Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện Quân y, ghép ruột là một trong những kỹ thuật ghép tạng rất khó. "Cơ thể người có 6 tạng quan trọng nếu bị suy mà không ghép thì bệnh nhân sẽ tử vong đó là tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột. Giờ đây, sau nhiều năm chuẩn bị, các chuyên gia của Việt Nam đã chinh phục được kỹ thuật ghép ruột".
Hai bệnh nhân được ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đều là những trường hợp ruột đã mất hoàn toàn chức năng năng tiêu hóa và phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Nếu không được ghép ruột, các bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến nuôi dưỡng tĩnh mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép ruột đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: BVCC)
Ca phẫu thuật ghép ruột đặt ra cho các y, bác sĩ nhiều thử thách lớn. Trong đó, khó khăn nhất là việc lựa chọn cách ghép, đặc biệt là trong việc nối động mạch, tĩnh mạch từ ruột ghép vào cơ thể bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm sao để mạch đó không bị xoắn lại, nhằm bảo đảm khả năng nuôi dưỡng ruột ghép, đây là điều rất khó.
Quá trình thực hiện ca ghéo ruột. (Ảnh: BVCC)
Học viện Quân y đã tiến hành ca ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103. Ngày 27/10, gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản), thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân đầu tiên. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân.
2 bệnh nhân sau ghép ruột đều đã ổn định, tiến triển tốt. (Ảnh: BVCC)
Với hai ca ghép ngày 27 – 28/10, Bệnh viện Quân Y 103 trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột thành công, tương tự năm tạng trước đó (thận, tim, gan, tụy, phổi). Ngày 31/10/2020, Học viện Quân y tổ chức họp báo công bố thành công ca ghép ruột từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam. Với thành công này, Việt Nam là nước thứ 20 ghi danh vào danh sách các nước thực hiện kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Đây là thành công lớn trong sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam và mở ra cơ hội tươi sáng cho những bệnh nhân đang điều trị.