[WOWTIMES - VIETKINGS] Chùa Phổ Minh (1262 - 2025): Kiến trúc lịch sử gần 800 năm - Top 100 di tích kiến trúc nghệ thuật trăm tuổi tại Việt Nam 2025 (P.98)

09-04-2025

(WOWTIMES - VIETKINGS) Chùa Phổ Minh là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng tiêu biểu của miền Bắc Việt Nam, với bề dày lịch sử gần 800 năm. Ngôi chùa nằm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là một phần không thể tách rời của Quần thể Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần.

 

 

 

Toàn cảnh khuôn viên chùa Phổ Minh nhìn từ trên cao

 

Chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự - 普明寺) còn được gọi là chùa Tháp. Chùa thờ tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, Pháp Loa và Huyền Quang). Căn cứ vào văn bia sắc phong cũng như các thư tịch cổ, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, đến năm 1262 nhà Trần mở rộng với quy mô bề thế hơn. Chùa được coi là Đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần.

Chùa Phổ Minh từng là nơi tu hành, tụng niệm của nhiều vị vua và quan lại quý tộc nhà Trần. Là di tích có danh tiếng trong tập bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1470, chùa được coi là đại danh lam của nước Đại Việt. Đây còn là một trong những nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang. Sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lị của vua cha vào hòm đá quý, đưa vào trong tháp Phổ Minh ở trước cửa chùa.  Từ năm 1533 – 1592, chùa tiếp tục được trùng tu. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành và phát tâm tu sửa cảnh chùa. Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa Phổ Minh vẫn giữ được kiến trúc “nội công, ngoại quốc”. 

 

 

 

 

Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm: Tiền đường, tam quan, thiêu hương, hậu điện, Thượng điện, nhà bia, nhà Tổ, nhà Mẫu, hành lang, ao sen theo kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”. 

 

 

 

Cổng Tam quan với thiết kế "hai tầng, bốn mái" đón du khách bằng hình ảnh đôi sóc đá thời Trần được chạm khắc tinh xảo trên các bậc thềm đá xanh

 

Bước vào cổng tam quan sẽ bắt gặp hai nhà bia nằm đối diện nhau, được xây theo lối kiến trúc 2 tầng 8 mái độc đáo. Nhà bia bên trái khắc chữ “Duy Tân 1” (1907), còn nhà bia bên phải ghi dấu năm “Cảnh Trị 6” (1668). Những bia đá này không chỉ là di tích lịch sử mà còn ghi lại nhiều câu chuyện về chùa Phổ Minh và vùng đất Tức Mặc. Sau nhà bia là đến Khu vực tiền đường với tổng cộng 9 gian. Gian giữa nổi bật với cánh cửa gỗ lim lớn, được chạm khắc hoa lá, sóng nước và hình đôi rồng uyển chuyển. Những họa tiết này không chỉ thể hiện tài năng của nghệ nhân xưa mà còn mang ý nghĩa về sự hòa hợp giữa đất trời và con người.

 

 

 

Hai nhà bia nằm đối diện nhau 

 

 

 

 

 

 

Ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ. Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa.

 

 

 

Các công trình kiến trúc và chạm khắc trong chùa còn giữ được nhiều những dấu ấn của thời Trần với những chạm khắc tinh xảo trên cửa, tam quan, bậc tiền đường…..

 

Ngay sau tiền đường là khu vực Thiêu hương gồm 3 gian, được xây dựng theo hình chữ “Đinh”, tạo sự vững chãi và liên kết với các khu vực khác. Phía sau Thượng điện là Hậu điện – nơi thờ Tổ và các vị cao Tăng của phái thiền Trúc Lâm. Trong hậu điện, bức tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được đặt trong một khám thờ hình chữ nhật, thể hiện sự trang nghiêm và tôn kính đối với vị vua khai sáng Thiền phái Trúc Lâm. Điện thờ còn có tượng Pháp Loa và Huyền Quang - hai vị tổ sư của phái Thiền Trúc Lâm cùng với pho tượng công chúa Mạc Ngọc Lâm - người có công lớn trong việc tu sửa chùa dưới thời nhà Mạc. Cả 3 tượng thờ này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 03/01/2023, khu vực này được nối liền với tiền đường qua những hành lang dài bao quanh chùa, tạo nên sự liên kết chặt chẽ và mở ra không gian rộng rãi cho du khách tham quan. 

 

 

 

Chính giữa thượng điện là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông dài 1,6m, tạc liền khối, tư thế nhập Niết bàn.

 

 

 

Phía bên trái tượng Trần Nhân Tông là tượng Huyền Quang mắt nhìn thẳng, miệng mỉm cười. Bên phải là tượng Pháp Loa ngồi thiền

 

Công trình kiến trúc có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo của chùa là tháp Phổ Minh. Tháp được xây dựng vào năm 1305, dưới thời vua Trần Anh Tông, là bảo vật tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần. Đây là ngôi chùa có tháp bằng gạch lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam cho đến ngày nay. Theo sử sách ghi lại, vào năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong - Yên Tử (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ Anh Tông). Vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lị của ngài vào hòm đá quý, đưa vào trong tháp Phổ Minh ở trước cửa chùa.

 

 

 

Cùng với tháp Huệ Quang ở Yên Tử và tháp Bỉnh Sơn ở Vĩnh Phúc, tháp Phổ Minh được coi là một trong ba ngọn tháp tiêu biểu từ thời Trần còn tồn tại đến ngày nay nhưng nổi bật hơn cả về quy mô và giá trị nghệ thuật

 

Tháp Phổ Minh có 14 tầng, cao 19,51m. Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5m. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng. Phần đế tháp là một kiệu bát cống bằng đá xanh với mỗi cạnh dài 5,2m nâng đỡ các tầng tháp. Các tầng trên được xây bằng gạch đỏ, trên mỗi viên gạch khắc dòng chữ "Hưng – Long thập tam niên" cùng họa tiết rồng nổi đặc trưng của thời Trần. Tuy nhiên, nhiều hoa văn đã bị mất đi sau khi được tô xi măng trong quá trình trùng tu vào thế kỷ XX. Phần đỉnh của tháp là một khối đất nung già được tạo hình như một đóa sen chưa nở, mang biểu tượng của sự thanh tịnh trong Phật giáo.

 

 

Ngọn tháp cao khoảng 20m, gồm 14 tầng hình vuông, mỗi tầng đều có 4 cửa vòm cuốn hình tò vò

 

 

 

Đỉnh tháp trong như đóa sen chưa nở

 
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Phổ Minh còn gây ấn tượng với du khách bởi những cây Muỗm di sản hơn 300 năm tuổi. Những tán cây xanh to lớn, cành vươn dài phủ bóng mát khắp khoảng sân, xua tan đi cái nắng oi ả mùa hè.
 

 

 

 

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.

 

 

 

 

Từ những đường nét kiến trúc cổ kính đến từng tấm bia đá, pho tượng nhuốm màu thời gian, chùa Phổ Minh không chỉ kể lại câu chuyện về một triều đại hưng thịnh, mà còn thắp sáng tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong dòng chảy gần 800 năm, ngôi chùa không đơn thuần là một di tích, mà là biểu tượng sống động của niềm tự hào Đông Á, của văn hóa và bản sắc Việt. 

 

THÀNH TỰU KỶ LỤC:

Ngày 12/12/2007, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đến Chùa Phổ Minh (Nam Định) với nội dung "Ngôi chùa có ngôi tháp cổ bằng gạch xưa nhất Việt Nam

 
 

----------------------------------------------------------------------------

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS)

Văn phòng: 01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (0283) 8 477 477

Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555

 

 

Mỹ Hằng - WowTimes (Tổng hợp và biên tập, ảnh: Internet)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2
DesktopMobile