(kyluc.vn) “Niệm sư từ” hay còn gọi là "Tiên sư miếu" là 1 ngôi miếu nhỏ, trong đó có bàn thờ, bài vị và ảnh chân dung những người thầy từng dạy ở địa phương nay đã từ trần. Miền Nam hiện nay rất ít nơi có xây dựng Niệm sư từ. Nhằm phát huy nét đẹp truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của người Việt, tỉnh An Giang đã trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng tại mỗi đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố có một công trình Niệm sư từ.
Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo mà trở thành người có đức, có nhân, có tài đứng ra giúp nước. Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù khoa học - kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng thầy giáo vẫn là người truyền lửa đam mê, định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi, khôn lớn. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam tự hào đã sáng tạo và xây đắp nên một nền văn hóa đặc sắc với nhiều truyền thống tốt đẹp, và một trong những nét tiêu biểu ấy là tinh thần “tôn sư trọng đạo”.
.png)
Niệm sư từ không chỉ là nơi thắp sáng niềm tin vào con đường tri thức, mà còn là nơi khơi dậy đạo lý về “Uống nước nhớ nguồn”, những phẩm hạnh tốt đẹp mà mọi người mong muốn các thế hệ học sinh kế thừa và phát huy. Nơi đây được xem như một biểu tượng của sự kính trọng, lòng biết ơn đối với những thế hệ thầy cô đi trước - những người đã dành trọn tâm huyết và tình yêu thương để truyền đạt kiến thức và đạo lý cho các thế hệ học sinh.
ĐỊA PHƯƠNG ĐẦU TIÊN HOÀN THÀNH XÂY DỰNG TẠI MỖI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ CÓ MỘT CÔNG TRÌNH NIỆM SƯ TỪ
Bắt đầu khởi công từ năm năm 1943, công trình Niệm sư từ đầu tiên của tỉnh An Giang được xây dựng trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu và đến cuối tháng 11/2024, công trình Niệm sư từ thứ 11 cũng là công trình cuối cùng trên địa bàn tỉnh An Giang (mỗi huyện xây dựng 1 công trình) đã hoàn thành tại huyện Phú Tân, đánh dấu cột mốc mỗi đơn vị hành chính cấp huyện tại tỉnh đều đã có ít nhất một Niệm sư từ.

Tỉnh An Giang hiện có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 02 thành phố (Long Xuyên và Châu Đốc), 01 thị xã (Tân Châu), cùng 07 huyện trực thuộc (Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Phú, An Phú và Tri Tôn) và 08 huyện (An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân). Các công trình Niệm sư từ được tiến hành khởi công và hoàn thành lần lượt tại các trường học thuộc các đơn vị hành chính trong tỉnh An Giang.
Niệm sư từ đầu tiên được xây dựng vào năm 1943 ở TP Long Xuyên tại góc đường Đinh Tiên Hoàng tiếp giáp với dốc cầu Hoàng Diệu. Công trình này ban đầu được xây dựng trên diện tích khoảng 25m², cao khoảng 4m; dốc mái thẳng có cổ mái, lợp ngói Phú Hữu hai tầng chồng lên nhau. Nóc gồm bốn mái hình tam giác hợp thành đỉnh nhọn, phần dưới là bốn mái hình thang; tường xây gạch tô (trát) xi măng, nền lát gạch tàu, vòng ngoài có lan can bao quanh; cửa hướng về phía đông (song song với rạch Long Xuyên). Đến năm 1948, Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu được thành lập với tên gọi ban đầu là Collège de Long Xuyên (đến năm 1952 đổi tên thành Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu). Từ đó, Niệm sư từ nằm trong khuôn viên nhà trường và được các thế hệ thầy cô, học sinh nơi đây chăm sóc, hương khói và gìn giữ suốt nhiều thập kỷ qua. Qua thời gian, kiến trúc của Niệm sư từ dần xuống cấp và được nhà trường tổ chức trùng tu lại, đến đầu năm 2010, công trình mới được chính thức khánh thành, tiếp nối giá trị truyền thống quý báu của ngôi trường.
.jpg)
Niệm sư từ đầu tiên tại An Giang được xây dựng vào năm 1943 (ảnh bên trái) tại thành phố Long Xuyên, và đến năm 2010, công trình được xây dựng lại, đặt trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (ảnh bên phải) (Ảnh: Internet)
Năm 1960, Niệm sư từ ở TP Châu Đốc (đang đặt trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa) cũng được hình thành và đến năm 2002 Niệm sư từ tại nơi đây được trùng tu lại. Tiếp theo sau vào năm 2011, Niệm sư từ huyện Thoại Sơn được đặt tại trong khuôn viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Thoại hoàn thành, công trình được khởi công vào ngày 10/9/2011 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 20/11/2011 với tổng diện tích là 53,98m² (dài 7m55, ngang 7m15).
Đến năm 2012, công trình Niệm sư từ huyện Châu Thành nằm trong khuôn viên Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng vào ngày 14/9/2012 và hoàn thành vào ngày 20/11/2012 với diện tích 54,76m². Hai năm sau, Niệm sư từ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tọa lạc tại Trường trung học cơ Bình Long cũng được đưa vào hoạt động ngày 16/11/2014 với diện tích xây dựng là 56,4m², trở thành công trình thứ 5 trên địa bàn tỉnh An Giang.
.

4 công trình niệm sư từ được xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang từ năm 1990 - 2014 (Ảnh: ĐVCC)
Tiếp nối truyền thống Tôn sư trọng đạo, ngày 18/11/2022 sau gần 3 tháng thi công, công trình Niệm sư từ huyện Tri Tôn được đặt tại trường THPT Nguyễn Trung Trực, đã hoàn thành và làm Lễ khai hương nhân kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 với tổng diện tích xây dựng là 16m².

Trong năm 2023 tại huyện Chợ Mới và thị xã Tịnh Biên cũng đã hoàn thành và tổ chức Lễ khai hương tại 2 công trình Niệm sư từ tiếp theo trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó, công trình Niệm sư từ thị xã Tịnh Biên do Hội Khuyến học thị xã Tịnh Biên làm chủ đầu tư, được xây dựng trong khoảng thời gian 3 tháng (khởi công ngày 28/7/2023 và hoàn thành ngày 26/10/2023), bắt đầu đưa vào sử dụng chính thức từ buổi Lễ khai hương tổ chức đúng dịp Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023. Công trình được xây dựng ngay trong khuôn viên trường THPT Tịnh Biên (khóm Sơn Đông, phường Nhà Bàng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - bên tay phải hướng nhìn từ cổng vào) với tổng diện tích khoảng 280m² với diện tích sàn xây dựng nhà Tiên sư (nơi thờ cúng) là 60,48m². Đến ngày 09/11/2023, Niệm sư từ huyện Chợ Mới được đặt tại Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn được hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích 56,25m².

Niệm sư từ huyện Chợ Mới là công trình thứ 6 trong chuỗi các Niệm sư từ trên địa bàn tỉnh An Giang và đánh dấu cột mốc hoàn thành một nửa chặng đường của toàn dự án (Ảnh: ĐVCC)

“Niệm sư từ” TX. Tịnh Biên phụng thờ cụ Chu Văn An, được xem là “Vạn thế sư biểu” của nền giáo dục Việt Nam (Ảnh: ĐVCC)
Tiếp nối hoạt động đầy ý nghĩa ấy, ngày 12/8/2024, huyện An Phú tổ chức khánh thành công trình Niệm sư từ tại Trường THCS An Phú, với diện tích 68m², được xây dựng kiên cố bằng kết cấu bê tông cốt thép. Công trình có tổng kinh phí đầu tư hơn 700 triệu đồng (sau khi được điều chỉnh mức đầu tư), với nguồn kinh phí hoàn toàn từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, quý thầy cô giáo và cựu học sinh Trường THPT An Phú (trước đây).
.png)
Khánh thành công trình Niệm sư từ huyện An Phú (Ảnh: Internet)
.jpg)
Niệm sư từ huyện An Phú có diện tích 68m2, do các nhà hảo tâm, giáo viên, cựu học sinh Trường THPT An Phú (cũ) đóng góp (Ảnh: ĐVCC)
Đến tháng 11/2024, huyện Phú Tân cũng hoàn thành và khánh thành Niệm sư từ tại Trường THPT Chu Văn An với tổng kinh phí xây dựng hơn 700 triệu đồng, do các nhà hảo tâm và lãnh đạo huyện tâm huyết đóng góp, vận động. Công trình có diện tích xây dựng 110m², bao gồm không gian nội thất trang nghiêm cùng khuôn viên sân vườn được bố trí hoa kiểng tươi đẹp, tạo nên không gian yên bình, trang trọng cho các hoạt động tưởng niệm và tri ân. Đặc biệt, đây cũng là công trình Niệm sư từ thứ 11 trên địa bàn tỉnh An Giang, đánh dấu cột mốc mỗi đơn vị hành chính cấp huyện tại tỉnh đều đã có ít nhất một Niệm sư từ.
.png)
Niệm sư từ huyện Phú Tân tổ chức Lễ khai hương vào ngày 27/11/2024, đây cũng là công trình cuối cùng trong mô hình "Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố có một công trình Niệm sư từ" (Ảnh: ĐVCC)
Vào những dịp trọng đại của ngành giáo dục, đặc biệt là các ngày lễ kỷ niệm và tri ân thầy cô, công trình Niệm sư từ trở thành nơi linh thiêng để cán bộ, nhân dân và các thế hệ học sinh gửi gắm lòng biết ơn, niềm tin và kỳ vọng vào sự nghiệp trồng người. Hàng năm, nơi đây trở thành nơi để những thế hệ học trò tự hào báo công, thể hiện sự tiếp nối xứng đáng với di sản quý báu của bậc tiền nhân, góp phần viết tiếp những trang sử vàng cho quê hương trên hành trình phát triển giáo dục và đào tạo.
Sau thời gian xem xét và thẩm định hồ sơ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức công nhận Kỷ lục Việt Nam đến Sở giáo dục tỉnh An Giang với nội dung: Tỉnh An Giang: Địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công mô hình "Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố có một công trình Niệm sư từ", để góp phần giáo dục, phát huy truyền thống 'Tôn sư trọng đạo", "Uống nước nhớ nguồn" (Từ năm 1943 đến năm 2024, với 11 công trình tại 11 đơn vị hành chính của tỉnh). Bằng xác lập được trao đến đại diện Sở Giáo dục và Đào tao tỉnh An Giang vào ngày 30/5/2025 trong khuôn khổ Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào Tạo giai đoạn 2020 - 2025 - Công nhận Kỷ lục Việt Nam và Ra mắt Trục dữ kiệu ngành GDĐT tại Hội trường Tỉnh An Giang.

Toàn cảnh sự kiện (Ảnh: VietKings)
Tham dự sự kiện về phía Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có sự hiện diện của: Ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam và bà Trần Thu Phương - Phó Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và lãnh đạo địa phương có mặt tại sự kiện (Ảnh: VietKings)
Bà Trần Thu Phương - Phó Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam (Ảnh: VietKings)

Ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam và bà Trần Thu Phương trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến đại diện Sở Giáo dục và Đào tao tỉnh An Giang (Ảnh: VietKings)

Ông Lê Văn Nưng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang; ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng hoa và quà cho Ban Lãnh đạo Hội Kỷ lục gia Việt Nam (Ảnh: ĐVCC)

Ngoài ra, trong chương trình hôm nay Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Chuyển đổi số - chi nhánh Tổng công ty Công nghệ viễn thông Toàn cầu (GTEL) xây dựng và chính thức ra mắt Trục dữ liệu Ngành Giáo dục An Giang (Ảnh: VietKings)
Sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam cho chuỗi 11 công trình Niệm sư từ là minh chứng rõ nét cho đạo lý “tôn sư trọng đạo” lâu đời, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục đặc sắc của vùng đất An Giang. Các công trình Niệm sư từ đóng vai trò như một địa chỉ giáo dục truyền thống ý nghĩa, giúp thế hệ học sinh hiểu và trân trọng đạo nghĩa thầy trò. Đây cũng là biểu tượng tri ân đầy ý nghĩa của các ngành, tổ chức và cộng đồng đối với những nhà giáo đã cống hiến trọn tâm huyết, trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp trồng người.
Mỹ Hằng - Kyluc.vn