[WOWTIMES – SỰ KIỆN TẾT THƯỜNG NIÊN] Hà Nội: Lễ hội Chùa Hương – nét đẹp văn hóa qua 128 năm của người dân miền Bắc (1896 – 2023)

12-01-2023

(nienlich.vn) Năm 1896, niên hiệu Thành Thái thứ 8, lễ hội Chùa Hương chính thức được tổ chức như một lễ hội thực thụ và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của Việt Nam. Trải qua thăng trầm biến đổi của thời gian, từ xưa đến nay, lễ hội chùa Hương vẫn ngày càng hấp dẫn, hàng năm thu hút một lượng du khách lớn.

 

Chùa Hương là cách gọi trong dân gian của nơi này, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

Chùa Hương đã được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 08/4/1962. Nơi đây là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn  liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo lên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật. Có lẽ đã trải qua nhiều thế kỷ, nét văn hoá đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Chùa Hương. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, hành trình về một miền đất phật.

 

Chùa Hương là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ven bờ phải sông Đáy. (Ảnh: internet)

 

LỊCH SỬ LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG

Lễ hội Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba. Tương truyền rằng công chúa Diệu Thiện đã tu hành 9 năm tại Hương Sơn, sau đó đắc đạo thành Phật để phổ độ chúng sanh. Thời điểm mà công chúa Diệu Thiện đắc đạo cũng chính là giữa mùa Xuân, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, vạn vật tương sinh tương ái.

Tháng 3 năm 1770, Chúa Trịnh Sâm trong chuyến tuần du tại Trấn Sơn Nam đã đến chùa Hương Tích vãn cảnh, thắp hương và đề lên cửa động 5 chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Điều này đã biến động Hương Tích trở thành một di tích lớn và là tiền đề cho sự hình thành của lễ hội Chùa Hương. Đến năm 1896, niên hiệu Thành Thái thứ 8, lễ hội Chùa Hương mới chính thức được tổ chức như một lễ hội thực thụ và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của Việt Nam.

Từ đó đến nay, mỗi độ tết đến xuân về, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh. Lễ hội Chùa Hương đã trở thành một nét đẹp văn hóa thường niên vào mỗi dịp tết nguyên đán của người dân Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.

 

Mỗi dịp tết đến xuân về, người dân từ khắp nơi lại nô nức về chùa Hương tham gia lễ hội. (Ảnh: internet)

 

LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG – NÉT ĐẸP VĂN HÓA VƯỢT THỜI GIAN

Lễ hội chùa Hương không chỉ mang ý nghĩa là một lễ hội thông thường như bao lễ hội khác mà nó còn có ý nghĩa rất lớn và mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của Bắc Bộ. Phần lễ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam bao gồm Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Phần hội lại là sự kết hợp những nét văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Đến với lễ hội chùa Hương bạn không không đơn giản là hành hương, dâng lễ hướng đến những bậc siêu nhiên, thần thánh mà còn là để cảm nhận sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người, gia tăng đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, lễ hội chùa Hương thể hiện khát vọng hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

Thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương: Lễ Chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch và thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Chính hội từ 15 đến 20 tháng 2, cũng là thời gian Phật tử và du khách đến tham quan, cúng viếng và dự hội đông nhất. Như vậy, lễ hội kéo dài trong thời gian 3 tháng.

 

Lễ khai hội hàng năm. (Ảnh: internet)

 

Các nghi thức trong lễ hội chùa Hương:

Phần lễ: Hội chùa Hương bắt đầu ngày mùng 6 Giêng với lễ khai sơn (mở cửa rừng) của địa phương. Nghi lễ “mở cửa rừng” còn hàm chứa ý nghĩa mở cửa chùa, khai lễ. Lễ dâng hương này sẽ có hương, hoa, đèn, nến, hoa quả, đồ chay. Lúc cúng, hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chạy đàn rồi tiến cúng lên bàn thờ. Trong khi dâng đàn, hai vị tăng múa những động tác kỳ lạ vô cùng duyên dáng và đẹp mắt. Phần lễ vừa thể hiện niềm tin về một tôn giáo chung ở Việt Nam vừa thể hiện sự sùng bái của người hành lễ đối với Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.

 

Lễ dâng hương được diễn ra trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính đối với bề trên. (Ảnh: internet)

 

Phần hội: Ngoài phần lễ thì sẽ có phần hội với nhiều hoạt động văn hóa dân tộc đặc sắc như chèo thuyền, leo núi và hát chèo, hát chầu văn… Hàng trăm con thuyền tấp nập vào ra động Hương Tích mỗi mùa lễ hội. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền thưởng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nhắc đến chùa Hương là nhắc đến con đò, một loại hình thuyền của cư dân Việt từ hồng hoang. Và đến nay, ngày hội du thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng gợi nhớ cội nguồn cho người đi hội. Rời thuyền, con người bắt đầu hành trình mới lên sườn đồi núi tiên lãng đậm chất chùa chiền. Ngoài ra, hình thức hát chèo đò được thực hiện ở bất cứ nơi nào như sân chùa, nhà tổ.

 

Người dân đón những giọt nước từ nhũ đá trong động Hương Tích để cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc. (Ảnh: internet)

 

 

Hội trải dài trên 3 tuyến:

Tuyến Hương Tích:Đây là tuyến chính. Khách chủ yếu đi tuyến này, những gì đặc sắc nhất đều tập trung ở đó. Khách ngồi đò từ bến Yến ghé lễ đền Trình, đi tiếp qua cầu Hội, hang Sơn Thủy Hữu Tình, núi Dổi Chèo, núi Con Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà… cập bến Thiên Trù (tục gọi là chùa Bếp Trời hay còn gọi là chùa Ngoài), từ đấy đi chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng (còn gọi là đền Trấn Song) và đền Đệ Nhất Động Hương Tích (chùa Trong). Cũng từ Thiên Trù có lối rẽ qua rừng mơ lên chùa Hinh Bồng.

Tuyến Tuyết Sơn: Từ bến Đục rẽ làng Phú Yên gặp suối Tuyết ra bến đò của làng gọi là bến Phú Yên vào trình đền Mẫu Hạ gần đó, ngồi đò qua núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy đến bến Tuyết Sơn, rồi thuyền vào chùa Bảo Đài, leo núi đến Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô, tới chùa Tuyết Sơn còn có tên Ngọc Long động.

Tuyến Long Vân: Đò từ bến Yến dừng ở đền Trình, sau rẽ một nhánh của dòng suối Yến, qua núi Ông Sư Bà Vãi, cặp bến Long Vân, lên thuyền vào chùa Long Vân, leo núi thăm động cùng tên, đi đến giữa chùa Cây Khế và cách đó chừng vài trăm mét là hang Sũng Sàm – một di chỉ khảo cổ lưu dấu của người xưa.

 

Hoạt động chèo thuyền tại lễ hội Chùa Hương. (Ảnh: internet)

 

LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG TẾT QUÝ MÃO 2023

Theo thông tin từ Ban quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23/1/2023 đến 23/4/2023 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch), với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”. Lễ khai hội sẽ diễn ra vào ngày 27/1, tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão.

Lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức quy mô cấp huyện gắn với tôn vinh, quảng bá giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. Năm nay, Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử, đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội.

 

(Ảnh: internet)

 

Được xem là một nét đặc trưng của văn hóa miền Bắc dịp Tết, đây là một lễ hội lớn được tổ chức hằng năm, thu hút số lượng đông đảo các phật tử trên cả nước tham gia hành hương. Lễ hội chùa Hương không chỉ là một lễ hội du xuân thông thường mà còn có ý nghĩa rất lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc bộ. Phần lễ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam bao gồm Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Phần hội lại là sự kết hợp những nét văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.

Du khách đến với lễ hội chùa Hương không chỉ là để hướng đến những bậc siêu nhiên, thần thánh mà còn là để cảm nhận sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người ở mọi chốn cùng nhau hẹn đến một điểm tạo thành một nét đẹp đoàn kết của dân tộc.

 


Quyên Nguyễn - Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2