[WOWTIMES - Bách Niên Cổ Thụ] (P.12) Quần thể lộc vừng hơn 1000 năm tuổi trấn giữ ngôi mộ cổ

16-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Cứ vào cuối tháng 6, quần thể lộc vừng thuộc đền Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê (Phú Thọ) lại bung nở hoa rực rỡ khiến khung cảnh đẹp như một bức tranh. Quần thể lộc vừng ở đây đã có tuổi đời lên đến 1000 tuổi, được công nhận là cây di sản quốc gia.

 

Nằm trên một quả gò rộng chừng 500 m2, quần thể lộc vừng gồm khoảng 85 gốc nằm ở đền Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. Đây là quần thể lộc vừng hiếm hoi được công nhận là cây di sản Việt Nam. Không có nhiều tài liệu ghi chép chính xác số tuổi của quần thể này, tuy nhiên các nhà khoa học ước tính những gốc cây này đã lên đến hơn 1000 năm tuổi. Trải qua sương gió hàng chục thế kỷ, những tán cây vẫn vững vàng mạnh mẽ vươn lên trời xanh.

 

Quần thể lộc vừng ngàn năm tuổi ở Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. (Ảnh: internet)

 

Cây lộc vừng với đủ mọi dáng vẻ, mọc theo các hướng khác nhau cùng các bộ rễ xù xì, ngoằn ngoèo ẩn hiện trên mặt đất tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng. Từ trên cao nhìn xuống quần thể lộc vừng trông hình hài giống như một con rùa khổng lồ. Vào mùa ra hoa, quần thể lộc vừng rực đỏ như nàng thiếu nữ căng tràn sức sống, chỉ sau một đêm hoa đỏ ngập tràn rụng xuống, như những lớp thảm đỏ dày đặc bao quanh Gò Thờ. Đặc biệt mùa thay lá, cả “cánh rừng” sẽ chuyển thành màu vàng rực.

 

Quần thể lộc vừng vẫn xanh tốt sau hơn 1000 năm gắn bó với mảnh đất nơi đây. (Ảnh: internet)

 

Theo người dân nơi đây cho biết một năm những cây Lộc vừng này hoa sẽ nở hai lần. Đợt một vào giữa năm tầm tháng 6 - 7 âm lịch. Đợt hai vào cuối năm tầm tháng 10 - 11 âm lịch. Đối nghịch với hoa phù dung sớm nở tối tàn, hoa lộc vừng lai nở vào chiều tối và ban đêm, đến sáng hôm sau hoa đã rụng tạo lớp thảm dày đặc đỏ rực rỡ dưới nền đất. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, nhiều thân cây đã mục nhưng phần ngọn cây vẫn có cành lá tươi xanh. Đến mùa hoa nở, màu đỏ vẫn rực rỡ cả một vùng trời.

 

Mỗi mùa hòa, những bông hoa lộc vừng rơi phủ đầy mặt đất, tạo nên một khung cảnh nên thơ, hấp dẫn. (Ảnh: internet)

 

Ngôi mộ bí ẩn ở dưới gốc những cây lộc vừng. (Ảnh: internet)

 

Theo người dân sinh sống gần khu quần thể lộc vừng chia sẻ, nơi đây không ai dám đến phá phách hay bẻ cành, hoặc lấy những thân cây già về đốt hay sử dụng vào việc gì đó. Mọi người đều dành cho nơi này sự tôn thờ một điều tâm linh. Giữa gò còn có một ngôi mộ cổ không bảng tên, mái che, chỉ là một bệ gạch đã phủ rêu xanh nhuốm màu thời gian được bao phủ bởi các gốc cây lộc vừng.Tương truyền rằng đây là nơi thờ tự công chúa Ngọc Hoa, con gái thứ 7 của vua Hùng. Thế nhưng theo ghi chép của xã Chương Xá, gốc tích của ngôi mộ lại được cho là của công chúa Tiên Dung.

 

(Ảnh: internet)

 

Hàng năm cứ mỗi mùa hoa nở hoặc mùa cây thay lá khu quần thể lộc vừng này thu hút rất nhiều du khách đến thưởng ngoạn cảnh đẹp, cũng như tìm hiểu thêm về quần thể Cây di sản Việt nam. Việc lựa chọn và vinh danh Cây di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cũng góp phần nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, từ đó quảng bá thêm sự phong phú đa dạng với giá trị khoa học của hệ thực vật Việt Nam.

 


Quyên Nguyễn - Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2