nhưng cũng có thuyết cho rằng, nghề đúc đồng ở làng là do ông Khổng Minh Không truyền nghề. Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) dân phường đúc đồng Trà Đông lập đền thờ thánh Khổng Minh Không, vị Tổ sư nghề đúc đồng ở nước ta. Làng Trà Đông, xưa kia gọi là Sơn Trang, tên nôm là Kẻ Chè. 20 năm cuối thế kỷ XX, làng nghề đúc đồng Trà Đông trở nên sa sút vì hàng hóa không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp cùng loại. Tuy nhiên, nhờ tâm huyết của những nghệ nhân còn yêu nghề tiếc nghề, nghề đúc đồng Trà Đông dần được khôi phục. Các sản phẩm làm ra vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được.
Làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông. (Ảnh: internet)
Hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông đang duy trì 25 lò đúc lớn. Làng có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân này đã có công lớn trong việc phục dựng, làm sống lại và phát triển nghề đúc đồng cổ truyền. Để làm ra một tác phẩm đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn, quá trình làm khuôn đúc đã có rất nhiều công đoạn, từ đắp lên khuôn rồi sau thì se thành hình, tạo hình rồi làm hoa văn rồi nung đốt, cuối cùng đến lúc nấu đồng rót vào khuôn xong được sản phẩm thì lúc đó mới đem ra làm nguội. Những quá trình đó cũng rất lâu. Ngày nay một số công đoạn sản xuất của làng nghề Trà Đông đã được hỗ trợ bằng máy móc. Tuy nhiên, các công đoạn làm khuôn, nấu nguyên liệu, đổ đồng, làm nguội vẫn cần bàn tay trực tiếp của con người. Việc chế tác đồng cơ bản vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống cha truyền con nối qua nhiều thế hệ.
Nghề đúc đồng không chỉ đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ mà người thợ còn phải có sức khỏe, sự chịu khó, chịu khổ.
Các sản phẩm ở đây không chỉ bảo đảm về chất lượng, độ bền, mà còn phong phú mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng khó tính nên được thương lái khắp nơi trong cả nước tìm về đặt hàng. Theo các nghệ nhân, để có một sản phẩm, người làm nghề phải thực hiện nhiều công đoạn. Công việc này không chỉ đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ mà người thợ còn phải có sức khỏe, sự chịu khó, chịu khổ. Điểm đặc biệt của các sản phẩm đồng tại làng nghề Trà Đông là khuôn được làm thủ công bằng đất sét giã nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu. Sau đó những người thợ sẽ làm hoa văn cho các sản phẩm trong khuôn đất sét. Tùy vào độ phức tạp của các chi tiết trên thân của sản phẩm mà thời gian làm khuôn sẽ nhanh hay chậm. Sau khi tạo hình, khuôn sẽ được phơi khô rồi mang đi nung cho cứng.
Sản phẩm của làng đúc đồng Trà Đông. (Ảnh: internet)
Đến làng Trà Đông ngày nay, giữa khói bụi than lửa, ta sẽ thấy được các nghệ nhân đúc đồng nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc. Họ như những nghệ sĩ tài hoa đang cháy hết mình để thổi vẻ đẹp của đất và người vào những sản phẩm đồng. Làng nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ là nơi lưu giữ kỹ thuật đúc đồng truyền thống độc đáo của cả nước mà còn là địa chỉ du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách gần xa.