Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là Bảo tàng Blanchard de la Brosse (tên của viên thống đốc Nam Kỳ) thành lập năm 1929 và là bảo tàng đầu tiên ở phía Nam Việt Nam.
Tòa nhà trước vốn là Bảo tàng Blanchard de la Brosse xưa, do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế mang nét kiến trúc cổ kính. Kiến trúc của tòa nhà này mang phong cách Đông Dương rất rõ nét. Các hoa văn trang trí được sử dụng tại kiến trúc bảo tàng tuy được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng đều là các hoa văn phổ biến và tương đồng với nhiều công trình kiến trúc cổ đương thời. Mỗi chi tiết có ý nghĩa khác nhau nhưng tựu chung lại thì tất cả đều mang ý tốt lành. Đó chính là phần di sản văn hóa phi vật thể được ẩn chứa trong tòa nhà mà cụ thể là ở các họa tiết trang trí kiến trúc. Các hoa văn ấy cũng đã cho thấy sự giao lưu văn hóa Việt – Pháp, góp phần làm cho công trình kiến trúc bảo tàng mang nét Á Đông nhưng cũng rất Tây phương. Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh là công trình được sử dụng đúng với công năng thiết kế ban đầu cho đến ngày hôm nay. Đến năm 2012, tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tại đây trưng bày một hệ thống kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam từ thời Tiền sử đến thời kỳ phong kiến cuối cùng nhà Nguyễn năm 1945. Đặc biệt, bảo tàng giúp chúng ta hiểu thêm về hai nền văn hóa cổ: Văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo. Bên cạnh đó, bảo tàng còn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, cổ vật và 12 Bảo vật quốc gia, những sản phẩm, công cụ thủ công cổ xưa tinh xảo của Việt Nam và một số nước châu Á qua các chất liệu vàng, bạc, đồng, gỗ, đá, gốm sứ…và có thể hiểu thêm về hình thức táng tục của người xưa qua: quan tài chum Giồng Cá Vồ, mộ xác ướp Xóm Cải; biết thêm về thú chơi cổ ngoạn của những học giả Sài Gòn xưa hay những trí thức Nam bộ nổi tiếng thông qua bộ sưu tập Vương Hồng Sển, Dương Hà; hoặc trải nghiệm quét mã QR và màn hình chạm để tra cứu thông tin hiện vật.
Bảo tàng lịch sử TPHCM không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử mà còn là nơi giáo dục, cung cấp kiến thức lịch sử cho học sinh, sinh viên đến tham quan. Bảo tàng luôn năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức, đa dạng hóa hình thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Hiện nay, bảo tàng đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các khâu công tác; Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa. Đặc biệt là tăng cường tính giáo dục lịch sử tại bảo tàng để khuyến khích học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.
(WOWTIMES) Những cột mốc đáng nhớ trong hành trình 93 năm của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1929: Bảo tàng Blanchard de la Brosse- tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, là bảo tàng đầu tiên ở phía Nam Việt Nam.
Năm 1956: Bảo tàng mang tên “Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam” tại Sài Gòn, nơi trưng bày về mỹ thuật cổ một số nước Châu Á.
Ngày 23/8/1979: Bảo tàng chính thức đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 235QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2012: Tòa nhà Bảo tàng được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Một kiến trúc mang đậm nét phương Đông kết hợp với phương Tây tạo nên một kết cấu công trình vững chải, hài hòa, cân xứng với cảnh quan xung quanh.
Hiện nay, Bảo tàng sở hữu hơn 40.000 hiện vật với nhiều sưu tập độc đáo, quý giá có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, dân tộc; chất liệu, loại hình vô cùng đa dạng, phong phú. Các bộ sưu tập giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 1945 và giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo ở các tỉnh phía Nam và một số nước trong khu vực châu Á. Bảo tàng cũng là nơi làm việc của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam, các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới cùng đội ngũ nhân viên có trình độ, kinh nghiệm. Trong xu thế phát triển hiện nay, để có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức những giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của công chúng, Bảo tàng luôn phải tự đổi mới các hoạt động với mục đích hướng đến Bảo tàng vì cộng đồng.
Nguồn: trang web BẢO TÀNG LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, tổng hợp tin tức, hình ảnh (internet).