Dấu ấn cà phê Việt Nam
Theo phân tích mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng xuất khẩu đạt 11,6 triệu bao từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay. Con số này tăng mạnh 19,1% so với niên vụ trước đó. Có thể thấy, không chỉ là đồ uống quốc dân, cà phê Việt còn giữ vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế. Để sở hữu vị thế đó, cà phê Việt đã trải qua hành trình dài với những cột mốc đáng nhớ.
Ban đầu, cà phê được các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp mang hạt sang Việt Nam trồng lẻ tẻ từ các thế kỷ 17, 18, nhưng mãi đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 19, mô hình trồng trọt này mới dần được nhân rộng với quy mô lớn. Do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên giống cây này dễ dàng thích nghi và sinh trưởng mạnh tại Việt Nam.
Đầu thế kỷ 20, cà phê từ thành thị lan dần đến nông thôn. Từ thức uống vốn chỉ dành cho giới quan chức, quý tộc Pháp, cà phê dần dần len lỏi vào đời sống người Việt. Do lối sống tập thể, đề cao tính cộng đồng của người Việt nên các quán cà phê nhanh chóng trở thành nơi giao lưu, sinh hoạt lẫn trao đổi thông tin, giao dịch của người dân. Từ đó, cà phê thành đồ uống của sự kết nối. Ngày nay, những quán cà phê "đa năng" mọc lên khắp nơi, ngoài đáp ứng khẩu vị của dân nghiền cà phê thì còn phục vụ những nhu cầu đặc biệt như: thiền, đọc sách, triển lãm tranh, làm việc một mình…
Mỗi vùng miền ở Việt Nam có đặc sản và cách thưởng thức cà phê khác nhau, tạo nên những trải nghiệm lý thú. Một số loại cà phê được yêu thích phải kể đến như: cà phê chồn, cà phê culi, Arabica, Robusta Buôn Ma Thuột…
Hương vị đậm đà cùng nhiều cách thưởng thức độc đáo, cà phê Việt không chỉ trở thành món ngon quốc dân mà còn chinh phục cả thực khách quốc tế.