Tọa lạc tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, những bậc cao niên ở đây cho biết làng nghề đã xuất hiện rất lâu và người đầu tiên đóng tủ thờ là ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1890, làm nghề thợ mộc. Trải qua bao thăng trầm, nghề đóng tủ thờ ngày càng phát triển, tạo thành một làng nghề nổi tiếng. Được thiết kế với dáng vẻ trang trọng, nguyên liệu truyền thống là gỗ xà cừ. Thương hiệu tủ thờ Gò Công vang danh cả nước không chỉ bởi sự khéo léo của người thợ, sự đẹp đẽ của hoa văn mà còn là cái hồn, cái trang nghiêm của gỗ, niềm tin của con người vùng đất Gò Công.
Tuy ngày nay tủ được đóng bằng nhiều loại gỗ qúy như gõ, mun, sến, lim, cẩm lai, trầm hương… theo thị hiếu khách hàng, đã tạo nên những sản phẩm có giá trị, nhưng điều làm cho cả những người thợ lão luyện nhất cũng khó lý giải, là dường như loại gỗ xà cừ đã bén duyên cách thần diệu với tủ thờ Gò Công, đến nỗi chỉ duy với gỗ xà cừ, chiếc tủ thờ mới đẹp, mới có hồn chứ không phải với bất cứ loại danh mộc nào khác. Gỗ được phơi trong khoảng 1 tháng để cứng lại, lúc đóng, tủ không bị co giãn. Sau đó, gỗ được phân cho các thợ về tự làm, còn xưởng chính chỉ làm những công đoạn quan trọng nhất như đóng chân quỳ. Để tủ thờ Gò Công có thêm cái hồn, được đẹp nữa, cần thêm một công đoạn nữa là cẩn ốc lên tủ. Nghe đơn giản nhưng chắc chắn công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao. Đây là một trong những công đoạn được cho là khó nhất. Mỗi chiếc tủ thờ nơi đây được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo bởi các hoa văn trên tủ rất phong phú và thường dựa theo điển tích cổ, thể hiện triết lý nhiều trường phái khác nhau như các tiểu cảnh tứ linh: long, lân, qui, phụng; hoặc tứ quý: mai, lan, trúc, cúc; hay lấy tích “Nhị thập tứ hiếu”, “Quan công phò nhị tẩu”; Phước, Lộc, Thọ… mang tính dân gian, đậm nét văn hóa vùng đất Gò Công nói riêng và vùng đồng bằng Nam bộ nói chung. Bên cạnh đó, qua bàn tay tài hoa, tâm huyết, khiếu thẩm mỹ, sự sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài của các nghệ nhân, chiếc tủ thờ truyền thống Gò Công chứa đựng nhiều giá trị vật chất và tinh thần, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa truyền thống Việt Nam…
Sản xuất chiếc tủ thờ Gò Công phải trải qua 6 công đoạn: Cưa, tiện, mộc, cẩn, sơn, ráp thành. Mỗi thợ chỉ đảm nhận một công đoạn. Ngoài sản xuất tủ thờ, các thợ còn làm thêm các sản phẩm truyền thống khác của người Việt Nam.
Cưa và bào là 2 khâu quan trọng đầu tiên để làm nên chiếc tủ thờ Gò Công tinh xảo.
Người thợ cẩn xà cừ được ví như người thổi hồn vào chiếc tủ thờ. Công việc đầu tiên là phác thảo hình dáng của xà cừ.
Từ một lưỡi cưa nhỏ, người thợ dùng sức mạnh và sự khéo léo của mình để biến những miếng xà cừ thành hình dáng như phác thảo.
Phun sơn - công đoạn cuối cùng để hoàn thành chiếc lư, một phụ kiện đi kèm, làm tôn vinh thêm vẻ đẹp của tủ thờ Gò Công.
Gỗ phải phơi trong 1 tháng, lúc phơi phải thường xuyên trở đều 2 mặt để gỗ không bị cong. Sau đó đem đi sấy để gỗ không bị mối mọt đục hoặc bị co giãn gây hở mối nối giữa các chi tiết.
Thợ sơn tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để màu sắc tủ thờ được đồng đều, bóng loáng.
Đến năm 1936, một bước ngoặt tạo sức sống mới cho thương hiệu tủ thờ Gò Công là sự kiện chiếc tủ thờ do ông thợ Nhâm ở xóm Ông Non đóng theo kiểu cách tân, mặt trước cẩn đá mài được trao bằng khen tại Hội chợ Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh ngày nay). Sau thắng lợi tại Hội chợ Sài Gòn, ông Nhâm mở cửa hàng kinh doanh ở Sài Gòn lấy tên “Nhâm – Sơn Quy” chuyên bán tủ thờ Gò Công. Từ đó, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị vật chất của chiếc tủ thờ Gò Công tiêu biểu cho một miền đất có bề dầy văn hóa lịch sử bắt đầu được khuếch trương cho đến tận ngày nay. Theo thời gian, tủ thờ Gò Công đã được thay đổi mẫu mã, chi tiết hoa văn để phù hợp với đời sống của cư dân địa phương qua từng thời kỳ. Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ, từ chiếc tủ có 3 trụ đứng, đến nay chiếc tủ có đến 19, 21 trụ với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ. Điều đặc biệt, tất cả các chi tiết đều được làm bằng gỗ nối với nhau bởi mộng, ngàm, khóa chốt gỗ,… chứ không sử dụng đinh, ốc vít.
Với tiếng tăm và uy tín của mình, tủ thờ Gò Công ngày nay đã có mặt khắp từ Nam chí Bắc và ra cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt định cư. Với những nét thẩm mỹ mang sắc thái Việt cổ cùng những mảnh ghép bằng vỏ trai, xà cừ tinh tế rất gần gũi với văn hóa Á Đông, chiếc tủ thờ Gò Công đã làm nổi bật nét đẹp văn hóa thờ cúng đặc sắc của dân tộc Việt. Hiện tủ thờ Gò Công đã được bài trí tại những nơi trang nghiêm như đền thờ các Vua Hùng (Phú Thọ), đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Sen - Nghệ An) và trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đã gởi đến thủ đô một chiếc tủ thờ đặc sắc, như một cách thể hiện tấm lòng hướng vọng về cội nguồn dân tộc.
Trải qua hàng trăm năm, những bàn tay tài khéo của người thợ Gò Công đã biến những phiến gỗ vô tri thành những chiếc tủ thờ có mặt ở khắp nơi, qua đó cũng giúp mọi người hiểu được nét độc đáo, tính nhân văn của việc thờ cúng tổ tiên, là ý niệm liên kết cộng đồng trong mối tương quan gia đình, dòng họ… Nhìn những chiếc tủ thờ được chăm chút với tất cả tấm lòng, hẳn trong tâm ai cũng gợn lên ít nhiều cảm kích nhớ về tổ tiên, nguồn cội.