Văn Miếu Huế còn có tên gọi khác là Văn Thánh Huế, Văn Thánh Miếu. Được khởi công xây dựng dưới triều vua Gia Long, từ ngày 17/4 - 12/9/1808 thì hoàn thành. Văn Miếu quay mặt về phía Nam, phía trước nhìn thẳng ra sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi bao bọc lấy. Văn Miếu Huế là một công trình kiến trúc độc đáo trong quần thể di tích cố đô. Tại đây có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sĩ và 4 tấm bia khác (có hai tấm bia do Vua Minh Mạng và Thiệu Trị đề).
Văn Miếu Huế đã trải qua một chặng đường lịch sử dài cùng dân tộc ta và vẫn giữ được nét đẹp một thời huy hoàng. (Ảnh: internet)
Lịch sử Văn Miếu Huế
Trong thời kỳ các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu cũng được thiết lập ở Phú Xuân và được xem như Văn Miếu riêng của Đàng Trong, nhưng không rõ thời điểm xây dựng, chỉ biết địa điểm tại làng Triều Sơn.
Năm Canh Dần (1770) dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ.
Văn Miếu Huế năm 1965. (Ảnh: internet)
Đến khi nhà Nguyễn gây dựng cơ đồ, Văn Miếu của cả triều đại và cũng là của toàn quốc lúc này mới được chính thức xây dựng ở địa điểm hiện nay, vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (tức miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử). Với sự tôn trọng Nho học, miếu mới được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh Thành.
(Ảnh: internet)
Văn Miếu được xây dựng ngoài việc thờ Khổng Tử còn thờ bốn người gọi là Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết. Đông Vu và Tây Vu gồm 14 án, thờ các Tiên Hiền và Tiên Nho, những người có công trong việc phát triển đạo Nho.
Cổng Đại Thành Môn mang đậm nét cổ kính và dấu ấn thời gian qua năm tháng. (Ảnh: internet)
Cổng Đại Thành Môn là công trình kiến trúc còn sót lại mà vẫn giữ nguyên được nét nổi bật của kiến trúc cung đình ngày xưa. Cổng được xây dựng hoành tráng và nổi bật, thể hiện sự khéo léo và tài tình của người xây dựng. Trải qua bao biến bố, Đại Thành Môn vẫn đứng vững hiên ngang, mang đậm dấu ấn của thời gian với những bức tường bám đầy rêu xanh. Song đây vẫn là một công trình có ý nghĩa đặc biệt với cố đô Huế.
Từ chính cổng nhìn vào, hai bên tả, hữu là 32 tấm bia, khắc tên 293 vị tiến sỹ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn. (Ảnh: internet)
Ngay chính giữa cổng vào là ngôi đại điện thờ Khổng Tử, đây là công trình kiến trúc trọng yếu của toàn bộ Văn Miếu, được xây dựng theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Hai bên trước Điện Đại Thành là hai ngôi nhà đối diện nhau Đông Vu và Tây vu, thờ thất thập nhị hiền và các tiên nho.
Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim. (Ảnh: internet)
Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiến trúc, trang trí đăng đối, uy nghi. Đối với việc thờ phụng, triều Nguyễn cho lập bài vị bằng gỗ để thờ và buộc tất cả các địa phương nơi nào thờ Khổng Tử bằng hình tượng đều phải thay thế bằng bài vị mộc chủ, còn các tượng thì phải lựa chọn nơi sạch sẽ chôn đi. Đây là một cách nhìn khá đặc biệt của triều Nguyễn. Họ cho rằng thờ bằng hình tượng là thiếu trang trọng, thiếu lễ độ đối với người đã khuất, cho nên ngay cả bàn thờ các vua Nguyễn cũng không hề thờ bằng hình tượng.
Cổng Linh Tinh Môn được xây theo hướng nhìn ra dòng sông Hương thơ mộng. (Ảnh: internet)
Văn Miếu là một biểu tượng độc đáo của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn vương quyền phong kiến thống trị. Việc lập Văn Miếu và dựng bia Tiến sĩ nhằm nhắc lại cụ thể sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để từ đó mọi tầng lớp nhân dân thấy rằng, ai cũng có thể tiến thân bằng con đường học vấn, một nền học vấn không phân biệt giai cấp và đề cao đức hạnh. Nho học đã trở thành đạo chung cho nước nhà.
(Ảnh: internet)
Ngày nay, Văn Miếu Huế đã trở thành một di tích đánh dấu thời kỳ thịnh trị nhất của Nho giáo - thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước. Nho giáo tuy không còn là quốc đạo nhưng những tư tưởng về đạo đức và lối sống của nhà Nho, kết hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đã kết tinh thành nền tảng vững chắc trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hôm nay.