Chắc hẳn người Việt Nam nào cũng dễ dàng nhận biết các món phở dù được chế biến theo nhiều kiểu. Tuy nhiên, khi lần đầu thưởng thức phở khô Gia Lai, nhiều thực khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và hoài nghi rằng liệu đây có phải là phở. Hình thức của phở khô Gia Lai khác với các món phở quen thuộc như phở nước, phở xào, phở chiên hay phở cuốn. Thay vì dùng một tô hoặc một đĩa kèm chén nước chấm, chủ quán dọn ra hai tô riêng: một tô đựng bánh phở, tô còn lại là nước dùng. Vì thế, phở khô Gia Lai còn có tên gọi là phở hai tô.

Sợi phở là yếu tố khiến món ăn trở nên độc đáo. Bánh phở cũng làm từ bột gạo nhưng không ướt mềm, dẹt bản to như sợi tươi mà khô cứng, sợi nhỏ, mảnh hơn sợi hủ tiếu. Khi chế biến, người nấu trụng nóng sợi sao cho khi ăn có độ dai và khô nhất định. Sợi cuộn dính vào nhau thành búi khi nhấc lên không bung ra.
Ăn kèm phở khô Gia Lai thường là gà và bò. Trong đó, thịt gà phải dính da, xé phay đặt bên trên bánh phở, thêm thịt heo ba chỉ băm, tóp mỡ, hành phi và kèm tô nước dùng trong vắt được ninh từ xương gà. Phở khô bò gồm thịt bò tái, bò viên nhưng để thịt riêng trong tô nước dùng thơm mùi thảo quả của phở truyền thống.
Phở khô gà
Phở khô bò
Một phần ăn đầy đủ của phở khô Gia Lai sẽ bao gồm một tô phở khô, nước dùng, rau giá ăn kèm và một thành phần tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quyết định cho chất lượng tô phở - đó chính là chén tương đen. Tô phở Gia Lai ngon đòi hỏi một chén tương hảo hạng, chuẩn vị. Những hạt đậu tương vùng cao nguyên, chắc mịn, to, bóng trải qua các bước nấu, ủ kỳ công tạo nên lớp tương sánh mịn, thơm ngon rất riêng. Khi thưởng thức, thực khách phải trộn đều các nguyên liệu có trong tô, thêm chút rau thơm, giá đỗ thanh mát và rưới thêm chút tương đen hảo hạng. Bắt đầu từ việc gắp một đũa phở để cảm nhận cái béo bùi, thơm ngậy hòa lẫn với sợi phở dai mịn, rồi lại tiếp tục húp vài thìa nước dùng đậm đà, thực khách sẽ thật sự cảm nhận được hết vị ngon của “phở 2 tô”.
Cách ăn phở khô Gia Lai không phải ai cũng biết. Vì khối sợi dính chặt thành cuộn, rất khó để trộn đều các nguyên liệu ngay, thực khách phải dùng muỗng tách nhỏ để sợi bánh phở rời ra. Gia vị không thể thiếu của phở khô là tương được làm từ đậu nành và đường vàng, hoặc xì dầu chứ không ăn cùng nước mắm, điểm thêm một chút giá trụng, xà lách và húng quế. Ăn một miếng phở bùi mùi gạo, đậm vị thịt, kèm thìa nước dùng nóng hổi, ngọt vị xương, béo vị hành phi tóp mỡ, thơm mát rau giá, thực khách sẽ cảm nhận tròn vị phở hai tô Gia Lai. Ăn phở khô Gia Lai không nên vội vàng, tuy không nóng hôi hổi như phở thường nhưng cái thú gia giảm rau thơm, gia vị rồi trộn thật đều thật kĩ, tới khi các nguyên liệu thấm đều mới từ từ đưa lên miệng thưởng thức, đưa đẩy thêm ngụm nước lèo ngọt béo mới thấy hết cái tình ý sâu sắc trong món ăn phố núi.
Phở khô Gia Lai ngày nay được người cao nguyên tự hào mang đi khắp nơi, đưa hương vị phố núi giới thiệu với bạn bè các vùng miền, chinh phục những chuyên gia ẩm thực khó tính nhất, góp phần làm nên sự độc đáo cho ẩm thực Việt Nam.
Năm 2012, Hành trình Tìm kiếm, Quảng bá Đặc sản và ẩm thực Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện lần thứ nhất với hi vọng quảng bá đất nước Việt Nam rộng rãi hơn đến các địa phương trên toàn quốc và thế giới thông qua các giá trị về ẩm thực và đặc sản. Vào ngày 1/8/2012, Phở khô Gia Lai đã chính thức được công nhận đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.