[WOWTIMES- Top 100 Công trình trên 100 tuổi] (P.52) Chùa Thầy- “tứ đại danh thắng xứ Đoài” xưa (Tk: XI- 2022)

26-09-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES] Chùa Thầy Hà Nội là một trong những ngôi chùa có cảnh quan non nước hữu tình, thiên nhiên hòa hợp, chùa Thầy Quốc Oai Hà Nội còn là nơi lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý – Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Chùa Thầy còn gọi là chùa Cả, tên chữ là: "Thiên Phúc Tự" thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội được xây dựng từ thời nhà Lý. Núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước.

 

 

Chùa Thầy còn gọi là chùa Cả, tên chữ là: "Thiên Phúc Tự" thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội được xây dựng từ thời nhà Lý. Núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. (Ảnh: internet)

 

Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ tam gồm chùa Hạ, chùa Trung chùa Thượng song song với nhau. Bao quát chùa là không gian thoáng đãng với hồ nước trong xanh có hoa khoe sắc, có thủy đình là nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là "Nhất tiên kiều” trông vào đền Tam phủ, còn "Nguyệt tiên kiều” nối với đường lên núi. Chùa Hạ là nơi lễ bái của các tăng ni phật tử và là nơi giảng đạo của các nhà sư, còn chùa Trung là nơi thờ Tam Bảo. Lớn nhất là chùa Thượng - nơi đặt ba pho tượng chuyển kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh.

 

 

Chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. (Ảnh: internet)

 

Chùa Thượng nằm tách biệt so với chùa Hạ và chùa Trung. Ở đây thờ tượng Di Đà tam tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp (Tăng, Phật và Đế vương). (Ảnh: internet)

 

Trong mặt bằng kết cấu chung của ngôi chùa Phật giáo Việt, chùa Thầy đã khai thác được những thành phần kiến trúc độc đáo, ăn nhập với tổng thể như nhà Thủy đình giữa hồ nước, hai cầu Nhật Tiên Kiều – Nguyệt Tiên Kiều, Điện thánh … Hơn nữa chùa Thầy còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể chùa chiền, hang động trên núi cũng như xung quanh chùa để tạo thành một tổ hợp kiến trúc không thể tách rời, đẹp về kiến trúc, phong phú về loại hình, cảnh quan quần thể khu di tích chùa Thầy còn hoà quyện với nhiều huyền thoại Phật giáo gắn với Từ Đạo Hạnh với tín ngưỡng dân gian như câu chuyện về hang Cắc Cớ, Bàn cờ tiên, chợ Trời…càng làm cho kiến trúc chùa Thầy trở lên linh thiêng, huyền bí.

 

 

Ở giữa hồ Long Trì xây có thủy đình cổ kính được ví như viên ngọc trong miệng rồng thiêng. Nơi đây thường  trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước vào các ngày lễ hội. (Ảnh:internet)

 

Chùa hiện còn lưu giữ 7 tấm bia đá đều có niên đại vào khoảng thế kỷ 17, trong đó có một tấm bia "Hưng tạo sự công" dựng năm Dương Đức thứ 7 (1673) nói về việc xây dựng nơi thờ Thánh và tên người cúng ruộng công đức. Từ niên đại được ghi trên bia đá, và những vết tích trên kiến trúc, ta có thể hình dung rằng chùa Thầy vốn được xây dựng trên nền tảng cũ đời Trần, chỉ đến khi có đợt trùng tu lớn vào thế kỷ 17, chùa mới có dạng "nội công ngoại quốc" như ngày nay. Cũng từ đợt trùng tu này, hai cụm kiến trúc thờ Phật và thờ Thánh đã được tách thành hai công trình riêng biệt, đánh dấu sự ra đời chính thức của kiểu thức chùa tiền Phật - hậu Thánh.

 

 

Hai bên có 2 cây cầu Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên được xây dựng theo kiểu kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, tạo thành hai râu rồng. (Ảnh: internet)

 

Từ cảnh quan non nước hữu tình, cho đến những truyền thuyết sống động về đức Thánh Từ Đạo Hạnh, đã làm cho vùng đất Sài Sơn trở nên linh thiêng. Và chùa Thầy, một công trình kiến trúc đẹp đẽ hiếm có trở thành một trung tâm Phật giáo của đồng bằng Bắc bộ, một chốn thiền không để người ta có thể tìm về.

 

 

Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khang trang với lối kiến trúc độc đáo. (Ảnh: internet)

 

Năm 2007, chùa Thầy đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục: "Ngôi chùa có bệ đá kép thờ Phật bằng đá xưa nhất Việt Nam". Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014.

 

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2