Cây gừa cao khoảng 15 m, tán rộng bao bọc khuôn viên Cổ Miếu Bà, nằm sát con rạch Bà Thợ (huyện Phong Điền, Cần Thơ). Gừa hay còn gọi Si quả nhỏ thuộc họ Dâu tằm. Ở Việt Nam, cây này thường mọc hoang ở vùng có thủy triều, dọc bờ sông suối, kênh rạch. Cây gừa là loài có thân gỗ, rễ phụ mọc ra từ thân và các cành trên cao. Các rễ này mọc dài, đâm xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau hơn trăm năm phát triển, cây gừa trong miếu có gốc cái to sần sùi, với rễ chằng chịt tỏa khắp nơi.
Giàn gừa có tán rộng bao bọc khuôn viên Cổ Miếu Bà. (Ảnh: vnexpress.net)
Giàn gừa trước đây có diện tích rất lớn nhưng do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và sự tác động của môi trường nên hiện nay chỉ còn khoảng 2.700 m2, giàn gừa nguyên sinh vững chắc, với nhiều cây, nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ nên có khi chẳng biết đâu là gốc, đâu là nhánh. Có những cành gừa còn in hằn vết tích chiến tranh với những vết đứt, vết loang lổ do bom đạn. Tuy nhiên, với sức sống mãnh liệt, những cành gừa ấy vẫn đâm chồi, nảy lộc và vươn mình tỏa rợp bóng mát. Đây có lẽ là Giàn Gừa có một không hai tại Việt Nam.
Giàn Gừa với nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ. (Ảnh: internet)
Lá gừa mọc so le, có hình chóp nhọn, mùa hoa nở vào tháng 5 hàng năm. Những cành nhỏ trên cây lại tiếp tục phát triển, mọc rễ phụ cắm xuống đất giúp cây lan rộng hơn. (Ảnh: internet)
Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, Di tích Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại, gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân địa phương. Bên trong khu di tích có đền thờ Bác Hồ và một ngôi miếu nhỏ thờ Bà Thượng động Cố Hỉ.
Miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỷ. (Ảnh: internet)
Vẻ đẹp kỳ vĩ của giàn Gừa trăm tuổi. (Ảnh: internet)
Đặc biệt, nơi đây còn là địa điểm hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ chống Mỹ, nơi đây diễn ra nhiều cuộc họp triển khai Nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, tỉnh ủy; Năm 1961 – 1965 giàn gừa là cơ sở mật mở các khóa đào tạo, huấn luyện đội biệt động nội thành thành phố Cần Thơ; nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng Cần Thơ năm 1975.
Giàn Gừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam. (Ảnh: thamhiemmekong.com)
Ngày 13/6/2013, “Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam” công nhận giàn gừa là cây di sản Việt Nam. Đây cũng là cây di sản đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long và là cây di sản duy nhất của TP Cần Thơ được công nhận.