Nghệ nhân nhân dân Trần Độ tên khai sinh là Trần Văn Độ, sinh năm 1957, ông là nghệ nhân về đồ gốm của làng gốm Bát Tràng, và đồng thời là nghệ nhân nhân dân duy nhất của làng nghề truyền thống này. Ông là đời thứ 18 trong dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng. Cần mẫn cóp nhặt kinh nghiệm của cha từ năm 10 tuổi và sau đó là kinh nghiệm trong những năm làm thợ tại xí nghiệp gốm, đến năm 29 tuổi, Trần Văn Độ mới thật sự thấy mình đủ độ chín để sống với nghiệp gốm.
Sản phấm Gốm Trần Độ
Mấy mươi năm làm nghề, ông Độ kiên trì tìm cho sản phẩm của mình những nét riêng, mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc. Bí quyết “nhất dáng, nhì men, thứ ba là tích và cuối cùng là họa”, được ông vận dụng linh hoạt để sáng tạo những tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo. Ông luôn tìm tòi, nghiên cứu, phục hồi những hiện vật được cho là biểu tượng của văn hóa dân tộc. Nghệ nhân nhân dân Trần Văn Độ đã tạo dựng được kho di sản gồm 70 bài men gốm, trong đó nhiều dòng gốm cổ quý của dân tộc, được ông nghiên cứu và phục dựng thành công. Những sản phẩm gốm độc đáo, mang hồn cốt Việt được hình thành từ bàn tay tài hoa của ông đã vang xa không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài.
Năm 2004, những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc của ông được nhà nước chọn làm quà lưu niệm cho các đại biểu dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5) tại Hà Nội.
Dành tâm huyết cả đời cho gốm Bát Tràng, nghệ nhân Trần Văn Độ đã nhận nhiều giải thưởng như: Huy chương bàn tay vàng toàn quốc, danh hiệu Nghệ nhân nhân dân…được thành phố Hà Nội vinh danh là “Công dân ưu tú thủ đô”. Đây là những phần thưởng xứng đáng dành cho người thợ gốm đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ vốn văn hóa quí báu của thủ đô.
Chừng nào đôi chân chưa mỏi, chừng đó người nghệ nhân tài hoa này còn tận hiến cho công việc và mảnh đất mà ông gắn bó, mê say.