Bình Dương là một trong những cái nôi của nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, là nơi quy tụ nhiều nghệ nhân, thợ thủ công tay nghề giỏi. Đồng thời, nơi đây có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi và nguồn đất sét (Kaolin) trữ lượng lớn, chất lượng đất sét cao hơn nơi khác. Điều này quả là lý tưởng cho nghề gồm phát triển tại vùng đất này. Làng gốm Lái Thiêu thuộc xã Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Xưa kia, quanh chợ Lái Thiêu xuất hiện những lò gốm, thợ làm gốm có thể lấy đất sét ngay cạnh lò hoặc quanh chợ là có thể tạo ra nhiều sản phẩm giá trị. Khoảng năm 1867, người Hoa đến sinh sống và mang theo cả kỹ thuật làm gốm. Tiếp thu kỹ thuật mới, thợ gốm Lái Thiêu tiến hành cải tiến sản xuất và đưa nghề gốm chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Sản phẩm gốm Lái Thiêu. (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)
Ngày nay, các công đoạn sản xuất có sự thay đổi, nhất là ở một số khâu đầu. Người thợ dùng máy để nhào luyện đất, chẻ củi; Dùng bàn xoay tự quay, máy điện,... làm giảm đáng kể lao động thủ công. Những cơ sở làm gốm thực hiện rất nghiêm ngặt những tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng. Người thợ không chấp nhận bất cứ sự cẩu thả nào trong quá trình sản xuất. Chính tinh thần cẩn trọng ấy đã tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng rất cao nên được người mua hàng tin dùng từ xưa đến nay.
(Ảnh: vietnam.vnanet.vn)
Hiện tại, Lái Thiêu có những lò gốm lớn nhỏ đang ngày đêm tỏa khói. Vì làng nghề chủ yếu sản xuất gốm gia dụng nên khâu tạo tác đã kết hợp nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa, vừa mang tính dân gian tạo nên nét đặc trưng cho dòng gốm thôn quê, dân dã này. Cơ sở thuộc làng nghề tập trung sản xuất gốm gia dụng, từ đồ thờ tự cho đến sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hủ, hộp, tượng (cỡ lớn), ấm, chảo,... đến sản phẩm sân vườn như chậu, bình hoa, khạp, lu, đồ thờ cúng, bát nhang, đèn. Ở Lái Thiêu có một số cơ sở sản xuất gốm nổi tiếng từ xưa nhưng vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều nghệ nhân và ký ức người tiêu dùng vùng miền Đông Nam Bộ như Quảng Thái Xương, Hưng Long, Phạm Lãi,...
(Ảnh: vietnam.vnanet.vn)
Dù sản xuất đồ bình dân nhưng mỗi sản phẩm gốm đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc đậm chất hội họa rất đẹp mắt. Qua thời gian vẻ đẹp mộc mạc của sản phẩm đang ngày càng được yêu thích, sản phẩm gốm xưa của làng nghề được tìm kiếm nhiều trong thị trường đồ cổ. Tại bảo tàng Mỹ Thuật Hồ Chí Minh có riêng một khu vực trưng bày và giới thiệu gốm Lái Thiêu. Với mục đích đưa những nét đẹp truyền thống vào đời sống hiện đại, từng sản phẩm đều được trau chuốt một cách tỉ mỉ bởi những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa. Họa tiết trên gốm lấy ý tưởng từ mây trời, hoa lá, cuộc sống thôn quê, các tác phẩm mỹ thuật, hay những bức chạm khắc ở đình, chùa,... như bừng nở trong lòng từng sản phẩm gốm. Chỉ từ hình ảnh quen thuộc của vùng đất phương Nam như con gà, con cua, con cá, cây chuối,… đã làm nên danh tiếng cho một làng nghề truyền thống Nam Bộ.
(Ảnh: vietnam.vnanet.vn)
Dẫu trải qua bao biến cố, thăng trầm, gốm Lái Thiêu vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, sắc thái riêng của mình suốt tiến trình tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Đầu năm 2021, nghề gốm Bình Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với sự vào cuộc trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát triển của ngành văn hóa và địa phương, làng nghề gốm Lái Thiêu nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung sẽ có điều kiện phát triển, tạo thêm nhiều giá trị kinh tế, góp phần giữ gìn nghề truyền thống, nét văn hóa vùng miền.