Nằm trong Hành trình Tôn vinh các Giá trị nội dung Kỷ lục do Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam triển khai, trong năm 2010, Hành trình “BÁCH NIÊN CỔ MỘC” sẽ được mở rộng nhằm tìm kiếm, ghi nhận và xác lập đối với các cây tự nhiên, cây trồng trên 100 tuổi, cây di sản, các loài đặc hữu, quý hiếm... có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... Theo đó, những cây cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm sẽ được tôn vinh giá trị "Bách niên Cổ Mộc" trong Hành trình này.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 2021, tại chùa Thiên Ân (thôn Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra buổi Lễ xác lập “Bách niên Cổ Mộc” đối với Cây Kơ nia 200 năm tuổi mọc tự nhiên trước chánh điện Nhà chùa.
Ông Trương Như Bá - Trưởng phòng Biên tập VietKings thay mặt Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập Bách niên cổ mộc của Cây Kơ nia đến chùa Thiên Ân.
Tham dự buổi lễ, về phía Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings có ông Nguyễn Mạnh Qúi - Phó Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings; ông Trương Như Bá - Trưởng phòng Biên tập VietKings; Bác sĩ, Kỷ lục gia Nguyễn Văn Xáng – Trưởng Văn phòng đại diện VietKings tại Nha Trang – Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung; Đại đức Thích Nguyên Quang – Trụ trì chùa Thiên Ân cùng đông đảo quý Tăng, Ni, Phật tử và quan khách đang viếng cảnh chùa.
Ông Nguyễn Mạnh Qúi (phải)- Phó Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings và Bác sĩ, Kỷ lục gia Nguyễn Văn Xáng (trái) – Trưởng Văn phòng đại diện VietKings tại Nha Trang – Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung trao bằng Bách niên cổ mộc và quyết định đến Đại đức Thích Nguyên Quang – Trụ trì chùa Thiên Ân.
Bác sĩ, Kỷ lục gia Nguyễn Văn Xáng (trái) và Đại đức Thích Nguyên Quang (giữa) – Trụ trì chùa Thiên Ân cùng chụp ảnh lưu niệm.

Ban lãnh đạo của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và các đại diện chùa Thiên Ân cùng chụp ảnh lưu niệm.
Du khách vãn cảnh chùa Thiên Ân sẽ rất ngạc nhiên xen lẫn thích thú tận mắt nhìn thấy một cây Kơ nia cổ thụ cao chỉ khoảng 6 mét, có 3 nhánh: đường kính gốc 0,8m; đường kính mỗi nhánh rộng 0,4 – 0,5m; táng xòe rộng 10 mét, có hoa và quả vào mùa trổ hoa… Một điều đáng ngạc nhiên, cây Kơ nia là loài cây thường chỉ mọc ở rừng núi Tây Nguyên, nhưng cây Kơ nia ở đây mọc và sống “thọ” 200 năm chỉ cách mặt nước biển vài chục mét.
Khi được hỏi về nguồn gốc của “cụ Kơ nia”, Trụ trì chùa - Đại đức Thích Nguyên Quang nhiệt tình chia sẻ: Từ khi ngôi chùa Thiên Ân được xây dựng, thì cây Kơnia đã hiện hữu tại đây tự bao giờ. Cây mọc gần miếu thờ vua Gia Long (tương truyền, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, thuyền của ông đã trôi dạt vào thôn Sơn Đừng và sống ở đây một thời gian dưới sự đùm bọc, che chở của dân làng Sơn Đừng. Sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh – Gia Long đã ban sắc phong cho ngôi làng này).
Việc trao tặng BÁCH NIÊN CỔ MỘC đến chùa Thiên Ân là điều mong mỏi bấy lâu của Ban trụ trì Chùa và lòng ngưỡng mộ của không ít Phật tử đã có công chăm sóc tỉa cành, nhặt quét lá vàng để làm sạch cho “cụ Kơnia”.