Ngày 23/12, lần đầu tiên ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý (DOJI) có buổi tọa đàm trực tuyến với cán bộ nhân viên hai hệ thống. Tại buổi tọa đàm này doanh nhân Đỗ Minh Phú đã trải lòng và giải tỏa những thắc mắc, lo lắng của cán bộ nhân viên DOJI và TPBank, những người đã cùng ông trải qua nhiều thăng trầm trong hoạt động kinh doanh 25 năm tại Tập đoàn DOJI và 5 năm tại TPBank trong khuôn khổ chương trình Top Leader Talk vừa được tổ chức mới đây. Đây cũng là lần đầu tiên ông Đỗ Minh Phú đối thoại với toàn thể nhân viên TPBank và DOJI để chia sẻ về lựa chọn, chiến lược phát triển doanh nghiệp trong thời gian sắp tới cũng như nhân sinh quan trong cuộc sống.
Cho rằng TPBank có thể cần mình hơn trong thời gian tới nên doanh nhân Đỗ Minh Phú đưa ra lựa chọn TPBank
Lựa chọn TPBank
Trước sự mong chờ của nhân viên 2 doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Phú đã lựa chọn quyết định tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Ngân hàng TPBank mà theo ông nơi đây còn nhiều công việc dang dở hơn, trong khi DOJI đã hoạt động ổn định và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các bước chuyển giao tới đây. Chia sẻ về quyết định này, ông Đỗ Minh Phú cho biết: “Quả thật đây là một lựa chọn khó. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tôi cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ, sự hỗ trợ để cho tôi lựa một trong hai đơn vị. Tôi có trao đổi với nhiều anh em, những người trong ban điều hành của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và Ngân hàng TPBank, những cộng sự của mình để họ cho một lời khuyên, thì hầu hết những lời khuyên của đơn vị nào hỏi cũng muốn tôi ở lại”.
Lý về giải quyết định này, ông Đỗ Minh Phú cho biết ông đã đồng hành cùng Tập đoàn DOJI kể từ những ngày đầu tiên, khai sinh, chắt chiu và quá trình hình thành một phong cách doanh nhân, hình thành một tính cách cho Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI trong suốt 25 năm qua. Về phía TPBank, tuy mới hơn 5 năm, song đây là quãng thời gian đẹp nhất và đầy thử thách với vị doanh nhân này. Ông Phú chia sẻ: “TPBank đã có những bước phát triển, nhưng tôi còn nhiều việc phải làm và phải có trách nhiệm nhiều hơn với nơi này. Mặc dù không muốn lựa chọn nhưng tôi bắt buộc phải đưa ra sự lựa chọn của mình.”.
Lý giải về quyết định lựa chọn TPBank, ông Phú cho biết: "DOJI đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được".
Một tay ngang không may mắn
Chia sẻ về việc kinh doanh ngân hàng, Ông Phú cho biết: “Khi nhận được quyết định về tái cơ cấu tháng 7/2012, đây là một lĩnh vực mới và rất khó với tôi. 5 năm qua tôi luôn trăn trở về việc tái cơ cấu, tôi chưa bao giờ lên giường trước 12h đêm, bản thân cũng mất đi 10% trọng lượng cơ thể. Trước đây chưa khi nào phải vào viện thì nay đã có lúc phải phẫu thuật dạ dày, có 12 ngày nằm bất động... Có thể nói 75% vất vả trong 5 năm qua tôi dành cho TPBank”, vị doanh nhân này chia sẻ.
Tuy nhiên, những công sức của ông đã thu hoạch được những “ quả ngọt” qua việc tái cơ cấu thành công TPBank. Đây là điều khiến ông Đỗ Minh Phú tâm đắc nhất: “Ở vị trí của tôi, niềm tự hào nhất là một tay ngang vào làm trong lĩnh vực ngân hàng, bây giờ tôi đã có tư duy và một chút vốn dắt lưng để người ta gọi là banker”.
Nhìn lại một chặng đường dài mà ông đã đi qua, bắt đầu từ sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông tự nhận mình không phải là người may mắn. Mặc dù tốt nghiệp đạt điểm rất giỏi nhưng tên của ông không nằm trong danh sách đi học nước ngoài. Đến cả thời điểm khi gia nhập ngân hàng, cũng vào đúng thời điểm tái cơ cấu chứ không phải “cỗ bàn sắp sẵn”. Tuy nhiên, nhờ những thăng trầm đó mà ông đã có một cuộc sống doanh nhân với nhiều thăng trầm, thăng hoa đủ cả. Ông Phú chia sẻ, chính những thăng trầm của cuộc đời đã tạo nên chữ NHÂN trong cuộc sống và kinh doanh của ông: "Thương người như thể thương thân” và nằm trong 3 chữ NHÂN: Đối với gia đình, anh em, người thân là Nhân nghĩa; Đôi với cán bộ nhân viên là Nhân tâm; Đối với Khách hàng, xã hội là Nhân văn.
Vì vậy ông cho biết, kiếp sau ông muốn trải nghiệp những công việc khác thay vì là doanh nhân như hiện nay: “Có thể làm chính trị gia, văn nghệ sĩ hoặc nhà truyền giáo. Tôi thấy mình ít nhiều cũng có năng khiếu trong các lĩnh vực đó”, ông chia sẻ.