QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Năm 1958, chính quyền chế độ cũ đã thành lập Nguyên tử lực cuộc và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân được thành lập mang tên Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trước đây (Ảnh: Internet)
- Đầu năm 1960: Khởi công xây dựng Lò phản ứng TRIGA Mark II.
- Ngày 26/02/1963: Lò phản ứng TRIGA Mark II đạt trạng thái tới hạn lần đầu.
- Ngày 04/03/1963: Lò phản ứng TRIGA Mark II đạt công suất danh định 250 kWt.
- 1953 - 1968: Lò phản ứng được vận hành với 3 mục đích chính: huấn luyện, nghiên cứu và sản xuất đồng vị
- 1968 - 1975: Lò phản ứng tạm ngừng hoạt động.
- 03/1975: Tất cả thanh nhiên liệu được tháo dỡ và chuyển về Hoa Kỳ.
- 1975: Sau khi chế độ cũ sụp đổ, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26-4-1976 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử và được sử dụng thêm toàn bộ cơ sở vật chất tại số 13 đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Đà Lạt.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt ngày nay (Ảnh: Internet)
- 09/10/1979: Việt Nam và Liên Xô ký hợp đồng khôi phục và nâng cấp Lò phản ứng TRIGA Mark II.
- 15/03/1982: Khởi công công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng. Lò được đổi tên theo tài liệu thiết kế là IVV-9 hay Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
- 01/11/1983: Lò phản ứng IVV-9 đạt trạng thái tới hạn lần đầu, sử dụng các bó nhiên liệu đồ giàu cao (HEU) loại VVR-M2 do Liên Xô chế tạo.
- 20/03/1984: Khánh thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với công suất danh định là 500 kWt.
Tâm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Ảnh: Internet)
- Từ 20/03/1984: Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được vận hành với mục tiêu chính là: sản xuất đồng vị phóng xạ; phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích hoạt notron; nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để đưa các tiến bộ của khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; huấn luyện, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Bên trong lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Ảnh: Internet)
- 09/2007 - 05/2011: Vận hành với vùng hoạt hỗn hợp gồm các bó nhiên liệu độ giàu cao (36% U-235) và độ giàu thấp (19,75% U-235).
- 30/11/2011: Lò phản ứng đạt trạng thái tới hạn lần đầu với vùng hoạt sử dụng toàn bộ nghiên liệu độ giàu thấp (LEU).
- 03/2012: Lò phản ứng vận hành với công suất 500 kWt.
CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CHÍNH CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HẠT NHÂN ĐÀ LẠT
Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có nhiệm vụ vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và có thiết bị khoa học, công nghệ khác để phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực; Thực hiện các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, hóa phân tích, hóa bức xạ, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, môi trường, định liều lượng bức xạ,.... Thực hiện chức năng hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển của ngành trong các lĩnh vực: an toàn phóng xạ; an toàn hạt nhân; quản lý, xử lý thải phóng xạ; quản lý, vận hành các trạm quan trắc phóng xạ môi trường; kiểm chuẩn các thiết bị đo lường bức xạ hạt nhân; ứng phó, xử lý sự cố bức xạ hạt nhân nếu có,.... Xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành; Thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển, dịch vụ kỹ thuật và sản xuất sản phẩm trong các lĩnh vực điều chế đồng vị và dược chất phóng xạ; Phân tích nguyên tố trong các loại mẫu, sản xuất chế phẩm công nghệ bức xạ, sản phẩm công nghệ sinh học, dịch vụ đánh giá tác động môi trường; Sản xuất các thiết bị và các lĩnh vực liên quan nhằm phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thực hiện hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ quan trong và ngoài nước về lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao và trao đổi các quy trình công nghệ, các sản phẩm của Viện tới cơ sở sản xuất, nghiên cứu và đào tạo; Quản lý hoạt động của Viện theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí và đào tạo Tiến sĩ các chuyên ngành vật lý lý thuyết, vật lý nguyên tử và hạt nhân, hóa phân tích.
Ngoài những chức năng nói trên, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt còn góp phần điều trị các bệnh hiểm nghèo mà thành tựu đáng kể gần đây nhất chính là quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Dịch bệnh khiến cho các chuyến bay thương mại quốc tế bị ngưng trệ. Vì thế, việc nhập khẩu các đồng vị phóng xạ để phục vụ công tác khám, điều trị ung thư hết sức khó khăn. Trong tình hình ấy, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trở thành nơi cứu cánh, cung cấp đồng vị phóng xạ, hoàn thành sứ mệnh phục vụ nền y học hạt nhân, kéo dài sự sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo. Trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid 19, hàng năm Viện nghiên cứu Đà Lạt là nơi cung cấp 40% chất đồng vị phóng xạ cho các cơ sở y tế hạt nhân trong nước, phần còn lại buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Cán bộ Viện nghiên cứu hạt nhân phân chia viên nang I-131, dược chất phóng xạ dùng trong điều trị ung thư tuyến giáp (Ảnh: Internet)
Trong hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Giáo sư Mai Trọng Khoa, một chuyên gia hàng đầu về y học hạt nhân ở Việt Nam đã ngỏ lời cảm ơn tới Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đơn vị cung cấp chất đồng vị phóng xạ cho Bệnh viện Bạch Mai phục vụ việc khám và điều trị bệnh ung thư trong bối cảnh khó khăn nhất do dịch bệnh COVID-19 gây ra. “Trong thời gian đại dịch vừa rồi, nếu không có đồng vị phóng xạ do Đà Lạt cung cấp thì có lẽ hàng vạn bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở khoa chúng tôi không có cơ hội được điều trị và nhiều bệnh nhân có thể sẽ chết. Tôi đặt giả định là vì một lý do nào đó mà lò Đà Lạt không hoạt động thì sẽ vô phương cứu chữa hàng vạn bệnh nhân đó!..”, Giáo sư Mai Trọng Khoa chia sẻ.
Riêng trong năm 2020, Lò đã vận hành khoảng 4300 giờ, gấp 3 lần trung bình những năm trước. Nhờ có sự cải tiến đột phá về kỹ thuật của những con người làm khoa học thầm lặng đã không làm gián đoạn công tác khám, chữa bệnh ung thư giai đoạn này.
WOWTIMES - THÀNH TỰU ĐƠN VỊ
Đặc biệt hơn cả, vào ngày 26.12.2004, Lò phản ứng hạt nhân của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã vinh dự được Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam - Vietkings công nhận là Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, trong hơn 45 năm vận hành, chưa xảy ra một sự cố nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, đó là một thành tích đáng tự hào, cho thấy đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ khai thác một thiết bị khoa học phức tạp như lò phản ứng.
Với bề dày lịch sử 47 năm, có thể nói Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã và đang là một mắt xích vô cùng quan trọng đối với ngành năng lượng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của cả nước nói chung.
Duy Nghĩa - WOWTIMES (Tổng hợp thông tin và hình ảnh)