Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa khi mà máy móc thay thế sức lao động của con người, các sản phẩm công nghiệp hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày thì những làng nghề và các sản phẩm truyền thống dần vắng bóng trong cuộc sống. Nhưng có một người phụ nữ năm nay đã 67 tuổi vẫn cần mẫn như con tằm nhả tơ giữ gìn và phát triển lên tầm cao mới cho sản phẩm tơ tằm Việt Nam.
(WOWTIMES) Người phụ nữ mãi miết giữ hồn tơ lụa Việt
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại xã Phùng xá, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội, nơi có truyền thống lâu đời trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ nhỏ bà đã sống trong hương nồng của tơ lụa, hình ảnh người bà, người mẹ kẽo kẹt bên khung cửi đã hun đắp cho tình yêu nghề của bà từ đó.
Khi lên 5 – 6 bà đã được bố mẹ truyền cho đam mê, được chỉ bảo tận tình trong từng khung đoạn thì tình yêu đó ngày càng lớn hơn. Khi lập gia đình, chồng bà cũng là dân nhà nòi về tơ lụa, bà như được tiếp thêm lửa đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề.
Hơn 60 mươi năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ, dệt lụa đã có những lúc bà trải qua những khó khăn do cơ chế thị trường, khi mà các sản phẩm công nghiệp ra hàng loạt, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng. Tơ lụa Việt mất dần chỗ đứng, nhiều gia đình phải bỏ nghề, kiếm kế mưu sinh. Nhưng với bà, tình yêu nghề, yêu sợi tơ, sợi chỉ đã giúp bà vượt qua mọi khó khăm, tìm hướng đi mới, hướng chưa ai đi.
Năm 2016, bà được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, bằng khen của UBND TP Hà Nội, bằng khen của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bằng khen Hội Nông dân Việt Nam…
Năm 2017, bà đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ.
Dệt lụa bằng tơ sen
Năm 2019, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, chỉ sen đó đã được thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Đây là bước ngoặt mới cho ngành dệt lụa tại nước ta bởi lần đầu tiên đã có người nghiên cứu tìm ra sản phẩm lụa được dệt từ những sợi tơ sen được trồng trên đất nước Việt, tìm ra con đường mới bên cạnh lụa tơ tằm vốn có xưa nay. Những mẫu khăn này đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.
Ngày 18/10/2020, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, bà Phan Thị Thuận đã là một trong 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020.
Năm 2021, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 9 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trao danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 cho các cá nhân, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (người đứng thứ hai, từ phải qua trái).
Bằng tình yêu nghề truyền thống và những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền. Những sản phẩm độc đáo đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Việt Nam vươn cao vươn xa hơn nữa trên trường Quốc tế.