[WOWTIMES- Đông Tây Kim Cổ] Bí ẩn về cuộc đào tẩu của chiếc MiG 25: Từ miền viễn Đông Liên Xô

07-09-2022

[NIÊN LỊCH – WOWTIMES] Cách đây vừa đúng 46 năm, một chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn MiG 25 do phi công Viktor Belenko điều khiển, xuất phát từ sân bay quân sự Sokolovka ở thành phố Vladivostok, tỉnh Primorsky, thuộc miền Viễn Đông Liên bang Xô Viết đã bất ngờ hạ cánh xuống sân bay Hakodate, đảo Hokkaido, Nhật Bản rồi tuyên bố rằng mình vừa đào tẩu khỏi Liên bang XôViết.

Bay “mù” để đào tẩu

Cuộc đào tẩu đến Nhật Bản của một phi công Liên Xô trở thành vận may của tình báo phương Tây khi nắm trong tay chiếc tiêm kích Mig-25 đáng sợ. Ngày 6/9/1976, khi đang bay huấn luyện cùng phi đội tiêm kích Mig-25 gần bờ biển Nhật Bản, trung úy không quân Liên Xô Viktor Belenko tách khỏi đội hình và bay thấp để tránh bị radar phát hiện. Khi chiếc máy bay tiến vào không phận Nhật Bản, hai tiêm kích F-4 Phantom của Nhật lập tức đuổi theo nhưng không thể bắt kịp chiếc chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới khi đó. Belenko hạ cánh ở Hakodate, miền bắc Nhật Bản và nhanh chóng bị cảnh sát Nhật áp tải đi. Đối với phương Tây, cuộc đào thoát này là một vận may bất ngờ, bởi Mig-25 từ lâu vẫn là tiêm kích bí ẩn nhất họ muốn tìm hiểu sau khi một số chuyên gia tỏ ra ngưỡng mộ và một số phi công nghe tên đã khiếp sợ.

14 giờ ngày 6-9-1976, một số người dân trên đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản nhìn thấy một chiếc máy bay phản lực xuất hiện sau những đám mây. Hầu như chẳng ai ngạc nhiên bởi lẽ ở Hokkaido có sân bay Hakodate, và chuyện máy bay lên xuống là chuyện thường ngày. Ông Namura, làm việc tại tháp kiểm soát không lưu Hakodate nhớ lại: "Khi nó đến gần, tôi nhận ra đó là loại máy bay 2 động cơ phản lực, đặt dọc theo hai bên thân, sơn màu xám quân sự. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là cánh đuôi của nó in hình cờ Liên Xô. Không hề có bất cứ một liên lạc nào giữa phi công với tháp kiểm soát. Và khi tôi chưa kịp phản ứng thì nó đã đáp xuống". Do đường cất hạ cánh không đủ dài nên chiếc máy bay chạy thêm gần 300m nữa trên đoạn đất trống trước khi dừng lại rồi chỉ vài giây, một phi công mở nắp buồng lái bước ra, rút khẩu súng ngắn đeo bên hông, chĩa lên trời nổ 2 phát như muốn tạo sự chú ý. Mấy phút sau, hai chiếc xe hơi chở một số nhân viên sân bay Hakodate chạy đến. Từ trước tới giờ, họ chưa hề nhìn thấy loại máy bay nào tương tự như chiếc vừa đáp xuống. Rất nhanh chóng, viên phi công tự giới thiệu bằng tiếng Anh, rằng mình là Viktor Ivanovich Belenko, 29 tuổi, thuộc Sư đoàn không quân số 11, Liên Xô lái chiếc Mig 25 đào tẩu khỏi Liên bang Xô Viết.

 

Theo Belenko, sáng ngày 6-9, anh ta cùng một phi đội MiG 25 không mang theo vũ khí, tiến hành một chuyến bay huấn luyện. Theo kế hoạch, họ sẽ thực hiện những bài tập không chiến trên vịnh Petra Velikogo rồi vòng lại căn cứ. Tất cả những chiếc MiG đều được đổ đầy nhiên liệu, có thể bay được 1.730km trong lúc cự ly huấn luyện chỉ khoảng 1.200km...

9 phút sau khi cất cánh, lợi dụng những đám mây mù, Belenko cho máy bay tách khỏi đội hình rồi nhắm hướng Nhật Bản tiến tới. Belenko kể: "Để tránh radar của cả Liên Xô lẫn Nhật Bản, tôi phải bay rất thấp, khoảng 30m trên mặt nước biển. Nhìn bản đồ và khi đoán là đã vào không phận Nhật, tôi cho máy bay lên cao 6.000m để người Nhật phát hiện".

Lúc này, ở sân bay quân sự Chitose trên đảo Hokkaido, bộ phận trinh sát đường không thuộc Cục Phòng vệ Nhật Bản đã phát hiện chiếc máy bay lạ trên màn hình radar. Ngay lập tức, họ tìm cách liên lạc với nó qua hệ thống vô tuyến nhưng không thể nào thực hiện được vì không đúng tần số. Vài phút sau đó, Nhật điều 2 chiến đấu cơ F4 Phantom lên ngăn chặn nhưng phi công trên 2 chiếc F4 lại chẳng nhìn thấy chiếc máy bay "lạ" ở đâu, radar cũng mất dấu nó. Hóa ra, nhằm đề phòng sự đào tẩu vì MiG 25 lúc ấy vẫn còn là bí mật tuyệt đối, bản đồ bay do Sư đoàn Không quân số 11 cung cấp cho phi công tập luyện chỉ giới hạn đến thành phố Konyushkovo ở phía đông và Uemuyskiy về phía tây nên lúc vào không phận Nhật Bản, Belenko phải bay "mù". Ý định của Belenko là hạ cánh xuống sân bay quân sự Chitosan nhưng vì trời quá nhiều mây nên anh ta phải xuống thấp để tìm sân bay bằng mắt thường. Và cũng vì mây mù nên khi nhìn thấy sân bay Hakodate, Belenko quyết định đáp xuống mặc dù anh ta biết đường băng của nó không đủ cho chiếc MiG 25.

Những bí mật của “con quái vật trên bầu trời”

Tiêm kích Mig-25 được Cục Thiết kế Mikoyan-Gurevich của Liên Xô bắt đầu nghiên cứu phát triển đầu thập niên 1960 sau khi có các thông tin về việc Mỹ đang phát triển một oanh tạc cơ có vận tốc Mach 3 (1.020 m/s). Lo ngại oanh tạc cơ B-70 Valkyrie trang bị hạt nhân có thể tàn phá lãnh thổ, Moscow đã quyết định phát triển một tiêm kích đánh chặn có tốc độ tương đương. Dù dự án oanh tạc cơ Valkyrie gặp trục trặc và bị hủy, Liên Xô vẫn kiên trì với dự án này, và kết quả là Mig-25 Foxbat ra đời, trở thành tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới khi đó. Mig-25 được Liên Xô áp dụng các biện pháp bảo mật công nghệ nghiêm ngặt khiến phương Tây không thể nào tiếp cận được. Bởi vậy, cuộc đào tẩu của Belenko cùng với một chiếc Mig-25 nguyên vẹn thực sự là một cơ hội trời cho.Ban đầu, người Nhật không biết xử lí Belenko và chiếc tiêm kích đào tẩu như nào. Trong lúc Liên Xô muốn Nhật trao trả viên phi công này thì Mỹ muốn kiểm tra chiếc tiêm kích vẫn là bí ẩn với họ.

Khi Trung tâm Tình báo Không quân và Không gian Quốc gia Mỹ tháo rời chiếc tiêm kích Mig-25, họ thực sự kinh ngạc nhận ra hệ thống điện tử trên khoang dựa trên công nghệ bóng đèn điện tử chân không lạc hậu chứ không phải thiết bị bán dẫn mới nhất thời đó. Các quan chức Lầu Năm Góc đã cười khẩy khi biết Liên Xô sử dụng công nghệ đời cũ như vậy trên chiếc máy bay hiện đại nhất của họ. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn tiếp tục muốn tìm hiểu lý do tại sao người Nga sử dụng bóng đèn điện tử chân không thay vì bóng bán dẫn. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ mới nhận ra người thiết kế chiếc tiêm kích Foxbat rất thông minh. Nhờ các bóng điện tử chân không, radar Mig-25 phát huy được uy lực đến mức không thể bị gây nhiễu điện tử dưới mọi hình thức. Ngoài ra, bóng điện tử chân không cũng giúp các hệ thống trên máy bay chịu được xung điện từ, do đó, nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra, tiêm kích Foxbat là máy bay duy nhất cất cánh được trên thế giới. Trung úy Belenko đã tiết lộ rất nhiều bí mật về tiêm kích Mig-25, trong đó có việc các chuyên gia Liên Xô sử dụng rượu ngũ cốc để làm tan băng kính chắn gió của chiếc chiến đấu cơ này, nhưng các chỉ huy phi hành đoàn dưới đất đã uống chúng và bí mật đổ nước vào. Belenko còn nói với các điều tra viên người Mỹ rằng ở độ cao hơn 24 km, chiếc Mig-25 của anh ta chỉ có thể hành trình an toàn ở vận tốc Mach 2,8 ( 3.500 km/h) thay vì vận tốc Mach 3,2 (3.920 km/h) như các nguyên mẫu Mig-25. Thậm chí ngay cả ở vận tốc Mach 2,8, động cơ máy bay bị quá nhiệt và 4 tên lửa không đối không trên các giá treo ở cánh rung lên rất nguy hiểm. Các kỹ sư Mỹ đã nhận thấy công nghệ Liên Xô sử dụng lạc hậu đáng kinh ngạc. Đôi cánh Mig-25 được hàn thủ công thay vì sử dụng máy móc và các đinh tán không được làm nhẵn để giảm lực cản. Bất chấp những điểm yếu này, một chuyên gia đã thừa nhận rằng Mig-25 là một máy bay tuyệt vời. Động cơ của máy bay thải ra ít muội than hơn máy bay Mỹ và tạo lực đẩy tới 12.246 kg chứ không phải 11.113 kg như các chuyên gia M�� ước tính.

 

Số phận phi công Viktor Belenko

Sinh ngày 15-2-1947 tại Nalchik, nước Cộng hòa Ukraine, Belenko gia nhập Không quân Xôviết năm 18 tuổi. Khi đào tẩu cùng chiếc MiG 21, anh ta mang hàm trung úy, phục vụ trong Trung đoàn máy bay tiêm kích 513, Sư đoàn Không quân số 11 đóng ở vùng Viễn Đông Liên Xô.

Khi cuộc hôn nhân giữa Belenko và người vợ Nga có nguy cơ tan vỡ, anh ta trở nên suy sụp. Mặc dù đến nay nguyên nhân khiến Belenko lái chiếc MiG 25 hạ cánh xuống Nhật Bản vẫn được giữ kín nhưng người ta tin rằng Belenko đào tẩu là vì chuyện gia đình, chứ không phải anh ta là điệp viên Mỹ nằm vùng hoặc bị người Mỹ mua chuộc.

Sau vụ đào tẩu thành công, cuối năm 1976, Belenko đến Mỹ. Từ năm 1977 đến 1980, Belenko "ở ẩn" trong một căn cứ không quân Mỹ, viết lại sơ đồ tổ chức của Trung đoàn máy bay chiến đấu 513, Sư đoàn Không quân số 11 cùng số lượng, chủng loại máy bay và các phương thức hoạt động của Không quân Liên Xô. Ngày 14-10-1980, Quốc hội Mỹ ban hành điều luật S. 2961, cho phép Belenko trở thành công dân Mỹ. Đích thân Tổng thống Jimmy Carter trao giấy chứng nhận quốc tịch cho anh ta. Vài năm sau đó, Belenko - khi ấy là kỹ sư hàng không đồng thời là nhà tư vấn cho Không lực Mỹ, kết hôn với Coral, một giáo viên âm nhạc ở bang North Dakota. Họ sinh được 2 người con trai. Giữa năm 1990, Belenko ly dị bà vợ Mỹ nhưng ông ta không bao giờ ly dị người vợ Nga của mình. Ngày 2-10-1976, trước yêu cầu của Liên Xô, đòi phải trả lại chiếc MiG 25, phía Nhật Bản đã đưa tất cả những bộ phận của nó vào trong 30 chiếc thùng, kèm theo đó là một hóa đơn đề nghị Liên Xô bồi thường 40.000USD cho dịch vụ đóng thùng và những thiệt hại của sân bay Hakodate. Trước đó, Liên Xô đã thương lượng với Chính phủ Nhật, cho phép 1 máy bay vận tải Antonov An-22 cùng các chuyên gia hạ cánh xuống Hyakuri để kiểm tra và đưa những chiếc thùng ấy về Vladivostok nhưng phía Nhật từ chối. Ngày 11-11, 30 thùng chứa các thành phần của chiếc MiG 25 được chuyển từ căn cứ không quân Hyakuri đến cảng Hitachi trên một đoàn xe kéo. Tại đây, chuyên gia kỹ thuật Liên Xô sau khi kiểm tra đã phát hiện mất 20 bộ phận, mà toàn là những bộ phận quyết định tính năng của MiG 25. Ngày 15-11-1976, tàu chở hàng Taigonos của Liên Xô chất tất cả lên rồi khởi hành đi Vladivostok. Tiếp theo, Liên Xô buộc Nhật Bản bồi thường 10 triệu USD vì sự mất mát 20 bộ phận nói trên nhưng cuối cùng, cả Nhật lẫn Liên Xô chẳng ai trả cho ai một đồng nào hết!

 

 


Huy Đức – Tổ Chức Niên lịch và Thành tựu Việt Nam –WOWTIMES (Tổng hợp thông tin, Hình ảnh Internet)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2