[WOWTIMES: Niên lịch & Thành tựu Việt Nam 2022] TS. Kỷ lục gia, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Tường - hơn 40 năm hành trình lưu giữ hình ảnh chốn cửa Thiền

10-12-2022

(WOWTIMES - VIETKINGS) TS. Kỷ lục gia, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Tường không chỉ được biết đến với vai trò một nhiếp ảnh gia chuyên chụp chùa chiền và tượng Phật, mà ông còn là một Kỷ lục gia Việt Nam, một Tiến sĩ danh dự của Đại học Kỷ lục Thế giới. Ông còn đảm nhiệm vai trò Thành viên Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và là Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu (VietWorld).

 

ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA TS. KỶ LỤC GIA, NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VÕ VĂN TƯỜNG

 

Chân dung TS. Kỷ lục gia, Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường

 

Ông Võ Văn Tường sinh ra tại Đà Nẵng và có một quảng đời tuổi thơ gắn bó với vùng đất Thừa Thiên - Huế. Kể từ khi còn là cậu trò nhỏ theo học tại Trường Hàm Long nằm trong chùa Báo Quốc (Huế), ông đã bắt đầu bén duyên với Phật giáo như một mối duyên lành đi cùng ông suốt cả cuộc đời sau này.

Trong môi trường học từ cấp 1 và cấp 2 tại trường Hàm Long, ngày ngày được ngắm nhìn những pho tượng Phật trang nghiêm và được chìm đắm trong không gian thiền tịnh, ông luôn muốn tìm hiểu sâu về những giá trị của Phật giáo. Khi lớn lên, được cha tặng cho chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời, ông đã chụp bức ảnh đầu tiên là ảnh “chùa Bảo Quốc”. Và cứ thế những bức ảnh về chùa chiền và phong cảnh Huế được ông lưu giữ mỗi ngày bằng chiếc máy ảnh của mình. 

Ông đam mê và nuôi dưỡng mối duyên lành với Phật giáo trong suốt tuổi đi học. Năm 1971, ông vào miền Nam học đại học tại Viện Đại học Vạn Hạnh và tiếp tục nghiên cứu nhiều về Phật pháp. Đề tài tốt nghiệp đại học (năm 1975) là “Bia, văn ở chùa”Và đề tài bảo vệ Thạc sĩ (năm 1996) của ông cũng hướng về Phật giáo, đó là đề tài “Ngôi chùa trong truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam”.

Suốt cuộc đời làm nghề của mình, ông công tác tại nhiều nơi, kinh qua nhiều vị trí nhưng nhiếp ảnh và Phật giáo mới chính là những điều mà ông theo đuổi đến cùng. Dù làm việc trong ngành văn hóa hay ngành giáo dục, ở vai trò của người nghệ sĩ hay người thầy, ông đều thành tâm nghĩ về cửa thiền, về những bức tượng Phật đã đọng sâu trong tâm trí ông từ thời ấu thơ.

Từ năm 1990 đến năm 2019, ông Võ Văn Tường đã có gần 30 tác phẩm về Phật giáo và văn hóa Việt Nam (viết riêng và viết chung) được xuất bản trong và ngoài nước như: Những ngôi chùa danh tiếng Việt Nam (viết cùng ông Nguyễn Quảng Tuân) năm 1990; CD-Rom Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam (song ngữ) Xuất bản năm 1996, tái bản năm 1998; 108 Danh Lam Cổ Tự Việt Nam, 4 ngôn ngữ (năm 2007); Phật tích Ấn Độ - Nepal, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng TS. Thích Nhật Từ) năm 2008; Chùa Việt Nam - Những Kỷ lục về Di sản Văn hóa (2019);…. cùng nhiều tác phẩm khác.

 

Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường (ảnh tổng hợp)

 

Bên cạnh vai trò của một nhiếp ảnh gia, ông còn tham gia giảng dạy các bộ môn về văn hóa, nghệ thuật nhiếp ảnh, truyền thông tại nhiều trường đại học lớn và các ngôi chùa từ Bắc vào Nam. Ông thường dặn dò lớp trẻ rằng muốn có ảnh đẹp phải đặt tâm hồn mình vào đó. Và muốn chụp ảnh được thì phải có sức khỏe để đi nhiều, chụp nhiều, đủ mọi góc cạnh, khi nào hài lòng mới thôi.

Hiện nay ông đang giữ vai trò Thành viên Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và là Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu (VietWorld).

 

Với vai trò trong Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam và VietWorld, ông Võ Văn Tường thường xuyên góp mặt và trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cũng như Kỷ lục Người Việt toàn cầu đến các cá nhân/ đơn vị trong và ngoài nước (Ảnh VietKings)

 

PHẬT GIÁO - MỐI DUYÊN LÀNH CẢ CUỘC ĐỜI NHIẾP ẢNH GIA VÕ VĂN TƯỜNG

Mặc dù đam mê chụp ảnh chùa và tượng Phật có từ rất sớm nhưng phải đến những năm 1980, ông Võ Văn Tường mới chính thức trở thành người chuyên chụp ảnh chùa khi ông  tham gia làm Ủy viên Báo chí của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. 

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường luôn bị thôi thúc phải làm điều gì đó cho nền văn hóa tâm linh nước nhà, đặc biệt là Phật giáo. Dù là ngày trẻ hay khi tuổi đã cao, chỉ cần nghe nơi nào có ngôi chùa đặc biệt là ông lập tức tìm đến ngay để tìm hiểu và lưu lại những bức ảnh ưng ý.

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường luôn gắn liền hình ảnh của mình với những chiếc máy ành (Ảnh laodong.vn)

 

Hơn 40 năm cầm máy, đôi chân rong ruổi trên 30 quốc gia và ghé thăm gần 4.000 ngôi chùa, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đang sở hữu một kho tàng nghệ thuật vô giá với hơn 2 triệu bức ảnh về chùa và tượng Phật. Đây thật sự là một công trình đồ sộ và có giá  trị lớn đối với kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam và thế giới.

Ông còn là tác giả và đồng quyền tác giả của gần 30 cuốn sách về chủ đề Phật giáo. Trong đó phải kể đến những tác phẩm tạo được danh tiếng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam”, “Chùa Việt Nam xưa và nay”, “Chùa Việt Nam hải ngoại”, “Tượng Phật Việt Nam”,…

Mỗi cuốn sách của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đều tốn rất nhiều thời gian sưu tầm và thực hiện. Nội dung trong sách luôn được chuẩn bị chỉnh chu, biên soạn kỹ lưỡng; từng bức ảnh, từng câu chú thích, từng lời giới thiệu đều được ông chăm chút, chỉnh sửa cho đến khi thật ưng ý mới in ấn và giới thiệu. Đặc biệt, đa phần các cuốn sách của ông đều được thể hiện dưới hình thức song ngữ, đa ngữ. Đối với ông, những giá trị văn hóa này không chỉ cần được quảng bá trong nước mà còn phải đến được với bạn bè quốc tế. Bất cứ khi nào có cơ hội trong hành trình sống và làm việc của mình, ông đều gửi tặng và giới thiệu về chùa Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đến các bạn học sinh, sinh viên, những người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.   

 

Cuốn “Tượng Phật Việt Nam” với hơn 350 ngôi chùa lớn nhỏ khắp Á, Âu với sự công phu, tỉ mỉ được thể hiện qua từng khung hình, từng đoạn trích dẫn, giới thiệu thông tin, lịch sử hình thành các ngôi chùa hay niên đại hình thành mỗi bức tượng (Ảnh vuonhoaphatgiao.com )

 

Tình yêu với Phật giáo và những kiến trúc chùa chiền thật sự ăn sâu trong tâm trí của Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đ��n mức ông có thể chụp ảnh chùa say sưa quên cả ăn uống. Mỗi góc chụp, mỗi nét nghệ thuật kiến trúc, mỗi pho tượng hiện lên trên các bức ảnh của ông đều phải được truyền tải thật sự bằng tất cả tâm huyết. Không chỉ vậy, ông còn ăn ngủ tại chùa nhiều ngày để có thể thu thập thông tin và giới thiệu đến người đọc. Làm sách Phật giáo tuy cực nhưng đối với ông thì đó là một cảm xúc thật an yên

 

THÀNH TỰU CUỘC ĐỜI NHIẾP ẢNH GIA VÕ VĂN TƯỜNG

Với hơn 30 năm hành trình cống hiến, với gần 30 cuốn sách (tác giả và đồng quyền tác giả) cho nhiếp ảnh và văn hóa Phật giáo, với hơn 2 triệu bức ảnh về chùa và tượng Phật, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng trân trọng trong cuộc đời mình.

Tính từ năm 2005 đến nay, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao 6 kỷ lục quốc gia:

- Tác giả CD Rom “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam” là tác phẩm điện tử đầu tiên ở Việt Nam (2005);

- Người chụp ảnh và lưu trữ ảnh ngôi chùa nhiều nhất Việt Nam (2006);

- Tác giả CD Rom “Chùa Việt Nam xưa và nay” là tác phẩm có số lượng hình ảnh và bài viết về ngôi chùa nhiều nhất Việt Nam (2007);

- Đồng tác giả cuốn sách “Hành hương xứ Phật Ấn Độ - Nepal” là tác phẩm viết về xứ Phật được dịch nhiều ngôn ngữ nhất Việt Nam (2010);

- Sách ảnh giới thiệu hệ thống tượng Phật và Điện Phật ở các ngôi chùa Việt Nam, chùa Việt ở hải ngoại đầu tiên và nhiều nhất (2017);

- Bộ sách “Chùa Việt Nam hải ngoại” đầu tiên và có nhiều ngôn ngữ nhất (2017).

 

KLG Võ Văn Tường nhận 2 Kỷ lục Việt Nam nhân sự kiện ra mắt cuốn sách “Tượng Phật Việt Nam” - 2017 (Ảnh VietKings)

 

KLG Võ Văn Tường được Đại học kỷ lục Thế giới (Anh Quốc) đã trao bằng Tiến sĩ Danh dự Kỷ lục Thế giới với đề tài: "Người chụp ảnh, viết sách và triển lãm hình ảnh chùa Việt Nam nhiều nhất" vào ngày 21/09/2013.  

 

KLG Võ Văn Tường được Đại học kỷ lục Thế giới (Anh Quốc) đã trao bằng Tiến sĩ Danh dự Kỷ lục Thế giới năm 2013 (ảnh chuavietnamtoancau)

 

Mỗi người có một ý thức thẩm mỹ riêng, dẫn đến những đánh giá về cái đẹp của riêng họ, nhưng với cá nhân TS. Kỷ lục gia, Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường, một bức ảnh đẹp không phải bức ảnh ai nhìn cũng khen đẹp, mà là bức ảnh chứa đựng cảm xúc chân thật nhất, ẩn trong đó cái hồn của người thợ nhiếp ảnh, trừu tượng nhưng sống động. 

Dù đã gần 70 tuổi, nhiều người vẫn bắt gặp nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường miệt mài mang máy ảnh đi chụp những ngôi chùa, dù là ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào mà ông có cơ hội đặt chân đến. Với ông, việc chụp, lưu giữ và giới thiệu hình ảnh về những ngôi chùa hay tượng Phật đã trở thành một phần việc quan trọng khó có điểm kết của cuộc đời mình. Trong hành trình dài hơi ấy, ông luôn cố gắng đóng trọn vai trò của một người quảng bá văn hóa, quảng bá cái đẹp, lưu giữ điều linh thiêng của Việt Nam cho thể hệ hôm nay và mai sau.

 


Uyên Võ - kyluc


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2