[WOWTIMES - Niên lịch & Thành tựu Việt Nam 2022] Nghệ nhân Ẩm thực Bùi Thị Sương: Hơn 40 năm nặng lòng với tinh hoa ẩm thực Việt

20-12-2022

(Kyluc.vn) Được xem là “Đại sứ văn hoá ẩm thực Việt” với hơn 40 năm giảng dạy, hoạt động và nghiên cứu về ẩm thực, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương là một trong 3 nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam được vinh danh trong lễ tôn vinh các Danh hiệu Du lịch năm 2017. Cô cũng là một trong những thành viên sáng lập ra Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn và làm giám khảo của nhiều chương trình, cuộc thi nấu ăn toàn quốc.

 

NIỀM ĐAM MÊ VỚI ẨM THỰC TỪ NHỎ

Sinh ra trong một gia đình miền Tây sông nước thuộc tỉnh Tiền Giang, nghệ nhân Bùi Thị Sương sớm bộc lộ được năng khiếu nấu ăn từ khi còn nhỏ. Lúc lên 6 tuổi, cô đã biết tự mình chế biến món ăn khi má vắng nhà bằng cách hái cà chua chín ngoài vườn, băm cá nhồi vào rồi chiên lên cho các em ăn cơm.

 

Nghệ nhân Ẩm thực Bùi Thị Sương. (Ảnh: fanpage Bùi Thị Sương)

 

Không chỉ vậy, cô còn được truyền khả năng nấu nướng cũng như niềm đam mê ẩm thực từ chính ngoại và má của mình. Cô kể lại, hồi nhỏ thường đi theo và xem cách má làm bánh, nấu chè, nấu xôi để cúng đình hay hội làng. Mỗi khi trong làng có tiệc, bà ngoại cô lại được mời đến để phối cỗ, nếm thử, chia phần… Dù cuộc sống khó khăn nhưng ngoại và má luôn biết cách tạo nên những bữa ăn đầy thi vị cho gia đình chỉ từ những loại rau củ đơn giản, từ đó truyền cho cô cảm hứng sáng tạo trong nấu ăn.

 

Sau hơn 40 năm nghiên cứu, làm việc với nhiều thành tựu, Nghệ nhân Bùi Thị Sương vẫn tiếp tục hành trình khám phá và tìm hiểu về ẩm thực Việt Nam và quốc tế. (Ảnh: fanpage Bùi Thị Sương)

 

Để phát triển và nuôi dưỡng đam mê, cô đã chọn chuyên ngành Kỹ sư chế biến thực phẩm, ngành Kinh tế gia đình của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật theo học và tốt nghiệp năm 1978. Nhờ khả năng vốn có và đạt được nhiều thành tích học tập đáng nể, cô được nhà trường giữ lại công tác. Chuyển từ kỹ sư sang đào tạo đầu bếp là một thách thức với nghệ nhân Bùi Thị Sương vì phải coi trọng thực hành nhiều hơn lý thuyết, khác hẳn đào tạo kỹ sư và luôn phải cập nhật những xu hướng, thị hiếu để xây dựng mô hình phù hợp. Vốn là người thích nghiên cứu khoa học, ngoài việc hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, cô vẫn không ngừng tìm hiểu những kiến thức mới về ẩm thực.

 

Nghệ nhân Bùi Thị Sương tham gia làm giám khảo cho nhiều cuộc thi lớn về ẩm thực. (Ảnh: internet)

 

NGHỆ NHÂN NẶNG LÒNG VỚI TINH HOA ẨM THỰC VIỆT

Trong suốt thời gian học tập và làm việc, cô luôn tâm niệm rằng “Món ăn giống như ngọc trong đá, khi tìm được trong dân gian, phải gia công, trau chuốt để nó trở thành sản phẩm du lịch, việc này đòi hỏi công sức của rất nhiều người”. Nhận thấy sự phong phú trong kho tàng ẩm thực Việt, từ những thuận lợi về mặt địa lý, khí hậu đặc trưng, bờ biển dài, thực phẩm đa dạng, tạo nên sự khác biệt về khẩu vị đầy lý thú, cho đến nét truyền thống ẩm thực đặc trưng của 3 miền Bắc – trung – Nam. Tất cả những nét tinh hoa của ẩm thực Việt đều được cô không ngừng nghiên cứu và truyền đạt. Cũng chính bởi vậy, cô luôn đau đáu làm sao vẽ được bản đồ ẩm thực Việt Nam, làm sao tôn vinh đầu bếp giỏikhai thác tiềm năng ẩm thực còn tiềm ẩn trong dân gian.

 

Những năm qua, cô không ngừng đi đến khắp mọi miền tổ quốc để tìm hiểu về tình hoa văn hóa ẩm thực đất nước. (Ảnh: hoidaubepaau.com)

 

Sau nhiều năm giảng dạy trên giảng đường đại học, cô Bùi Thị Sương lại tiếp tục con đường nghiên cứu ẩm thực với hai đề tài “Món ăn đặc sản ba miền” và “Tiêu chuẩn xếp bậc kỹ thuật nghề nấu ăn và làm bánh Việt Nam”. Không chỉ nghiên cứu ra những công trình, góp phần đặt nền móng cho việc giảng dạy đại học và xếp bậc trong ngành ẩm thực, Cô còn tham gia vào các hoạt động quảng bá ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài, được mệnh danh là “Sứ giả văn hóa ẩm thực Việt Nam”. Hiện tại, nghệ nhân Bùi Thị Sương cũng đang giữ vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn Xác lập  của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings.

 

Nghệ nhân Bùi Thị Sương tại sự kiện xác lập Kỷ lục chế biến và công diễn 122 món ăn từ Tôm và Muối tại Bạc Liêu. (Ảnh: VietKings)

 

NHỮNG THÀNH TỰU VÀ CỐNG HIẾN CỦA NGHỆ NHÂN BÙI THỊ SƯƠNG

Ngày 2/11/2009, nhờ những cống hiến không mệt mỏi, cô Bùi thị Sương được Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cùng huy hiệu “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam”.

Năm 2012, sau thời gian dài dày công nghiên cứu, nghệ nhân Bùi Thị Sương đã xuất bản 2 cuốn sách đầu tiên là: Phở và các món nước; Tinh hoa món cuốn Việt.

 

Hai cuốn sách của nghệ nhân Bùi Thị Sương với mong muốn nghiên cứu và phát triển kho tàng quý giá này để lưu lại cho đời sau. (Ảnh: internet)

 

Năm 2013, 2014, cô làm giám khảo của cuộc thi Chiếc thìa vàng. Đồng thời, cô cũng là giám khảo Festival ẩm thực: Đồng Nai, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, TP.HCM…

 

Nghệ nhân Bùi Thị Sương làm giám khảo tại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. (Ảnh: internet)

 

Năm 2017, tại lễ tôn vinh các Danh hiệu Du lịch, nghệ nhân Bùi Thị Sương cùng với nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết được vinh danh là ba nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam.

Giải thưởng được trao với các tiêu chí: Nắm giữ những kiến thức, kỹ năng và bí quyết nấu ăn của ẩm thực Việt Nam; Trực tiếp lưu giữ, sáng tạo và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp; Tham gia chỉ đạo, cố vấn trong các liên hoan ẩm thực cấp quốc gia và quốc tế; Được vinh danh trên các tạp chí chuyên đề ẩm thực, các chương trình truyền hình về ẩm thực trong nước và quốc tế.

 

Nghệ nhân Bùi Thị Sương cùng với nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết được vinh danh là ba nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam. (Ảnh: dangcongsan.vn)

 

Đến nay, sau hơn 40 năm miệt mài giảng dạy ở nhiều trường đại học, lẫn trung tâm nghiệp vụ, nghiên cứu hai công trình lớn, xuất bản hai quyển sách nổi tiếng là: Phở và các món nước, Tinh hoa món cuốn Việt, Nghệ nhân Bùi Thị Sương vẫn tiếp tục hành trình với rất nhiều hoạt động trong con đường ẩm thực, đặc biệt là việc thành lập một fanpage mang tên mình để hệ thống lại kiến thức, chia sẻ với học trò bè bạn những món ăn hay, lạ, trình bày đẹp. Tất cả đều vì mong muốn nghiên cứu và phát triển kho tàng món ăn quý giá để để lại cho đời sau.

 


Quyên Nguyễn - Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2