[WOWTIMES - VIETKINGS] Làng cói Kim Sơn (1829 - 2025): Sắt son gắn bó với nghề truyền thống hơn 200 năm - Top 100 làng nghề thủ công truyền thống trăm tuổi tại Việt Nam 2025 (P.16)

27-04-2025

(WOWTIMES - VIETKINGS) Giữa vùng đất ven biển Ninh Bình, làng cói Kim Sơn hiện lên như một bức tranh yên bình, mộc mạc với những ruộng cói xanh ngát trải dài. Nơi đây, người dân đã gắn bó với nghề trồng cói và dệt chiếu qua nhiều thế hệ, tạo nên một làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước.

 

Làng nghề cói Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. Cây cói đã có ở vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ và trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. 

 

 

 

Toàn cảnh cánh đồng cói bạt ngàn của người dân Kim Sơn

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo các bô lão cao niên sinh sống tại vùng đất mở Kim Sơn kể lại rằng, vào năm 1829, chính doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai hoàng vùng đất hoang hóa ven biển này theo lệnh của vua Minh Mạng. Sau đó, ông đã đặt tên cho nơi này là Kim Sơn và giữ cái tên này cho đến tận ngày nay. Bằng chính kinh nghiệm của mình, ông đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất ven biển này, từ đó biến những lợi thế ấy trở thành một ‘mỏ vàng’ thật sự với nào cây cối, lúa, cói và cả kinh tế biển nữa. Cũng chính từ dạo ấy, vùng đất hoang ngày nào đã thật sự lột xác, vươn mình trở thành một trong những làng nghề truyền thống nổi bật bậc nhất chốn Ninh Bình này.

Sau bảy lần mở đất, lấn biển để ‘tranh công cùng tạo hóa’, tại vùng đất Kim Sơn hiện nay đã có khoảng 4000ha trồng cói, gấp 6 lần so với những ngày đầu mới khai hoang. Người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Những bãi bồi trải dài, rộng thênh thang, tầng tầng những cây cói xếp dài lung linh trong nắng chiều. Cây cói mềm mại, óng ả, nó như là sợi nối giữa biển với bờ. Thân thương rất đỗi quen thuộc gắn liền khăng khít như một phần cuộc sống của những con người cần cù nơi vùng đất nắng gió này.

 

 

 

Cây cói Kim Sơn có độ mềm mại, óng ả lý tưởng, thích hợp để đan, dệt nên thành những sản phẩm mỹ nghệ thủ công khéo léo, tinh xảo

 

Tính đến nay, sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn đã có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 

QUÁ TRÌNH TẠO RA NHỮNG SẢN PHẨM CÓI

Theo những người dân nơi đây cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng Năm, cói mùa vào dịp tháng Mười (âm lịch). Lúc hoa nở trắng trên những bãi bồi ven biển cũng là lúc người nông dân bắt đầu cắt cây cói ngoài đồng về. Quy trình trồng cói cũng giống như cây lúa: cày, xới, phơi ải, tháo nước, cấy cói, rồi làm cỏ, sục bùn, bón phân. Cói tươi thu hoạch về được chẻ nhỏ, phơi khô và đem ra chợ bán, rồi từ đó dệt thành chiếu hoa và các sản phẩm từ cói.

 

 

 

 

 

 

Sau khi cói đã đạt đến độ cao nhất định thì người dân Kim Sơn sẽ thu hoạch chuẩn bị cho những công đoạn tiếp theo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cói tươi sau khi được thu hoạch về sẽ được đem chẻ nhỏ và phơi khô. Tùy theo sản phẩm mà kích thước cói sẽ được chẻ khác nhau

 

Để tạo nên một sản phẩm cói mỹ nghệ tinh xảo, người thợ Kim Sơn phải trải qua quy trình công phu, tỉ mỉ từ khâu trồng, thu hoạch, chọn lọc, chẻ, phơi, nhuộm cói cho đến đan, dệt và hoàn thiện sản phẩm. Một trong những sản phẩm nổi bật nhất của Kim Sơn chính là những chiếc chiếu, mỗi năm Kim Sơn cung cấp cho thị trường hàng triệu chiếc chiếu với mẫu mã và chủng loại khác nhau: chiếu đậu, chiếu cạp điều, chiếu cải.... trong đó chiếu cải hoa và chiếu đậu là mặt hàng chủ lực.

Chiếu cải hoa có bố cục đối xứng chặt chẽ đến nghiêm ngặt: cạp điều rộng, đường chỉ thẳng, 4 góc và xung quanh là những hoa văn đẹp. Chiếu chỉ có 2 màu: đỏ tươi và trắng hồng. Màu trắng hồng là màu nền của chiếu, màu đỏ tươi rực rỡ là màu cải hoa, cải chữ, thể hiện ước mơ của con người. Dệt chiếu cải là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, tỉ mỉ từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói… đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Để dệt được một chiếc chiếu cải theo yêu cầu của khách hàng, anh Thịnh và những người thợ Kim Sơn phải dành rất nhiều thời gian bởi từng chi tiết, hoa văn trên chiếu đều được người thợ dệt thành hình luôn chứ không phải dệt thô rồi in hình theo khuôn chữ in sẵn. Đó chính là điều đặc biệt của chiếu cải Kim Sơn.

 

 

 

Cói sau khi được nhuộm màu sẽ được sắp xếp theo thứ tự màu sắc chuẩn bị dệt

 

Tuy nhiên, khó nhất vẫn là dệt chiếu đậu, đòi hỏi cầu kỳ và tinh xảo hơn. Phải chọn cói kỹ, sao cho đều, trắng ngà, dài thon, tròn tắp, mỗi sợi chỉ nhỉnh hơn cái nan hoa xe đạp. Sợi đay phải săn, nhỏ, mịn. Khi dệt phải làm cho chiếu có múi nổi nho nhỏ, gọi là múi na, trông như một kiểu hoa văn tự nhiên. Chiếu đậu không chỉ bền, mà còn thể hiện nét đẹp nguyên bản của cây cói và tôn thêm sự khéo léo tỉ mỉ của người dân Kim Sơn. Mỗi chiếc chiếu được dệt bởi 2 người thợ, một người giật và 1 người văng sợi cói. Chiếu được giật đều thì sẽ bền hơn trong quá trình sử dụng bởi các sợi cói được đan bện rất dày với các sợi đay. Người văng sợi cói cần phải phối hợp nhịp nhàng với thợ giật để đảm bảo việc dệt chiếu hiệu quả nhất. Một cặp thợ giỏi mỗi ngày dệt được từ hai đến ba chiếc chiếu. Chiếu sau khi dệt xong phải đem phơi nắng cho trắng, sau đó mới đem đi in hoa văn và cuối cùng sẽ được đem đi hấp trong lò để đảm bảo chất lượng, màu sắc hoa văn không bị phai.

 

 

 

Quá trình đan cói đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo, cẩn thận, bởi 'sai một ly thì đi một dặm'

 

 

 

Ngày nay, người dân nơi đây còn ứng dụng cả kỹ thuật sử dụng keo polyascera để phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, giúp định hình ổn định và nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm. Sau đó các sản phẩm sẽ được đem phơi 

 

Ngoài ra, không chỉ có chiếu cói, những người thợ lành nghề nơi Làng nghề cói Kim Sơn còn tạo ra những sản phẩm độc, lạ, có giá trị mà hiếm nơi khác có thể bì được, chẳng hạn như chiếu, mũ, dép, túi sách, hộp, cốc,...

 

 

 

 

 

 

Không còn gói gọn trong tấm chiếu manh, giờ đây các sản phẩm làm từ cói Kim Sơn đã đa dạng hơn về mẫu mã 

 
Năm 2024nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1150/QĐ-BVHTTDL. Trước đó, ngày 30/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-UBND công nhận nghề Cói thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là nghề truyền thống. 
Từ bao đời nay, người dân vùng đất mở Kim Sơn đã gắn bó cuộc đời mình với cây cói — loài cây như sợi dây bền chặt kết nối giữa biển cả và đất liền, giữa con người cần cù, khỏe khoắn với thiên nhiên rộng lớn, trù phú. Cây cói không chỉ là nguyên liệu quý giá mà còn là biểu tượng cho tinh thần chinh phục, lấn biển, làm chủ đất trời của bao thế hệ nơi đây. Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, làng nghề cói Kim Sơn vẫn gìn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Dẫu trải qua bao thăng trầm và đổi thay của thời cuộc, những người thợ làng nghề vẫn kiên trì giữ nghề, cần mẫn tiếp nối và truyền ngọn lửa yêu nghề cho lớp lớp thế hệ mai sau.
 
 

----------------------------------------------------------------------------

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS)

Địa chỉ: 01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (0283) 8 477 477

Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555

 
 
 

Mỹ Hằng - WowTimes (Tổng hợp và biên tập, ảnh: Internet)


 

Content1 (mobil)
content1nhasangnghiep
Content2 (mobil)
content2
DesktopMobile