Hạn hán và sa mạc hóa được xem là thảm họa của thiên nhiên, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới đời sống con người. Diễn biến ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua càng ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên trái đất.
Cộng đồng quốc tế từ lâu đã nhận thấy hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rất rộng, liên quan tới cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1977, Hội nghị về sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCOD) đã thông qua một kế hoạch hành động chống sa mạc hóa (PACD).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào năm 1991, thoái hóa đất vẫn gia tăng ở các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn.
Vì vậy, chống sa mạc hóa vẫn là một vấn đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc (UNCED) tại Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992. Hội nghị đã nhất trí thông qua một phương pháp tiếp cận đa ngành mới, tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở cấp cộng đồng, đặc biệt là thông qua Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD).
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa.
Ngày kỷ niệm này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa và khuyến khích thực hiện UNCCD tại các quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và sa mạc hóa, đặc biệt là ở châu Phi.
Sự kiện khác:
Kỷ niệm 78 năm Ngày quốc khánh của Iceland - Iceland Independence Day (17/06/1944 - 17/06/2022)
Theo Liên minh Kỷ lục Thế Giới (Worldkings.org)