Cố GS.NGND Nguyễn Lân (14/6/1906 – 7/8/2003) sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Cụ là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Người có cống hiến trọn đời cho nền giáo dục, có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam. Nhắc đến Cụ Nguyễn Lân, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, đức độ, mà còn ngưỡng mộ trước một gia đình mà có đến 8 người con đều là những nhà khoa học xuất sắc, nổi tiếng của đất nước.
Cố GS.Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân (1906-2003)
Cụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên. Hiện nay, tên của Cụ được đặt tên cho một tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội. Cụ Nguyễn Lân lập gia đình với Cụ bà Nguyễn Thị Tề, nữ sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội, là con gái nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp, người có công chính thành lập trường tiểu học Bạch Hạc – Việt Trì.
Cụ Nguyễn Lân cùng vợ sinh được 8 người con: 7 trai và 1 gái. Nghị lực và lửa yêu nghề của Cố Giáo sư Nguyễn Lân đã truyền lại cho 8 người con, tất cả đều hiếu học. Dù theo đuổi những chuyên ngành khác nhau nhưng cả 8 người con đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Hiếm gia đình nào có đến 8 người con đều là Giáo sư, PGS, Tiến sĩ như gia đình cố Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Các anh em trong gia đình Cụ đi trước đã cùng dìu dắt nhau để xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình "hiếu học, tài hoa, chuẩn mực".
Bảy người con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua): Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung - Ảnh: CƯỜNG NGUYỄN
Cố Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất là người con cả của Cố GS.Nguyễn Lân. Ông nguyên Chủ nhiệm Khoa Lý luận và Sáng tác của Nhạc viện Novoxibiec – Nga, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga. Ông là Người Việt Nam đầu tiên được cựu tổng thống Nga Vladimir Putin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga vào năm 2001.
Nữ Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (đã mất), là người con thứ 2 trong gia tộc Nguyễn Lân, nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng (người con thứ ba) là một trong những nhà khoa học đầu ngành vi sinh vật học, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII; Giảng viên khoa Sinh học trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học – Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (người con thứ tư) là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, PCT Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, PCT Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng (người con thứ năm) là Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là Nhà giáo nhân dân của Việt Nam. Ông còn được mời làm Giáo sư thỉnh giảng tại những trường đại học lớn và danh giá về sinh học cũng như nông nghiệp như Cornell, California, Harvard, Oxford…
PGS.TS Nguyễn Lân Tráng - người con thứ sáu là giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ - Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Lân Việt (người con thứ bảy) là Giáo sư đầu ngành Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch – Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung (người con út), nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF.
Tính đến nay, cả dâu rể, gia đình cụ Nguyễn Lân có đến gần 20 GS, PGS - Tiến sĩ (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Thế hệ thứ 3,,4 của Cố GS.NGND Nguyễn Lân tiếp tục được kế thừa truyền thống của hai thế hệ trước, với nhiều người thành đạt như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly...
Với những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà, TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã quyết định trao tặng bằng Tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam tới gia đình cố NGND.Nguyễn Lân với nội dung: “Gia đình đầu tiên có 8 anh, chị, em ruột đều là giảng viên Đại học ở các bộ môn, đóng góp nhiều giá trị nội dung đặc biệt cho nền giáo dục Việt Nam”.
Ông Trần Chiến Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, PCT TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam (thứ 3 từ trái qua) và ông Hoàng Thái Tuấn Anh - Tổng thư Ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (ngoài cùng bên trái) đại diện trao bằng Tôn vinh giá trị Nội dung Kỷ lục Việt Nam đến đại diện gia đình cố GS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân.
Sự kiện diễn ra trong Chương trình nghệ thuật: “Nhật ký trên Khóa Sol” nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 81 của Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (người con trai thứ 4 của gia tộc Nguyễn Lân). Dịp này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cũng chính thức đón nhận Kỷ lục Việt Nam: Người nghiên cứu các di cốt người cổ Việt Nam nhiều nhất.