Dưới sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn văn công Trung ương (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam ngày nay) được thành lập ngày 14/11/1951 tại chiến khu Việt Bắc. Năm 2022 đánh dấu mốc 71 năm ra đời và phát triển của nhà hát với những thành tựu đáng tự hào.
Cách đây 70 năm tại chiến khu cách mạng Việt Bắc, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương - tiền thân của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam ra đời đã tạo nên một lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ những ngày đầu thành lập, Đoàn đã mang lời ca điệu múa đến biểu diễn phục vụ trên các mặt trận Biên giới Tây Bắc, chiến dịch Thu Đông, chiến dịch Điện Biên Phủ… Các thế hệ nghệ sỹ đã nối tiếp nhau lên đường, bằng trái tim, tài năng và khối óc để cống hiến trên mặt trận văn nghệ, nghệ thuật cách mạng.
Các nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm với chuyên gia Múa CHDCND Triều Tiên trước giờ biểu diễn vở kịch múa Tấm Cám phục vụ Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 - Tiết mục đạt giải thưởng Hồ Chí Minh
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên của Nhà hát vừa là người nghệ sĩ vừa là những chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ, dưới mưa bom, lửa đạn sẵn sàng lấy “tiếng hát át tiếng bom”, lấy tiếng đàn, lời ca, điệu múa cùng chia lửa với bộ đội, nhân dân trên khắp chiến trường. Đã có nhiều nghệ sĩ ngã xuống dưới bom đạn chiến trường, nhiều chiến sĩ sống trọn với những khoảnh khắc của âm nhạc, nghệ thuật bởi họ không biết còn nhìn thấy Mặt trời vào ngày mai hay không...
Các nghệ sĩ Đoàn văn công Trung ương với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - (Ảnh tư liệu)
Hát múa Hò kéo pháo, biểu diễn phục vụ quân và dân Chiến khu Việt Bắc năm 1954
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng hành cùng những bước thăng trầm của lịch sử đất nước. Song song với biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân, Nhà hát còn phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, phục vụ các hoạt động đối ngoại và quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tiếp tục được tin tưởng và giao phó những nhiệm vụ chính trị lớn của nhà nước, với các chương trình nghệ thuật quan trọng như chào mừng Đại hội Đảng XI, XII và XIII; kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí, cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Thủ tướng Trường Phạm Văn Đồng...
Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam dàn dựng. (Ảnh: LINH ANH).
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trong nước thực hiện, năm 2021, tại Ngôi nhà chung Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Nhà hát luôn đi đầu trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế. Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như chương trình nghệ thuật chiêu đãi Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro, các cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un... cùng với các chương trình phục vụ hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Hội nghị thượng đỉnh các nước Á-Âu ASEM...
Cũng chính từ “cái nôi” âm nhạc này, nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam có những tên tuổi tiêu biểu như các nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, nhà thơ Thế Lữ, nhà viết kịch Học Phi... cũng như tiếng hát của các Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu, Nghệ sỹ nhân dân Trung Đức, Nghệ sỹ ưu tú Kiều Hưng...
MỐC SON QUAN TRỌNG
- Tháng 11/1951, Đoàn văn công Trung ương được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Ban đầu, Đoàn chỉ vẻn vẹn có 3 tổ: Ca Múa, Kịch và Chèo với một số ít thành viên.
- Ngày 4/6/1957, nhân một buổi biểu diễn phục vụ khách của Chính Phủ, Bác Hồ đã đổi tên đoàn là Đoàn Ca Múa Nhân Dân Trung Ương nhân buổi biểu diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Bác Hồ và các nghệ sĩ Đoàn Ca Vũ Nhân dân Trung ương tại Phủ Chủ tịch, năm 1956
- Vừa xây dựng chuyên môn, vừa phát triển đội ngũ, liên tiếp trong 2 năm 1952 và 1954, Đoàn đã tuyển nhiều người trẻ và tiếp nhận thêm một số nghệ sĩ miền Nam tập kết. Nhờ thế, Đoàn như được tiếp thêm sức mạnh trên con đường phát triển nghệ thuật. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngay sau khi ra đời, anh chị em nghệ sĩ đã khẩn trương tập luyện xây dựng nhiều chương trình, tiết mục, kịp thời biểu diễn phục vụ các công binh xưởng, chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như nhân dân các vùng mới giải phóng và công cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn miền Bắc.
- Đến năm 1964, Đoàn được nâng cấp và mang tên gọi mới là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
70 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã tổ chức, dàn dựng và biểu diễn không ít các chương trình, tiết mục ca múa nhạc đặc sắc về dân gian dân tộc phục vụ khán giả trong nước và quốc tế.
- Năm 2021, đơn vị kỷ niệm 70 năm thành lập (1951-2021)
Chương trình nghệ thuật Những cánh chim không mỏi (Đạo diễn: NSƯT Đỗ An) do đơn vị thực hiện nhân Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập có đầy đủ các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cùng tham gia biểu diễn.
71 năm trôi qua, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vẫn xác định mục tiêu cốt lõi là lưu giữ tinh hoa 54 dân tộc Việt Nam, phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như tiếp thu tinh hoa thế giới, xây dựng nền âm nhạc cách mạng nước nhà.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, ngày 16/05/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội được Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam dàn dựng công phu.
Hơn 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, những nỗ lực, cố gắng của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như:
Trước năm 1975:
- 01 Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì;
Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
- 01 Huân chương của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào;
- 06 Cờ thi đua xuất sắc của chính phủ...
Sau năm 1975
- Huân chương độc lập hạng 1,2,3;
- Cờ thi đua xuất sắc Chính phủ các năm: 1993, 1994, 2004, 2005, 2009, 2010;
- 05 bằng khen từ Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
- 07 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật cho tập thể và cá nhân.
- 23 giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật cho tập thể và cá nhân.
- Ngày 14/01/2021, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới do Đảng và Nhà nước trao tặng.
- Nhiều nghệ sĩ của Nhà hát được phong Giáo sư, Phó Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (24 Nghệ sĩ nhân dân, 79 Nghệ sĩ ưu tú, 01 Nhà giáo nhân dân, 9 Giáo sư, 4 cá nhân và 1 tập thể được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 7 cá nhân đạt giải thưởng Nhà nước). Nghệ sĩ Ưu tú.
70 năm một chặng đường phấn đấu sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã thực sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn, hội tụ tỏa sáng của nhiều nghệ sĩ tài năng tâm huyết, tên tuổi gắn liền với chặng đường phát triển rực rỡ vinh quang của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Đơn vị xứng danh là “anh cả đỏ” cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, trở thành gương mặt đại diện, quảng bá văn hóa nghệ thuật dân tộc và hình ảnh đất nước, con người Việt ra thế giới, đến với hàng chục quốc gia trên nhiều châu lục