[ĐIỂM ĐẾN ĐẦU NĂM] Văn Miếu - Quốc Tử Giám

27-01-2023

(kyluc.vn / nienlich.vn) Là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta, Văn Miếu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi được rất nhiều sĩ tử, học trò tới đây để cầu may mắn trong thi cử, học hành. Vào những ngày đầu năm, nơi đây là điểm thu hút đông đảo du khách thập phương tới du xuân, xin chữ.

 

 

Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc. Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội.

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: internet)

 

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.  Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học. (Ảnh: internet)

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như một ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Đến nơi đây bạn dường như được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng rực rỡ của ông cha, nạp vào nguồn năng lượng tràn đầy để vững tin trong hành trình nỗ lực học tập và khám phá tri thức nhân loại. Ngày nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân thủ đô trong những ngày tết truyền thống với ước mong năm mới an lành; hoặc trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”.

 

Hoạt động giáo dục, học tập, tuyên dương diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: internet)

 

Hàng năm, nơi đây sẽ diễn ra Hội chữ Xuân, là dịp để người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên tới xin chữ, tìm hiểu về thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo.

 

Hội chữ Xuân diễn ra hàng năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: internet)

 

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/01/2023 đến ngày 29/01/2023, mở cửa hàng ngày hàng ngày từ 8h00 đến 20h00. Riêng ngày 30 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đón Giao thừa đến 02h00 sáng hôm sau. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đến 22h00. Chủ đề Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 là "Sư đạo tôn nghiêm" với ý nghĩa: đạo của người thầy được tôn nghiêm thì đạo học, tri thức mới được quý trọng, sự học được tốt đẹp. Với chủ đề này, Ban Tổ chức mong muốn tri ân đến nhiều thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay, bên cạnh đó, cũng thông điệp gửi tới các bạn trẻ biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo.

 

 

Nét văn hóa đẹp trong những  ngày đầu năm. (Ảnh: internet)

 

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 còn tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống: làng sĩ tử, các cụm tiểu cảnh, các điểm chụp ảnh, check in phục vụ khách du xuân. Nhiều gian hàng của các làng nghề thủ công truyền thống; nhiều trò chơi dân gian đậm nét văn hóa (kéo co, đi dép cao su tập thể,…) cùng chương trình biểu diễn quan họ, rối nước cũng được tổ chức. Những hoạt động triển lãm Thư pháp, hoạt động viết chữ cùng chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống sẽ góp phần tạo không khí vui tươi cho khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản, với văn hóa dân tộc của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 


Quyên Nguyễn - Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2