Hành trình Việt Nam – Những điều đặc biệt 2018 là nơi quảng bá tất cả các giá trị nổi trội nhất của tất cả các mặt trong đời sống xã hội, thiên nhiên và con người Việt Nam. Mỗi tháng ban biên tập hành trình sẽ tìm kiếm và chọn lựa những giá trị nổi bật nhất trong tháng từ các lễ hội đặc sắc; các điểm du lịch hấp dẫn; đến những món ngon, đặc sản địa phương; hay các sự kiện đặc biệt của đất nước;… để tổng hợp và đưa đến cho quý độc giả cũng như tất cả các du khách trong và ngoài nước một cái nhìn bao quát và tổng hợp.
Hãy cùng Trung tâm Top Việt Nam tìm hiểu những điều tuyệt vời trong tháng 6 để hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam nhé.
1. Tháng 6 – tháng của Gia đình:
- Quốc tế thiếu nhi (01/06) – hòa mình vào vương quốc tuổi thơ tại Khu vui chơi KizCiti – thành phố hướng nghiệp cho trẻ
- Tôn vinh Ngày của cha (17/06) với câu chuyện về người cha vĩ đại 15 năm cùng con trai mắc bệnh hiếm chinh phục ước mơ.
Câu chuyện cảm động của người cha kiên cường cùng đứa con thơ bé chống lại sự ác nghiệt của số phận trong suốt 15 năm trời của diễn viên Quốc Tuấn và con trai đã lây đi không biết bao nhiêu nước mắt và sự trân trọng của toàn xã hội. Từ khi chào đời, bé Bôm không may mắc bệnh apert – xương sớm cục bộ, căn bệnh hiếm gặp đến mức tỉ lệ chỉ là 1/88.000.
- Ngày Gia đình Việt Nam (28/06) cùng tìm hiểu bữa cơm gia đình truyền thống Việt
Người Việt thì duy tình nên có thói quen sau một ngày làm việc vất vả thường quay trở về mái nhà chung để quây quần bên nhau dùng bữa cơm chiều. Đó là lúc ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng ngồi bên mâm cơm thưởng thức những món ăn ưa thích do bà, mẹ nấu và vui vẻ kể chuyện học hành, công việc trong không khí ấm cúng và thân mật. Sợi chỉ hồng vô hình này đã gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bữa cơm của người Việt thường là một món mặn, một món xào và canh; trong đó có đến 70-80% thức ăn được chế biến từ lương thực, thực vật. Quả thực, bữa cơm gia đình người Việt là bữa “cơm rau” hay “cơm canh”. Độc đáo nhất là món canh, hầu như trên thế giới chỉ có người Việt Nam có cách ăn canh chan vào cơm. Đặc biệt trong bữa cơm không thể thiếu các loại mắm nước, mắm tôm, mắm tép, mắm cá và dưa cà. ruyền thống, nền nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đạm bạc mà đầm ấm đó. Trong bữa cơm mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau mà thông qua đó biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Thông qua mỗi bữa cơm giúp mọi thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn chia sẻ được mọi điều và gắn kết mọi người lại với nhau. Bữa cơm gia đình là một giá trị trong bản sắc Văn hoá Việt Nam.
2. Tháng 6 kỷ niệm 107 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/06/1911):cùng đến thăm Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Tại nơi đây, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này lấy tên là Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu sau này là Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở Việt Nam. Do đó, từ 1975 toà trụ sở xưa của thương cảng Nhà Rồng đã được Việt Nam xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh.
Ngày nay, bến Nhà Rồng đã trở thành nơi mà các thế hệ cháu con đất Việt tìm về để hiểu và trân trọng hơn những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh Cách mạng kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong suốt những năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đón tiếp rất nhiều lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thăm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch H������ Chí Minh. Từ 400 tư liệu, hiện vật (năm 1980) đến nay đã có 11.372 tư liệu, hiện vật và 3300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng vận động nhân dân hiến tặng 2093 tư liệu.
3. Tháng 6 kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/06): tìm hiểu về “Báo Thanh niên” – tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.
4. Hòa mình vào Lễ hội pháo hoaĐà Nẵng 2018 vào tháng 6 với chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”.
Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2018 (Da Nang International Firework Festival – DIFF 2018) với chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”, diễn ra trong 02 tháng, bắt đầu từ 29/4/2018 đến hết 30/06/2018. Đây là một trong những Lễ hội pháo hoa có quy mô lớn nhất Châu Á, cùng với nhiều hoạt động đồng hành, hưởng ứng, DIFF sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố lễ hội rực rỡ sắc màu trong suốt mùa hè 2018.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm nay có 8 đội thi, ngoài đội chủ nhà Việt Nam thì có 7 đội đến từ: Ba Lan, Pháp, Mỹ, Ý, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Hồng Kông. Với chủ đề xuyên suốt là "Huyền thoại những cây cầu", Lễ hội khai mạc tối 30/4 và kết thúc vào ngày 30/6, trình diễn trong 5 đêm.
5. Tháng 6 đi Mù Cang Chải (Yên Bái) ngắm mùa nước đổ
Tháng 5, khi bắt đầu mùa mưa là lúc những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải loang loáng nước, cuộn trong màu của đất hòa với màu của mây trời phản chiếu lấp lánh, tạo nên vẻ đẹp quyến rũ với du khách. Những thửa ruộng bậc thang như khoác lên mình chiếc áo mới, lấp lánh trong sắc màu tuyệt đẹp.
6. Tháng 6 thưởng thức Hương Sen Hà Nội
Tầm cuối tháng 5 đầu tháng 6, ở các bờ hồ Hà Nội là thời điểm các nụ sen đã e ấp, sắp hé nở. Lúc này, nhìn các búp sen như những thiếu nữ đang độ xuân thì, e ấp, chúm chím và đầy sức sống, khoe mình trong nắng mai. Nếu như tháng 5 hoa loa kèn thổi bừng sức sống của căn nhà thì tháng 6 về hoa sen lại len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, trên những gánh hàng hoa, trong từng căn nhà nhỏ. Bất cứ ngôi nhà nào cũng có một lọ hoa sen vừa để đẹp vừa cho thơm. Ngoài ra củ sen, ngó sen,..cũng tạo nên những món ăn hấp dẫn không thể chối từ của người dân Hà Nội.
Đặc biệt sen được hái tại Hồ Tây là loại sen ngon để làm nên trà sen, thức uống nổi tiếng của người Hà thành xưa và nay. Nếu đã được thưởng thức trà sen một lần bạn sẽ nhớ mãi không quên bởi bên cạnh vị ngon của trà còn có hương thơm dịu dàng lan tỏa đến tận cuống họng của sen. Để có được một ấm trà ngon, người thợ đã phải tốn bao công sức: Từ việc chọn sen để hái, nếu nụ sen còn búp thì vị trà sẽ không đượm hương, nếu sen nở quá cũng không được, rất khó để canh được những búp sen đang độ xuân thì vừa đúng tầm để hái. Sau đó, người thợ phải bỏ cánh, lấy gạo sen, rồi tỉ mỉ ướp với trà theo một tỉ lệ hoàn hảo. Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi thì cả mẻ trà có thể bị hỏng.
Lễ hội cúng biển Mỹ Long ở tỉnh Trà Vinh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội cúng biển Mỹ Long hay còn gọi là Lễ hội nghinh Ông có cách nay khoảng 300 năm diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 5 (âm lịch) tại miếu bà Chúa xứ, khóm 4, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Lễ hội này xuất phát từ tín ngưỡng thờ Đức Ông Nam Hải (cá Voi) của ngư dân. Lễ hội cúng biển Mỹ Long là lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân vùng đất Mỹ Long - Cầu Ngang, là điểm tựa tinh thần, nơi vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm và trao truyền đạo lý, tình cảm; nơi để mọi người thỉnh cầu, bày tỏ ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa vụ đầy ắp cá tôm, phúc lộc thọ mọi nhà.
Trong những ngày lễ hội, hàng chục ngàn khách thập phương từ các tỉnh lân cận đổ về trẩy hội và tham gia nhiều trò chơi dân gian như: đua thuyền buồm, đua thuyền chèo, dự khán xem hát bội - múa bóng rỗi, đi cà kheo... Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội cúng biển Mỹ Long vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội này. Lễ hội cúng biển Mỹ Long góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng. Đây là lễ hội truyền thống giàu tính nhân văn, sáng tạo đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của người dân.
8. Thưởng thức trái cây Việt Nam với Lễ hội trái cây Nam bộ (từ ngày 1 đến ngày 17/06/2018)
Lễ hội Trái cây Nam bộ lần thứ 14 – năm 2018, do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, và các đơn vị liên quan tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM. Lễ hội trái cây Nam bộ 2018 diễn ra từ ngày 1 đến 17-6 tại khu du lịch Suối Tiên. Trong ngày 1-6, Khu du lịch Suối Tiên thực hiện miễn phí 100% vé cổng cho trẻ em (cao từ 1m- 1,4m) đi cùng phụ huynh và giảm 50% vé cổng cho tất cả thiếu nhi tham quan theo đoàn thể, trường học.
9. Thưởng thức Bún chả Việt Nam - món ngon mùa hè được CNN bình chọn
Món bún chả của chúng ta lại tiếp tục chinh phục những phóng viên sành ăn của CNN để trở thành một trong những món ăn hấp dẫn nhất mùa hè. Trước khi trở nên nổi tiếng với bạn bè thế giới, nó đã là món để thương để nhớ cho rất nhiều những ai đã một lần ghé thăm thủ đô.
10. Giải nhiệt đầu hè với biển đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn hay còn gọi là cù lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 25 km. Đảo Lý Sơn gồm hai hòn đảo gọi là đảo Lớn và đảo Bé, cách nhau chừng 2 hải lý với tổng diện tích gần 10 km2. Với những bãi biển trong veo, hải sản tươi ngon..., Lý Sơn sẽ mang đến cho bạn một chuyến đi du lịch hè khó quên. Thời gian đẹp nhất để đến Lý Sơn là khoảng từ tháng 6 đến tháng 9. Thời tiết khá đẹp và có nắng, phù hợp cho việc đi biển.
Các điểm đến tuyệt đẹp mà bạn không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn là chùa Hang, cổng tò vò, hang Câu, đỉnh Thới Lới, chùa Đục và Quan Âm đài... Đến Lý Sơn, bạn có thể dễ dàng gặp những cánh đồng tỏi rộng lớn. Đây cũng chính là đặc sản nổi tiếng của hòn đảo này. Bạn có thể mua tỏi khô về làm quà.
----------------
Với những điều tuyệt vời của Việt Nam trong tháng 6 này bạn đã chọn sẽ đi đâu chưa? Hẹn gặp lại các bạn vào hành trình tháng 7 cùng Trung tâm Top Việt Nam.