GS. Hồ Tài Huệ Tâm, sinh ra ở thành phố Hồ Chí Minh, là con gái nhà trí thức cách mạng Hồ Hữu Tường.
Phần lớn cuộc đời bà gắn liền với các trường học quốc tế. Sau khi học trường Pháp trong nước, trong 11 năm, từ năm 1966 - 1977, bà du học Mỹ và lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ sử học Việt Nam và Trung Quốc tại Đại học Harvard vào năm 1977. Sau đó, dạy ở trường này từ năm 1980 tới nay.
GS. Hồ Tài Huệ Tâm nằm trong số ít học giả nhận danh hiệu GS Kenneth T Young của Đại học Havard.
Các công trình học thuật của học giả 68 tuổi tập trung làm rõ phong trào nông dân với sự ra đời của các đạo Hòa Hảo và Cao Đài, nạn đói năm 1945, vai trò của phụ nữ trong phong trào giải phóng dân tộc. Những tác phẩm đó giúp các nhà nghiên cứu và độc giả quốc tế hiểu hơn về những giai đoạn đặc biệt trong lịch sử nước nhà.
Cầu nối thúc đẩy nghiên cứu về sử Việt
Với uy tín vững vàng trong giới học thuật quốc tế, GS. Hồ Tài Huệ Tâm tự nguyện cập nhật các công trình nghiên cứu sử học về Việt Nam trong mạng lưới các học giả quan tâm đến tri thức Việt.
Sự giới thiệu của người phụ nữ tài hoa luôn được lắng nghe cẩn trọng và coi đó là chỉ dẫn quí cho nghiên cứu của mình. Nhiều người trong số họ trân trọng coi bà như cô giáo của mình.
"Cô Tâm là người rất có uy tín và thâm niên công tác", TS. Trần Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng Viện Sử học chia sẻ với báo chí. "Khi tôi đến Harvard gặp cô, học cô về sử và sau đó một thời gian dài có những trao đổi khoa học với cô, như về giáo dục thì hỏi ý kiến cô về chuyên gia, nên đọc sách gì để cô giới thiệu học giả, tài liệu...”
Ngoài tiến sĩ Phương Hoa, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng mặc định GS. Huệ Tâm là đầu mối thông tin khi đến làm việc tại ĐH Havard.
"Dù không phải là chuyên gia về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa nhưng do có quen biết rộng, GS. Huệ Tâm đã giới thiệu cho chúng tôi những luật gia và học giả ở Mỹ am hiểu về vấn đề này," nhà báo Trần Đức Anh Sơn, thực hiện phim tài liệu "Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời" của Ðài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ. "Bà cũng là người đã dùng ảnh hưởng của mình để thu xếp cho chúng tôi đến thư viện của Viện Harvard - Yenching thuộc ĐH Harvard để tìm kiếm và ghi hình những tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam đang lưu trữ ở đây".
Mê sử do hoàn cảnh xô đẩy
Đam mê sử học của người phụ nữ khá kín tiếng với báo chí chịu ảnh hưởng từ cha mẹ và khao khát đưa sử Việt ra ngoài biên giới.
- Đam mê, Phản bội và Cách mạng ở Sài Gòn thuộc địa (2010)
- "Các lĩnh vực đáng nhớ: Pierre Nora và Ký ức Quốc gia Pháp" trong Tạp chí Đánh giá Lịch sử Mỹ (2001)
- Đất nước của Ký ức: Viết lại quá khứ thời hậu xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2001)
- "Hiện diện quá khứ trong các bảo tàng Việt Nam" ở Tạp chí Người phụ trách bảo tàng (1998)
- "Sự mơ hồ vĩ đại: Sự tưởng nhớ quốc gia đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh" trong các bài luận về quá khứ Việt Nam (1995)
- Sự mâu thuẫn chủng tộc và cội nguồn của Cách mạng Việt Nam (1992)
- Chủ nghĩa hoàng kim và Chính trị nông dân ở Việt Nam (1983)
"Thuở nhỏ vì hay nghe cha mẹ nói về cuộc đời mình nên tôi rất say mê, muốn học hỏi thêm. Nhất là hồi đó tôi học trường Pháp, nên càng muốn biết thêm về gia tài văn hóa của xứ mình, về lịch sử của xứ mình, vì học ở trường Pháp ít khi được học cao hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam", học giả Hồ Tài Huệ Tâm nhớ lại.
"Đến thời kỳ tôi đi học ở Mỹ, dù lúc đó đang có chiến tranh, nhưng thật ra người Mỹ không biết nhiều về Việt Nam. Người Việt tới Mỹ cũng rất ít. Vùng tôi tới học là vùng nổi tiếng về các đại học Mỹ, thế nhưng vẻn vẹn không có đến 10 người Việt. Những người chuyên dạy về lịch sử, văn hóa Việt Nam lại càng ít hơn, mà phần đông họ học lịch sử Trung Quốc rồi đổi qua học về Việt Nam.
Thầy hướng dẫn của tôi ngày xưa cũng học lịch sử Trung Quốc, nhưng do thầy hướng dẫn của ông bảo rằng Hoa Kỳ đang có liên quan tới Việt Nam, mà nước Mỹ lại chẳng có ai biết về Việt Nam, nên ông này mới thúc giục thầy tôi nghiên cứu về Việt Nam".
Bao năm tháng qua, nhà nghiên cứu Huệ Tâm vẫn gắn bó trọn đời với sử Việt khi sống xa quê hương.