[WOWTIMES - VIETKINGS] Làng rèn Phúc Sen: Tinh hoa nghề rèn của người Nùng An ở Cao Bằng - Top 100 làng nghề thủ công truyền thống trăm tuổi tại Việt Nam 2025 (P.54)

12-06-2025

(WOWTIMES - VIETKINGS) Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng.

 

Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

 

 

 

Xã Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.
 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Tương truyền, nghề rèn nơi đây đã có từ thế kỉ thứ XI, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống xâm lược. Sau chiến tranh, người dân dần chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Đến nay, xã Phúc Sen sau khi sáp nhập có 11 xóm với 1.010 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 200 hộ đang hoạt động sản xuất nghề rèn. Vào thời điểm nghề truyền thống phồn thịnh nhất (chưa sát nhập) thì có đến hơn nửa xóm rèn dao, búa. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường làng rèn Phúc Sen phát triển đa dạng, bao gồm các loại cuốc, thuổng, cày, dao, kéo,… đáp ứng gần như đầy đủ mọi nhu cầu của thị trường. Sản phẩm của làng nghề được cung cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Nội, Tây Nguyên và các huyện biên giới tỉnh Quảng Tây. 

 

 

 

Nghề rèn đã gắn liền với người dân nơi đây hàng trăm năm qua

 

QUY TRÌNH CHẾ TÁC SẢN PHẨM TẠI LÀNG RÈN PHÚC SEN

Theo người dân nơi đây, để có được một sản phẩm hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.

 

 

 

 

 

 

Mài sắc lưỡi dao trước khi vào công đoạn tôi thép.
 

Trong đó, tôi thép và ram thép là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Khi tôi thép, người thợ chỉ nhúng vật đang rèn xuống nước chỉ 1 đến 2 giây, nếu nhúng quá lâu, thép sẽ bị hỏng. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Tôi thép như thế nào, đó là kỹ thuật gia truyền của từng dòng họ, từng gia đình và chỉ truyền cho con trai, người ngoài không thể biết. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn. Chỉ những người thợ giỏi và lành nghề, mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội. Điểm đặc biệt nữa, là mỗi lò rèn trong nhà, đàn ông làm thợ chính để trui, dập, tạo dáng còn thợ phụ là già trẻ lớn bé làm công việc đẩy ống thổi, mài dao, đánh bóng...

 

 

 

 

 

 

Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, vì thế thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Theo những người làm nghề, dùng than củi để tôi thường dễ làm và cho ra màu thép đặc trưng.
 

 

 

Đóng cán dao hoàn thiện sản phẩm

 

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuôn... Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.

Ngày 23/01/2025 nhãn hiệu chứng nhận “Làng nghề truyền thống rèn Phúc Sen” đã được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và công bố trên trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, sản phẩm rèn của Phúc Sen được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chọn tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, phiên chợ hàng Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm “Dao Phúc Sen” đạt tiểu chuẩn OCOP hạng 3 sao do Hợp tác xã Long Chiến, Hợp tác xã Minh Tuấn và nhiều xưởng rèn không ngừng phát huy. 

Thêm vào đó, Nghề rèn của người Nùng An cũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.

 

 

 

Ngoài những sản phẩm dao rèn truyền thống, hiện nay làng Phúc Sen còn làm ra đa dạng hình dáng của dao, rìu và nhiều sản phẩm khác 

 

Người Nùng ở Phúc Sen quan niệm rằng, theo nghề rèn không chỉ đơn thuần là một cách để mưu sinh, tạo thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và địa phương, mà còn là một cách để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đã được ông cha truyền lại từ bao đời nay. Mỗi chiếc dao, cái cuốc, hay lưỡi rìu được rèn ra không chỉ mang giá trị sử dụng, mà còn là kết tinh của tinh thần lao động cần cù, sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, và cả những câu chuyện, truyền thuyết gắn liền với lịch sử của làng nghề. Đối với người dân nơi đây, tiếng búa rèn không chỉ là âm thanh lao động, mà còn là nhịp điệu văn hóa, là hơi thở của truyền thống sống động giữa đời thường. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy nghề rèn truyền thống không chỉ đơn thuần là giữ lại một nghề thủ công, mà còn là giữ gìn linh hồn văn hóa của cộng đồng, góp phần khẳng định bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển. 

 

----------------------------------------------------------------------------

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS)

Địa chỉ: 01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (0283) 8 477 477

Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555

 

 

Mỹ Hằng - WowTimes (Tổng hợp và biên tập, ảnh: Internet)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2
DesktopMobile