Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng xác lập Kỷ lục Việt Nam

07-11-2022

(Kyluc.vn) Diễn ra từ ngày 06/11 đến ngày 08/11/2022, "Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ 2022" lần thứ VIII và "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long"- Lần thứ V năm 2022 là một trong những sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại thành phố Sóc Trăng với nhiều hoạt động văn hóa vô cùng đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tại sự kiện lần này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã chính thức xác lập Kỷ lục Việt Nam cho tỉnh Sóc Trăng với "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất​ tính từ năm 2005 đến nay".

 

Đua ghe Ngo là một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ được lưu truyền từ nhiều thế kỷ qua và đã trở thành phong tục không thể thiếu của người dân từ năm 1528 và được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Sự kiện đua ghe Ngo luôn thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người vào các dịp lễ hội Oóc Om Bóc  vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. 

 

 

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng là một trong những sự kiện lớn của địa phương thu hút hàng ngàn người tham dự vào dịp rằm tháng 10 hàng năm (Ảnh: Internet)

 

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua nghe Ngo Sóc Trăng của người Khmer hàm chứa ý nghĩa quan trọng đó là thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với sông ngòi đã bù đắp phù sa mang đến nhiều nguồn lợi dồi dào cho sự sống của con người và cũng là cách thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần quyền năng, các linh hồn ông bà tổ tiên đã giúp đỡ, che chở, phù hộ, bảo vệ mùa màng. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, phong tục mang đậm bản sắc dân tộc này còn là dịp để cộng đồng người Khmer nói riêng và người dân miền Tây Nam bộ nói chung gắn kết, tạo nên mối thân tình, đoàn kết giữa con người với con người. Đối với người dân Khmer, chiếc ghe Ngo còn là một tài sản quý giá không chỉ gắn liền với hoạt động sản xuất mà còn mang giá trị văn hóa, tinh thần cao cả. Lễ hội đua ghe thường được tổ chức tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó Sóc Trăng thường là địa phương tổ chức các Lễ hội đua ghe Ngo thường niên quy mô lớn nhất, thu hút sự quan tâm của các đội ghe của các tỉnh bạn cũng như người dân trên khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ tham dự. 

Với những giá trị văn hóa to lớn đó, ngày 24/4/2022 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Lễ hội  Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 

Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer Sóc Trăng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (Ảnh: Báo Sóc Trăng).

 

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2022 trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ 2022 lần thứ VIII diễn ra từ ngày 6/11 đến ngày 8/11/2022 với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer 12 tỉnh, thành, gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, TP. Cần Thơ và TP.HCM. Các đội đua ghe Ngo trên khắp các địa phương đã không quản ngày đêm tập luyện từ tháng trước để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.  

 

 

Những ngày đầu tháng 10, các đội ghe Ngo ở các phum sóc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tập hợp nhiều thanh niên trai tráng tập luyện hàng ngày để chuẩn bị cho lễ hội đua ghe Ngo năm 2022. (Nguồn hình tổng hợp từ Dân Trí)

 

Tính từ năm 2005 đến nay, Tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 17 kỳ đua ghe thu hút sự tham gia của các đội nam và nữ thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Số lượng ghe tham dự qua các năm ít nhất là 36 ghe và nhiều nhất là 62 ghe. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên sự kiện không diễn ra được. Tất cả các năm đều có đội nữ và đội nam cùng tham gia, số ghe nam thường nhiều hơn ghe nữ. Tổng cộng qua 17 kỳ tổ chức đua ghe tại Sóc Trăng, tổng số ghe tham dự là 825 ghe (trong đó ghe nam 672 ghe, ghe nữ là 153 ghe).

Tháng 10/2022, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thiết lập hồ sơ và gửi đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam nhằm xác lập Kỷ lục cho Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng. Với các số liệu thống kê đầy đủ qua các năm cũng như sau quá trình xét duyệt, TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Lễ hội Đua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng.

 

 

Kỷ lục Việt Nam cho Lễ hội được chính thức công nhận từ ngày 02/11/2022 

 

Lễ công nhận Kỷ lục Việt Nam được tổ chức vào tối ngày 06/11/2022 tại Quảng trường Bạch Đằng, thành phố Sóc Trăng trong đêm khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ 2022 lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022. 

 

 

Lễ khai mạc ghi nhận sự hiện diện của lãnh đạo các cấp, các ban ngành đoàn thể của địa phương và các tỉnh lân cận cũng như các khách mời từ văn phòng Thủ tướng Chính phủ 

 

Đại diện của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings tại lễ khai mạc

 

Nhiều tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc được trình diễn trong đêm khai mạc

 

Ông Dương Duy Lâm Viên - Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam đại diện Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings trao bằng xác lập Kỷ lục đến ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Sóc Trăng.

 

Lãnh đạo UBND Tỉnh Sóc Trăng trao hoa và chụp hình lưu niệm với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings

 

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung đã chính thức ghi tên mình vào bản đồ Kỷ lục Việt Nam. Việc đón nhận Kỷ lục Việt Nam là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng như giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer trong thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước.

 

 


Duy Nghĩa - Kỷ lục (VietKings)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2