(WOWTIMES- Ngày kỷ niệm) Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn: Người điệp viên hoàn hảo của cách mạng Việt Nam (12/9/1927- 12/9/2022)

12-09-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Ngày 12/9/1927 là ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Phạm Văn Thành là một Thiếu tướng tình báo mẫu mực, hoàn hảo của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Phạm Văn Thành là một Thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với các biệt danh X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung... Ông từng là nhà báo và phóng viên cho các tờ Reuters, tạp chí TIME, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor... Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15/01/1976.

 

 

Chân dung Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

 

[Wowtimes] Cuộc đời gắn liền với lịch sử dân tộc của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.

Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Quê gốc của ông ở tại Hải Dương. Gia đình ông chuyển đến sống tại Huế khi cụ nội của ông là nghệ nhân kim hoàn được gọi vào Kinh đô để chế tác đồ vàng bạc cho triều đình. Thời niên thiếu, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn, sau đó chuyển về Cần Thơ theo học tại trường Collège de Can Tho.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông bỏ học và tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đó tham gia học khóa huấn luyện của Việt Minh về công tác tuyên truyền.

Năm 1947, ông trở về Sài Gòn để chăm sóc người cha đang bệnh nặng. Tại đây, ông tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình của học sinh sinh viên Sài Gòn, đầu tiên là chống Pháp rồi sau là chống Mỹ, tiêu biểu là tham gia vào phong trào Trần Văn Ơn. Cũng trong thời gian này, ông làm Thư ký cho Công ty Dầu lửa Caltex đến năm 1950.

Năm 1950, ông vào làm ở Sở Thuế quan Sài Gòn. Thực chất lúc này ông đã được Việt Minh giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam và từ Việt Nam về Pháp. Đây là những bước đầu hoạt động tình báo đầu tiên của ông.

Năm 1952, ông ra Chiến khu D và được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ trực tiếp giao nhiệm vụ tình báo chiến lược.

Năm 1953 tại rạch Cái Bát, Cà Mau trong rừng U Minh, dưới sự chủ tọa của đồng chí Lê Đức Thọ (lúc này đang là Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam), Phạm Xuân Ẩn được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 

Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

 

Trong công tác tình báo, để có thể đi khắp nơi và tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất, tháng 10 năm 1957, theo sự chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương), Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học ngành báo chí tại Quận Cam, California, trong hai năm 1957 - 1959, ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được cử sang học báo chí tại quận Cam.

Phạm Xuân Ẩn là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng truyền thông nước ngoài với lương rất cao thời đó, 750 đô la một tháng. Ông hành nghề báo chí và trở thành ký giả thực sự có tên tuổi, nhiều tin tức ông viết cho báo chí trở thành những bài “đinh” được rất nhiều người đón nhận. Chỉ có điều khác lạ là ông còn trở thành một vị Thiếu tướng, một vị Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ khi trở về nước cho đến năm 1975, với vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA… Phạm Xuân Ẩn đã có được nhiều nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo.

 

 

 (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

 

Khi Mỹ thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cách mạng ở miền Nam đã phải chịu nhiều thiệt hại vì những trận càn được hỗ trợ từ trực thăng và xe bọc thép, Phạm Xuân Ẩn đã gửi các bản báo cáo và các tài liệu chiến thuật của Mỹ - Diệm cho cách mạng, trong đó có những bản tài liệu nguyên bản về Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” như: Tài liệu McGarr “Technics and Tactics of Counter Insurgency”; nguyên bản kế hoạch kế hoạch Staley-Taylor, tài liệu Harkins; tài liệu về Ấp chiến lược… Nhờ đó mà quân giải phóng có sự chuẩn bị tốt nhất để chống lại các chiến thuật, chiến lược của Mỹ.

Ngày 2/1/1963, bộ đội chủ lực của ta và du kích ở Ấp Bắc (tỉnh Tiền Giang) đánh tan trận càn với quy mô 1.000 quân dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, được sự hỗ trợ của 15 máy bay trực thăng, 13 xe thiết giáp... Sau trận này, Trung ương Cục miền Nam đã phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở miền Nam. Ông Phạm Xuân Ẩn được nhận Huân chương Chiến công đầu tiên.

 

 

Những cựu cán bộ tình báo (từ trái sang): Vũ Chính, Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trần Hiệu, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức (Ba Quốc). (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

 

Trong sự nghiệp tình báo lừng lẫy của mình, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, các thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ ngụy trong đó có những thông tin vô cùng quan trọng, đặc biệt là những phân tích, nhận định, đánh giá của bản thân, góp phần rất lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của Phạm Xuân Ẩn gửi đi sống động và vô cùng tỉ mỉ.

Ngày 30/4/1975, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nhà báo chứng kiến sự kiện xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đến thời điểm đó cũng như một vài tháng sau, các đồng nghiệp phóng viên và những người thuộc chính quyền cũ cũng như chính quyền mới vẫn chưa biết ông là một nhà tình báo phục v��� cách mạng.

Ngày 15/01/1976, Phạm Xuân Ẩn được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Lúc này nhiều người mới biết ông là một tình báo viên thời chiến.

Tháng 8/1978, ông ra Hà Nội dự một khóa học tập chính trị dành cho cán bộ cao cấp trong vòng 10 tháng.

Năm 1990, Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng cấp Thiếu tướng.

Năm 2002, ông về hưu, nhưng cho tới sáu tháng trước khi qua đời, Phạm Xuân Ẩn vẫn đóng vai trò như một cộng tác viên của tình báo Việt Nam. Ông tham gia vào việc bình luận và đánh giá các tài liệu của Tổng cục Tình báo (Tổng cục 2, trực thuộc Bộ Quốc phòng).

Ngày 20/9/2006, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời tại Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh, trước sự tiếc thương toàn thể người dân Việt Nam và rất nhiều bạn bè quốc tế, ông hưởng thọ 80 tuổi.

 

 

 

Quyển sách nổi tiếng về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn của tác giả Larry Berman

 

Ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý trong đó có: Huân chương Độc Lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất; 2 hạng Nhì; 1 hạng Ba); Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2
DesktopMobile
FacebookGoogle+
FacebookGoogle+
FacebookGoogle+
FacebookGoogle+
FacebookGoogle+