Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu sinh năm 1948 từ vùng quê Nghi Lộc, một miền quê nghèo của Nghệ An giàu truyền thống cách mạng và khoa bảng. Trọn cuộc đời quân ngũ, ông đã để lại dấu ấn trên từng cương vị.
Chân dung Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân Điện tử)
Không ngờ rằng, cuộc trốn đi bộ đội trước tuổi ấy, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cậu bé Nguyễn Mạnh Đẩu. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân Điện tử)
Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành chiến sĩ giải phóng quân hoạt động trên những vùng chiến sự ác liệt ở Lào, Quảng Trị - Thừa Thiên. Và trong những ngày chiến đấu, ông đã viết nhật ký, viết với tâm thế của một người lính ra trận không xác định ngày về. Những dòng nhật ký được viết vội sau từng trận đánh, của một chàng trai trẻ muốn dành niềm tự hào cho cha, và trong những trang đầu tiên của cuốn nhật ký, ông viết: "Sau khi tôi hy sinh, hãy gửi lại cho cha để ông có quyền tự hào về con trai mình, đã sống và chiến đấu trong những ngày khói lửa".
Ảnh: Internet
Đã có những lần tưởng chừng như ông đã hy sinh. Đáng chú ý nhất là lần bị thương nặng khi tấn công Cao điểm 550 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Viên đạn đã xuyên qua sườn, cắm phập vào phổi, thủng phế quản của ông. Vết thương nặng đó đã không cho phép ông được tiếp tục chiến đấu trên chiến trận mà ông phải trở ra Bắc sau hàng tháng trời nằm cáng, có lúc buộc phải nằm lại một mình trong rừng, có lúc tưởng không trụ nổi những cơn đau quằn quại. Ông ra Bắc và được cử đi học để trở thành một người cán bộ chỉ huy trên những mặt trận "chiến đấu" khác.
Trải qua nhiều cương vị, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông để lại nhiều dấu ấn thời kỳ ở Cục Chính sách. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử)
Với cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, ông đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Nhà nước nhiều chính sách quan trọng, hiệu quả, có ý nghĩa lớn. Hồi ấy, trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, bắt đầu công cuộc đổi mới, là Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính sách, ông đã chủ trì cùng tập thể Đảng ủy và Thủ trưởng Cục tham mưu đề xuất lên Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng về chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội như: Chính sách tiền lương, phụ cấp; Chính sách khen thưởng; Chính sách đối với người có công; …
Ông cũng đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương trình Bộ Chính trị và Nhà nước việc phong tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT cho các tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến. Đặc biệt là Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã cùng tập thể Cục Chính sách tham mưu đề xuất lên trên việc phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng - một chính sách có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc được toàn dân hưởng ứng. Ông cho rằng, đó là những việc làm để trả nghĩa đối với những người đã hy sinh nơi chiến trận - trong đó không ít người là đồng đội chung một thời máu lửa chưa bao giờ nguôi ngoai trong nỗi nhớ của ông.
Thời kỳ công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 cũng như sau này đảm nhiệm cương vị Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, ta lại được gặp ở Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu những phẩm chất đáng quý về trí tuệ và nhân cách của người cán bộ quân đội. Trên cương vị được giao, ông đã cùng tập thể Đảng ủy - Ban Giám hiệu xây dựng nhà trường không ngừng lớn mạnh, thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội cho quân đội.
Ảnh: Internet
Bất kể thời bình hay thời chiến, ngành kỹ thuật quân sự là một "binh chủng" quan trọng của quân đội. Cán bộ, chiến sĩ ngành kỹ thuật quân sự là những người "giữ lửa" ngày đêm âm thầm làm việc, đảm bảo sức mạnh chiến đấu của quân đội. Với Nguyễn Mạnh Đẩu, Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng là chặng cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chính ủy Tổng cục, ông đã tâm đầu ý hợp, sát cánh đắc lực và hiệu quả với ông Trương Quang Khánh - Chủ nhiệm Tổng cục (sau đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng giao phó. Rất nhiều lần ông đã đến thăm và chỉ đạo công tác ở hầu hết các đơn vị trong toàn Tổng cục từ nhà máy đến nhà trường, từ cơ quan nghiên cứu đến các đơn vị cơ sở kho tàng đạn dược; từ Việt Bắc gió ngàn đến Trường Sơn, Tây Nguyên hùng vĩ. Ở nơi nào cũng vậy, ông đều phát huy, quy tụ trách nhiệm chính trị và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong Tổng cục Kỹ thuật vào một một mục tiêu chung: Thường xuyên đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật - một thành tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Năm 2022, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vinh dự trở thành Thành viên Hội đồng Tư vấn - Xác lập Kỷ lục Việt Nam trực thuộc TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính uỷ Tổng cục Kỹ Thuật - Bộ Quốc Phòng, thường trực Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (phải) tại buổi lễ trao Kỷ lục Việt Nam đến em Nguyễn Hạnh Phương tại Hà Nội. (Ảnh: VietKings)
NGUYỄN MẠNH ĐẨU - VỊ TƯỚNG TÀI VỚI TÂM HỒN THI SĨ
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu là một người trân trọng quá khứ. Nhưng đằng sau những chiến công của một vị tướng đã đi qua thời chiến và thời bình ấy, vẫn thấy bóng dáng của một tâm hồn thi sĩ, nhiều chiêm nghiệm trước cuộc đời. Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã cầm bút từ sự thôi thúc, viết để tri ân những đồng đội không còn nữa. Cuốn hồi ký do chính tự tay ông chấp bút đã tái hiện một không gian lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng của dân tộc. Những nẻo đường thời gian của ông không viết nhiều về mình mà đầy ắp những sự kiện về đồng đội, bởi với ông, sự sống còn hôm nay của Nguyễn Mạnh Đẩu có một phần xương máu của đồng đội ông năm xưa. Kể cả những hồi ức trong thời bình, ông cũng khiêm nhường nép mình trong dòng chảy chung của dân tộc.
Xuyên suốt câu chuyện trải dài 45 năm trong quân ngũ đọng lại ở hai chữ nghĩa tình, ở bài học làm người của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. (Ảnh: Internet)
Vốn sống chiến trường như những tảng đất còn sém lửa khói được Nguyễn Mạnh Đẩu đưa vào trang viết. Những tảng đất lấy từ Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, từ đất bạn Lào, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; những địa danh ghi dấu bao chiến công đã đi vào thơ, vào nhạc: Đường 9 - Khe Sanh, Đông Hà, Ái Tử, Đầu Mầu, suối La La, sông Ba Lòng, … Còn rất nhiều những trang viết sống động như thế, cái sống động của thời khắc sinh tử, một mệnh lệnh ngắn, một cái khoác tay, một ánh mắt nhìn đều quyết định đến thắng lợi hay thất bại của trận đánh, đến sinh mạng của hàng trăm con người.
Một số tác phẩm đã xuất bản của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân Điện tử)
Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết khi đọc cuốn sách của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: "Từ một chàng trai tình nguyện nhập ngũ khi chưa đủ tuổi, Nguyễn Mạnh Đẩu đã gắn bó cả cuộc đời với quân ngũ. Anh đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, và sau này giữ nhiều cương vị quan trọng trong quân đội. Nguyễn Mạnh Đẩu là một cán bộ nhiệt tình, xông xáo, quyết đoán, có tầm nhìn và sống tình nghĩa, nên ở mọi vị trí công tác, anh đều để lại dấu ấn cho đơn vị và ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho đồng chí, đồng đội".
Cuộc gặp gỡ giữa Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (bên trái) và nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (bên phải) vào tháng 12 năm 1999. (Ảnh: m.baohaiduong.vn)
Những câu từ, lời thơ cất lên từ trong tâm hồn của những hoài bão, khát vọng, từ những suy tư sâu sắc về thời cuộc, từ một tâm hồn đa cảm, tinh tế của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Và trong một lần trở lại chiến trường xưa, ông đã viết: "...Tìm lại dấu xưa một thời binh lửa/ Tuổi đôi mươi có ai còn nhớ/ Điệu khúc hào hùng khốc liệt một thời trai/ Bước chân ta qua biết mấy dặm dài/ Kỷ niệm còn đây từng lùm cây hốc đá/ Kỷ niệm còn đây bao người đã ngã/ Ta khắc tạc trong lòng bằng sắc đỏ máu con tim/ Về lại chốn xưa ta mải miết dõi tìm…”
Những cuốn sách do chính Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu thể hiện, không chỉ chứa đựng tấm lòng với quê hương, gia đình, tấm lòng với đồng chí, đồng đội mà cao hơn hết là tấm lòng với lý tưởng chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất trọn vẹn của nước nhà. Tái hiện một cách sống động và chân thực về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông đã cho chúng ta thấy những hình ảnh về những người chiến sĩ đặc công trong gian khổ ác liệt, sự dũng cảm hi sinh và nghĩa tình đồng đội. (Ảnh: Internet)
Những khúc ca về người lính trong trận mạc sẽ còn mãi trong hành trình dài của đất nước, bởi chính họ đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc ngày hôm nay.