Một cây me trên 200 năm tuổi nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây me đã gắn bó với cuộc sống của Tây Sơn Tam kiệt từ lúc sinh ra đến khi dấy binh khởi nghĩa lập nên triều đại Tây Sơn.
Được biết, cây me cổ thụ cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600 m2. Theo tương truyền, cây me này do thân phụ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Phúc trồng cách đây hơn 200 năm.
Cây me cổ thụ trong Bảo tàng Quang Trung, ngoài giá trị thẩm mỹ, cảnh quan môi trường, còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử, là một biểu tượng cho sự trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam của phong trào Tây Sơn. Đến nay, trải qua bao lửa đạn chiến tranh, những thăng trầm của lịch sử dựng nước, giữ nước, cây me cổ thụ vẫn mạnh mẽ sống, hiên ngang vươn cao giữa đất trời, chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Với người dân đất võ Bình Định luôn tự hào bởi những “giá trị đặc biệt” mang khí phách hùng thiêng của người anh hùng áo vải Quang Trung của phong trào Tây Sơn.
WOWTIMES- Lịch sử cây me cổ thụ trong Bảo tàng Quang trung.
Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cách đây khoảng 250 năm, sau khi kết duyên với cụ Nguyễn Thị Đồng (ngụ làng Phú Lạc; nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), cụ Hồ Phi Phúc đến cạnh bến Trường Trầu (thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) xây dựng một ngôi nhà khang trang để ở và tiện buôn bán trầu cau. Trong sân nhà, cụ Phúc trồng một cây me bên trái, đào một giếng nước bên phải. Sau đó, 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lần lượt chào đời trong ngôi nhà này.
Hằng ngày, 3 anh em thường ra sân tập võ dưới gốc me. Đến khi mệt, họ sang ngồi quanh giếng uống nước, trò chuyện. Sau khi khởi nghĩa tây Sơn, cũng tại cây me, giếng nước đó, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì nhiều cuộc luận bàn quốc sự cùng văn thần - võ tướng. Sự nghiệp của nhà Tây Sơn hầu như gắn chặt với cây me, giếng nước trong vườn nhà ngay từ lúc dấy binh, xuyên suốt một thời kỳ lịch sử lẫy lừng.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long triều Nguyễn lên cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, tận diệt tất cả những gì liên quan đến dòng họ và vương triều Tây Sơn. Thế nhưng, dù cả ngôi nhà của cụ Hồ Phi Phúc đã bị san thành bình địa thì cây me và giếng nước vẫn trường tồn đến nay.
Năm 2011, Me cổ thụ tại Bảo tàng Quang Trung là cây thứ 113 được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây di sản Việt Nam.