Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện đứng đầu trong hệ thống thư viện công cộng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, với chức năng nhiệm vụ: Khai thác các tài liệu trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu của bạn đọc; Nhận lưu chiểu văn hóa phẩm được xuất bản ở Việt Nam theo luật Lưu chiểu; Tàng trữ và bảo quản tất cả các xuất bản phẩm của Việt Nam; Biên soạn và xuất bản Thư mục Quốc gia Việt Nam; Tổ chức phục vụ bạn đọc theo quy định. Ngoài ra Thư viện Quốc gia Việt Nam còn chịu trách nhiệm hợp tác trao đổi tài liệu với các thư viện trong và ngoài nước; Quản lý các dự án nghiên cứu về khoa học kĩ thuật thuộc lĩnh vực thông tin thư viện; Tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ trong ngành thư viện theo quy định của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Từ khi mới thành lập đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã trải qua 105 năm phát triển với những thành tựu vô cùng to lớn, trở thành nơi lưu giữ nguồn tri thức thực sự tin cậy, thân thiết của bạn đọc trong và ngoài nước, tạo dựng được uy tín và vị thế xứng đáng trong cộng đồng thư viện Việt Nam, khu vực và thế giới.
Hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã được trang bị một hệ thống trang thiết bị tương đối hiện đại và đồng bộ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu xã hội như: Các phòng phục vụ bạn đọc, phòng làm việc cán bộ, cảnh quan, kho tàng khang trang sạch, đẹp… hiện hạ tầng cơ sở đang được khai thác khá hiệu quả. Thư viện hiện có hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và bộ sưu tập số khoảng 8 triệu trang tài liệu do TVQG tạo lập với nhiều bộ sưu tập khác nhau.
Thư viện Quốc gia Việt Nam thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động ý nghĩa trong nước và hợp tác quốc tế. gần đây nhất là sự kiện phối hợp với Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Toà nhà Quốc hội Hungary”; tổ chức Trưng bày chuyên đề “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh”; Ngày Hội sách và Văn hoá đọc năm 2022; … Các sự kiện đều thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
(WOWTIMES) Những cột mốc đáng nhớ trong hành trình 105 năm của Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Ngày 29/11/1917: Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký Nghị định thành lập Nha lưu trữ và Thư viện trung ương Đông Dương, trụ sở tại phố Borgnis Debordes (ngày nay là 31 phố Tràng Thi, Hà Nội).

Ngày 1/9/1919: Thư viện Trung ương Đông Dương chính thức mở cửa phục vụ người đọc.
Năm 1935: Thư viện Trung ương Đông Dương được đổi tên là Thư viện Pierre Pasquier.
Năm 1945: Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Quốc gia Thư viện.
Năm 1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh lưu chiểu văn hoá phẩm Việt Nam. Sắc lệnh qui định các nhà xuất bản, nhà in phải nộp lưu chiểu cho Quốc gia Thư viện.
Năm 1954: Thư viện mang tên Thư viện Trung ương Hà Nội.
Năm 1958: Thư viện được chính thức mang tên Thư viện Quốc gia theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá.
Năm 1976: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 401-TTg về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Đây là văn bản nhà nước cao nhất xác định hoàn chỉnh các chức năng, nhiệm vụ của Thư viện, trong đó lần đầu tiên qui định nhiệm vụ thông tin khoa học văn hoá nghệ thuật cho Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Năm 1986: Thư viện được cung cấp một máy tính Ôlivety theo chương trình hợp tác với Thư viện Quốc gia Ôxtrâylia, đánh dấu việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện.
Năm 1987: Thư viện bắt đầu tạo lập các Cơ sở dữ liệu, biên mục trên máy tính và lần đầu tiên việc biên soạn Thư mục quốc gia Việt Nam được thực hiện.
Năm 1993: Thư viện đưa các CSDL ra phục vụ bạn đọc tại phòng đọc. Lần đầu tiên người đọc có thể tra tìm sách trên máy tính.
Năm 1994: Thư viện tạo lập mạng diện rộng, kết nối Thư viện Quốc gia Việt Nam với các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 1995: Thành lập Phòng Máy tính – nay là phòng Tin học, Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong Thư viện Quốc gia Việt Nam và trong hệ thống thư viện công cộng trong cả nước được đẩy mạnh.
Năm 1996 – 2002: Thư viện thực hiện cải tạo và xây dựng mở rộng thêm các tòa nhà mới.
Năm 2000: Thư viện được gia nhập IFLA (International Federation of Library Association and Institutions - Hiệp hội thư viện quốc tế), CDNL(Conference of Directors of National Libraries - Hội nghị Giám đốc các Thư viện Quốc gia), CDNL-AO (Its Regional Section For Asia and Oceania - Hội nghị Giám đốc các TVQG khu vực châu Á, châu Đại Dương), gia nhập CONSAL (Congress Southeast Asian Librarians - Đại hội cán bộ thư viện các quốc gia Đông Nam Á), . mở ra mối quan hệ chuyên môn với cộng đồng thư viện thế giới.
Năm 2000: Uỷ ban thường vụ quốc hội thông qua Pháp lệnh Thư viện trong đó xác định TVQG là thư viện trung tâm của cả nước.
Năm 2008: Chính thức Khai trương thư viện điện tử tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Năm 2009: Dưới sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức thành công Đại hội tổng thể CONSAL 14 tại Hà Nội ; Khai chương bộ sưu tập số Hán Nôm.
Năm 2011: Ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với Thư viện Quốc gia Pháp, đồng thời ra mắt website bằng 3 ngôn ngữ: Việt - Anh - Pháp; Được Nhà nước, trực tiếp là Bộ VHTTDL phê duyệt Dự án Cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia Việt Nam theo mô hình Thư viện Truyền thống, Thư viện hiện đại, Thư viện số; Tăng cường quảng bá hoạt động thư viện Việt Nam và trao đổi thông tin, nghiệp vụ với các thư viện trong nước và quốc tế.
Năm 2013: Tổ chức thành công Hội nghị thường niên mạng lưới số Pháp ngữ (RFN); Thư viện Quốc gia là thành viên Ủy ban quốc gia Việt Nam Chương trình ”Ký ức thế giới”; thực hiện thành công Dự án Tăng cường năng lực số và bảo quản số; Hoàn thành nội dung thứ nhất Dự án TCVN: Hoạt động thư viện - Thuật ngữ và định nghĩa - Phần I : Những thuật ngữ cơ bản; xuất bản Khung phân loại thập phân Dewey - Ấn bản 23 - bản dịch: 04 tập và bản dịch DDC - Nguyên tắc và ứng dụng (Deway Decimal Classification Edition 23 - DDC 23).
Năm 2014: Quyết định 123/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Thư viện Quốc gia Việt Nam là một trong 41 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Năm 2015: Hoàn thành nội dung thứ ba Dự án xây dựng TCVN: Hoạt động thư viện - Thuật ngữ và định nghĩa về Tổ chức kho và Bảo quản tài liệu. Ký kết 03 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam với Trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản, Thư viện và Lưu trữ Cộng hoà Hồi giáo Iran, Thư viện và Lưu trữ Quốc gia Ai Cập.
Năm 2016: Triển khai “Thư viện thông minh 2.0” với “Không gian chia sẻ S-hub”- một mô hình dịch vụ thư viện đổi mới, không chỉ phục vụ việc đọc mà còn là nơi trao đổi tri thức, thảo luận, làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng sáng tạo trong không gian tiện nghi hiện đại và thiết bị công nghệ cao.
Năm 2019: Hoàn thành nội dung Dự án xây dựng Bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN: Thông tin và tư liệu: Nhận dạng bằng tần số radio (RFID) trong thư viện;
Năm 2021: Khai trương Cổng thông tin Pháp - Việt, Thư viện số Hoa Phượng vĩ; Tham dự các hội nghị quốc tế theo hình thức trực tuyến.
Những thành tích đạt được của Thư viện Quốc gia Việt Nam
Năm 1967: Thư viện vinh dự được trao tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 1982: Thư viện vinh dự được trao tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 1985: Thư viện vinh dự được trao tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2007: Thư viện vinh dự được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Năm 2012: Thư viện vinh dự được trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất.
|
Năm 2016- 2020: Thư viện vinh dự được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020.
Năm 2016- 2021: Đảng bộ Thư viện Quốc gia Việt Nam được nhận Bằng khen của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương cho tập thể xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021
Năm 2017: Thư viện vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.