(WOWTIMES - VIETKINGS) Đồng bào Chơ Ro ngày nay còn lưu giữ nhiều phong tục, lễ hội độc đáo đậm đà bản sắc. Trong đó, lễ Sayangva là một trong hai lễ hội lớn nhất trong năm của họ. Lễ hội này không chỉ bày tỏ lòng biết ơn thiên nhiên mà còn là nơi kết nối tình người.
Người Chơ Ro sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo thống kê năm 2019, tổng dân số người Chơ Ro là 29.520 người, cư trú tại 36 trên tổng số 63 tỉnh và thành phố. Trong đó, Đồng Nai là địa phương có số lượng người Chơ Ro sinh sống nhiều nhất cả nước, với 16.738 người (chiếm 56,70%).

Đồng Nai là khu vực có nhiều người dân Chơ Ro sinh sống nhất cả nước
Tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Chơ Ro là một hệ thống tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của tư duy sơ khai, thể hiện niềm tin sâu sắc vào thế giới linh thiêng và quan niệm vạn vật hữu linh – tức mọi vật thể trong tự nhiên đều mang một linh hồn riêng, từ núi rừng, sông suối cho đến cây cối, động vật và cả những hiện tượng thiên nhiên. Trong hệ thống thần linh phong phú ấy, thần lúa – được gọi là Yangva – giữ vị trí vô cùng quan trọng, là vị thần bảo hộ mùa màng, tượng trưng cho sự sống, sự sinh sôi và sự no đủ. Người Chơ Ro tin rằng, lúa không chỉ là lương thực mà còn là biểu tượng linh thiêng kết nối giữa con người với đất trời, là món quà quý giá mà thần linh ban tặng.
Hằng năm, vào khoảng tháng 3 âm lịch, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, người Chơ Ro lại tổ chức Lễ hội Sayangva, còn gọi là lễ cúng thần lúa hay mừng lúa mới, lễ hội thường được diễn ra vào hôm trăng sáng. Đây là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong đời sống văn hoá – tín ngưỡng của cộng đồng. Lễ hội không chỉ là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với thần Yangva đã phù hộ cho mùa màng bội thu, mà còn là dịp để cả cộng đồng sum họp, vui chơi, gắn kết tình làng nghĩa xóm.


Lễ hội Sayangva đã gắn liền với người dân Chơ Ro nơi đây từ xưa đến nay
Các nghi lễ và hoạt động nổi bật trong Lễ hội Sayangva
Lễ hội diễn ra với 2 phần chính là phần lễ và phần hội
Phần lễ
Trước 3 ngày diễn ra lễ hội, già làng cho người làm cây nêu lớn để dựng giữa sân lễ. Theo quan niệm của người Chơ Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên; cây giao hòa giữa trời, đất và người. Người Chơ Ro dựng cây nêu với hàm ý gửi “tin báo và mời” đến Yang Va và thần linh, tổ tiên về tham dự lễ hội với cộng đồng. Phần lễ trong Lễ hội Sayangva của người Chơ Ro ở Đồng Nai là nghi thức tạ ơn thần linh và cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.
Trong lễ hội Sayangva phần thực phẩm để dâng lên các Yang và đãi khách rất quan trọng nên phải chuẩn bị chu đáo từ nhiều tháng trước. Đầu tiên là cơm lam (piêng đình), cơm lam được nấu bằng gạo nếp trong ống lồ ô (hoặc nứa) và nướng trên lửa than hồng. Thứ hai là Bánh giầy (piêng pup), bánh có thể được làm trước lễ cúng một ngày nhưng phổ biển đồng bào làm bánh ngay trong ngày cúng Yangva vì bánh sẽ thơm, mềm và ngon hơn. Ngoài cơm lam, bánh giầy, trong lễ hội người Chơ Ro còn chuẩn bị các món như đọt mây nướng (xiêng), Canh bồi (pay ploi), lá bếp (nhíp) nướng… Ngoài ra, rượu cần cũng là vật phẩm không thể thiếu trong lễ hội, vừa để dâng cúng thần linh, vừa để đồng bào và khách quý chung vui trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
.jpg)
Cộng đồng cùng chung tay chuẩn bị các vật phẩm để dâng cúng thần linh
Trong lúc chuẩn bị lễ vật, phần lễ được bắt đầu với nghi lễ Rước hồn lúa, người được chọn thực hiện nghi thức rước hồn Lúa là người phụ nữ lớn tuổi (người Chơ Ro gọi người phụ nữ này là “mây va”). Trước khi đoàn đi rước hồn lúa, chủ lễ đến trước bàn Nhang vái xin Yang cho phép được đi rước hồn đang ở ngoài rẫy về làm lễ cúng. Đến vạt lúa, “mây va” thực hiện nghi thức khấn vái để rước hồn lúa.


Trước lễ cúng, người phụ nữ lớn tuổi trong làng cùng mọi người lên nương rẫy để lấy các nông sản vật về làm lễ. Quan trọng nhất là cụm lúa để dành cúng thần được mọi người mang về để bàn thờ.
Tiếp theo là phần nghi lễ chính. Khi đoàn người rước hồn lúa về khu cây nêu ở giữa sân, “mây va” trình báo cho thần linh, tổ tiên chứng giám. Sau trình lễ vật ở cây nêu, chủ lễ mang nhận và mang các lễ vật lên bàn thờ Nhang và thực hiện các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, cho lúa luôn đầy kho, năm nào cũng có lúa ăn đến khi giáp hạt, bà con trong làng không ai bị đói kém, những loại cấy trồng hoa màu cho nhiều củ trái và không bị thủ rừng phá phách, cuộc sống mạnh khỏe.
.png)


Dàn cồng chiêng tạo nên bầu không khí thiêng liêng và ấm cúng của buổi lễ
Sau khi cúng xong ở kho lúa, cũng là kết thúc nghi lễ cúng Yang Va. Già làng mời các vị cao niên, các vị khách quý đến bên bàn thờ uống rượu cần. Người phụ nữ lớn tuổi nhất bao giờ cũng được mời uống trước, qua đó biểu thị lòng biết ơn công lao của người phụ nữ, bởi theo quan niệm của cộng đồng thì phụ nữ tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà cửa, chịu đựng nhiều khó khăn, thiệt thòi, vất vả trong việc sinh nở, chăm con cái, lo toan công việc trong gia đình cũng như ngoài nương rẫy...

Sau lễ cúng dân làng cùng uống rượu cần và thụ lộc để mong được thần lúa che chở phù hộ
Sau phầu Lễ đến phần hội, đồng bào Chơ Ro vui mừng tụ tập quanh gốc cây nêu trong âm thanh trầm bổng của cồng chiêng, nhịp khoan thả của đàn tre và tha thiết của kèn môi,...Những nghệ nhân, người già biểu diễn cồng chiêng, thanh niên nữ tú múa hát trong trang phục váy khố. Các trò chơi “đẩy cây”, “nhảy bao bố”, “bịt mắt bắt dê”, “nhảy sạp” cũng được tổ chức với đông đảo bà con tham gia.

Ngày 3/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó đưa “Lễ hội Sayangva (cúng Thần Lúa) của người Chơ Ro” thành phố Long Khánh (huyện Xuân Lộc, huyện Định Quán, huyện Thống Nhất, huyện Vĩnh Cửu, huyển Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội cúng Thần Lúa là phong tục đặc sắc, văn hoá truyền thống lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà ở đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng dân tộc Chơ Ro. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Chơ Ro tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Chơ Ro quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
----------------------------------------------------------------------------
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS)
Địa chỉ: 01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (0283) 8 477 477
Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555
Mỹ Hằng - WowTimes (Tổng hợp và biên tập, ảnh: Internet)