[NIENLICH.VN-WOWTIMES] “Vương quốc" Pơ mu nằm trên dãy Trường Sơn ở tỉnh Quảng Nam. Tồn tại cả nghìn năm, cây pơ mu lớn nhất có đường kính tới 3 m, gốc tạo thành hình thù kỳ lạ. Quần thể cây quý hiếm này đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Nguồn: Hình ảnh Internet
Nằm cách trung tâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) về phía tây khoảng 35- 40km, thuộc địa phận 2 xã Tr’hy và Axan, trên đỉnh núi Zi’liêng ( với tổng diện tích khoảng 450 ha) có một quần thể rừng Pơ mu cổ với khoảng hơn 1.200 cây, trong đó có 725 cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến 1.000 tuổi đã được công nhận là Cây di sản. Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ. Với người dân tộc Cơ Tu, từ xa xưa, những cây rừng cổ thụ là nơi trú ngụ của thần linh. Rừng Pơ mu lại càng linh thiêng, là báu vật nghìn năm, là vương quốc che chở cho dân làng, nếu không gìn giữ để mất đi là có tội với tiên tổ.
Khu rừng với hơn 1.200 cây pơ mu lớn, trong đó 725 cây có đường kính 1,5 m trở lên đã được công nhận cây di sản. Khu rừng cách tuyến đường từ trung tâm huyện lên biên giới chỉ 6 km nhưng theo người dân, do không có đường nên đi bộ vào rừng mất hơn 6 tiếng. Theo lãnh đạo huyện Tây Giang ( Quảng Nam), nếu tham quan toàn bộ khu rừng sẽ phải đi bộ gần 2 ngày. Cây lớn nhất có đường kính 3 m. Sau khi khoan vào thân cây, các chuyên gia xác định quần thể pơ mu này có độ tuổi từ 300 đến gần 2.000 năm tuổi. Trung bình những cây pơ mu cao khoảng 30 m, một số cây lớn cao đến 50 m, thẳng đứng. Do nằm tách biệt trong rừng sâu, "Vương quốc pơ mu" chỉ được người dân phát hiện vào năm 2010. Đây được xem là khu rừng nguyên sinh lớn và quý nhất Nam Trường Sơn.
Nguồn: Hình ảnh Internet
Tại Việt Nam, Pơ mu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Vì thế, gỗ Pơ mu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Đây còn là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào “sách đỏ”.