Xứ Nghệ được biết đến là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt. Mùa hè thì nắng gay gắt, mùa đông thì lạnh tái thịt, mỗi lần mưa lớn thì nước ngập khắp xóm làng. Nghệ An với vùng biển trải dài khắp tỉnh, cung cấp một số lượng thủy hải sản lớn cho người dân. Chính vì vậy, người dân đã tận dụng lợi nguồn cung này để chế biến ra nhiều món tươi ngon, dinh dưỡng. Một món ăn nổi bật mỗi khi nhắc đến Nghệ An có thể nói là cháo lươn. Với sự cầu kỳ trong cách chế biến, nêm nếm hương vị đậm đà, cháo lươn Nghệ An đã trở thành món ăn không thể thiếu đối với người dân nơi đây.

Để có một nồi cháo lươn xứ Nghệ đậm đà thơm ngon cần sự tỉ mỉ, kỳ công của người đầu bếp. Ngay từ khi chọn nguyên liệu, phải chọn lươn đồng và gạo nấu cháo phải là loại gạo tẻ ngon nhất. Sau đó họ lại dùng sự tài tình khéo léo của mình để xử lý mùi tanh trước khi chế biến. Lươn được làm sạch nhớt, đem luộc rồi gỡ lấy thịt. Lươn ở đây không mổ bằng dao mà dùng cật tre để rọc thịt lươn.

Ở Nghệ An, đồng hành với lươn là nghệ. Màu vàng tươi của nghệ không chỉ đem lại cho thịt lươn vẻ hấp dẫn đặc biệt mà hương vị của nghệ còn làm cho thịt lươn thêm đậm đà, thơm, ngọt. Vị của nghệ đã góp phần xua tan đi cái mùi tanh của lươn. Thịt lươn sau khi luộc chín được xào với nghệ, ớt băm nhỏ, hành phi, hạt tiêu và nhất là không thể thiếu được những cọng hành tăm chỉ mọc ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Cũng như nghệ, thứ hành tăm lá nhỏ xíu chỉ có ở vùng đất xứ Nghệ này làm cho bát cháo sánh ngọt với màu xanh rất ngon mắt, tạo cho cháo lươn Nghệ An có hương vị đặc biệt riêng bởi vị ngọt thơm, cay nồng rất đặc trưng. Miếng thịt lươn được lọc to bản, vuông vức, khi xào xong vẫn mềm, ngọt, thấm đẫm vị thơm cay của hành, ớt, tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ, điểm màu xanh của lá hành tăm, lá răm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn.

Đập dập, băm nhuyễn xương sống của lươn, nấu lấy nước, lọc bỏ xương vụn, sau đó mới đem ninh cháo. Nhờ có nước ngọt nấu từ chính xương sống của con lươn nên cháo lươn Nghệ An có vị ngọt rất riêng: đậm nhưng lại rất thanh, không thấy vị béo của mỡ, khác hẳn với vị ngọt của cháo nấu từ thịt gà hay xương lợn. Gạo để nấu cháo cũng được chọn kỹ lưỡng, gạo ngon pha thêm chút nếp để cháo sánh. Sự kỳ công của công đoạn ninh cháo thể hiện ở chỗ gạo phải được rắc từ từ để cháo không vón cục và người nấu tuyệt đối không được dùng đũa để cháo không bị nát hay bị nồng. Đặc biệt hơn nữa, người xứ Nghệ để nguyên hạt gạo mà ninh cháo chứ không giã nhỏ hay xay gạo thành bột. Cháo ninh thật kỹ, hạt gạo nở bung mà không nát, cháo sánh đều, không đặc cũng không loãng.

Khi ăn, người ta múc cháo ra bát, xúc một ít thịt lươn xào thơm phức, thêm một chút nước sốt vàng ngậy, một chút hành, răm và hạt tiêu, tùy sở thích, ăn kèm vài ngọn rau ngổ cho thêm nổi vị.

Món cháo lươn xứ Nghệ dù rất giản dị, chân phương bởi được nấu từ những sản vật gần gũi của đồng quê nhưng trở thành nét văn hóa đặc trưng cho vùng xứ Nghệ, thành niềm nhớ, niềm thương của những người con nơi đây khi xa quê luôn nhớ về. Và cháo lươn cũng để lại ấn tượng khó phai của người khách có dịp ghé qua miền Nghệ An nắng gió mà khi trở lại phải tìm ăn cháo lươn để thưởng thức.

Năm 2012, Hành trình Tìm kiếm, Quảng bá Đặc sản và ẩm thực Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện lần thứ nhất với hi vọng quảng bá đất nước Việt Nam rộng rãi hơn đến các địa phương trên toàn quốc và thế giới thông qua các giá trị về ẩm thực và đặc sản. Vào ngày 1/8/2012, Cháo lươn Nghệ An đã chính thức được công nhận đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.